Chính hành động nhỏ của người cha đã biến Bi Nguyễn thành một con người không ngừng mơ ước và luôn nỗ lực để thực hiện chúng.
Bi Nguyễn hiện là cái tên không chỉ được nhiều người hâm mộ võ thuật yêu quý mà còn được nhiều chuyên gia và đồng nghiệp trong làng MMA và Muay Thái đánh giá cao. Tuy chỉ mới ra mắt giải võ thuật đối kháng tổng hợp hàng đầu châu Á ONE Championship vào đầu năm 2019, “Ong sát thủ” đã mang về được những thành tích đáng nể. Trong số đó, không thể không kể đến trận thắng của nữ võ sĩ người Mỹ gốc Việt trước cựu vô địch Tán Thủ Ấn Độ, ngay tại quê hương mà cô xa cách suốt hơn hai mươi năm.
Trận đấu kết nối Bi Nguyễn với cha và cội nguồn
Tháng 9 năm 2019 đánh dấu lần đầu tiên Bi Nguyễn thi đấu tại quê hương nơi cô sinh ra, nơi mà người cha đã khuất của cô luôn dành cả đời để nhớ về. Bi Nguyễn đã dành chiến thắng ngoạn mục trước Puja Tomar trong sự kiện ONE Super Series Muay Thái, diễn ra tại nhà thi đấu Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh. Và đó cũng là lần đầu mà cô cảm nhận được sự kết nối mạnh mẽ giữa bản thân với người cha đã khuất cách đây 2 năm và với nguồn cội của mình.
Bi Nguyễn tâm sự: “Điều đó càng rõ ràng hơn khi tôi cảm nhận được nguồn năng lượng từ đám đông. Sau đó tôi còn ở lại đây thêm vài ngày, mọi người nhận ra tôi tại các nhà hàng. Tôi cảm nhân được rất nhiều niềm tự hào mà người Việt Nam dành cho mình”.
Không chỉ cảm nhận được rõ ràng tình cảm của quê hương, Bi Nguyễn còn cảm thấy tâm hồn mình và người cha đã mất càng gần gũi hơn bao giờ hết sau trận đấu. Điều đó đặc biệt có ý nghĩa khi mà trước đây, tình cảm của cô và cha không được tốt đẹp trong suốt nhiều năm.
Gia đình Bi Nguyễn từ Việt Nam sang Mỹ định cư khi cô còn rất nhỏ. Quen dần với nếp sống phương Tây, cô gái người Mỹ gốc Việt ngày càng trở nên khó hòa hợp với những người thân còn mang đậm bản chất và lối sống truyền thống Việt Nam.
Bên cạnh đó, cha cô cũng thường xuyên trở về Việt Nam. Có thể nói thời gian ông sống tại quê nhà dù đã di cư còn nhiều hơn thời gian ông sống tại Mỹ và ở bên con cái. Chính điều này cũng góp phần khiến tình cảm của Bi và cha càng thêm xa cách, đặc biệt là vào những năm thiếu thời nổi loạn, khi cô rời gia đình và bắt đầu cuộc sống tự lập.
Mãi cho đến khi Bi trưởng thành hơn và chuyên tâm vào con đường thi đấu chuyên nghiệp, tình cảm của cô và người cha vất vả mới vun vén thêm được chút ít. Tay đấm nữ 31 tuổi chia sẻ: “Chúng tôi không có mấy điểm chung ngoại trừ việc đều thích chiến đấu. Ông là một fan bự của các thể loại đấu võ và từng đến xem một vài trận đấu của tôi”.
Tuy nhiên, bồi đắp lại tình cảm với gia đình chưa được bao lâu thì cha Bi Nguyễn qua đời vì bệnh nặng vào đầu năm 2018. Cũng chính vì vậy mà nàng “Ong” đã đặt rất nhiều tâm huyết vào trận đấu tại nơi quê cha đất tổ và xem đó như một món quà để dành tặng đấng sinh thành, xem đó như phương tiện để tâm hồn hai cha con thêm phần gắn kết.
Bi Nguyễn ngậm ngùi: “Nếu như cha trở về Việt Nam và thấy được con gái mình đã trở thành ngôi sao như thế này, ông chắc hẳn sẽ khóc. Ông hẳn sẽ vui sướng tột cùng vì điều đó. Tôi ước chi lúc ấy cha có thể chứng kiến trận đấu, nhưng chỉ cần biết rằng ông vẫn dõi theo tôi ở trên cao thôi cũng đã tốt lắm rồi”.
Bài học từ hành động nhỏ của người cha
Giờ đây, nhớ lại về người đã khuất, Bi Nguyễn cho biết điều lớn nhất mà cô học được và thừa hưởng được từ cha ấy chính là sự mơ mộng, hoài bão khôn nguôi, thể hiện qua… những tờ vé số.
Thời bé, Bi đã từng chứng kiến cha mình luôn bỏ ra một số tiền nhất định hằng ngày để mua vé số và cho rằng ông rất lãng phí. Võ sĩ 31 tuổi kể lại: “Điều đó từng khiến tôi rất tức giận, cha đã dành quá nhiều tiền mua vé số trong hàng chục năm trời. Với số tiền đó, nếu dành dụm thì có khi ông đã mua được cả căn nhà cho gia đình rồi”.
Tuy nhiên, khi đã trưởng thành, Bi mới nhận ra đó chính biểu tượng cho giấc mơ của cha cô, giấc mơ có được cơ hội mang đến cho gia đình ông một cuộc sống sung túc, ấm no hơn. Nữ võ sĩ ONE Championship hiểu rằng cha mình đã phải lắng lo quá nhiều về cuộc sống, về kinh tế gia đình đến nỗi ông không còn sức hay năng lực để tự tay xây dựng cuộc sống giàu sang cho vợ con, mà chỉ còn biết hy vọng ít ỏi thực hiện được ước mơ qua những tờ vé số.
Hành động tuy không phải điều gì lớn lao hay đặc biệt ý nghĩa nhưng nó cũng đã dạy cho Bi Nguyễn biết sống với ước mơ của mình và tận dụng tối đa mọi cơ hội đến với mình để đạt được chúng dù con đường có dài và khó khăn đến nhường nào.
Bi tâm sự: “Rất nhiều người đã đồng hành cùng tôi trong suốt sự nghiệp, đặc biệt là những người hâm mộ, đó thực sự là một quãng đường dài. Tôi có thắng và tôi có thua. Tôi cũng có những lúc thăng trầm, nhưng tôi vẫn tiếp tục cố gắng, tiếp tục mộng mơ. Không gì có thể khiến tôi thôi mơ ước - không phải tuổi tác, không phải kinh nghiệm, không phải thời gian. Tôi là một kẻ không ngừng mơ mộng và tôi sẽ biến giấc mơ của mình thành hiện thực”.
“Ong sát thủ” có thể đã có những lúc nghi ngờ bản thân, nhưng chính chiến thắng tại Việt Nam đã nâng cao ý chí, tinh thần của Bi lên một tầm cao mới. Đối với nữ võ sĩ gốc Việt, chiến thắng đó không chỉ có công sức và sự nỗ lực của cô mà còn có cả sự cổ vũ của người cha quá cố cùng những đồng bào mà cô chưa từng quen biết. Bi khẳng định: “Giờ đây tôi cảm thấy tâm hồn mình gần gũi với cha hơn bao giờ hết. Việc kết nối với nguồn cội, với nơi mà tôi sinh ra đã cho tôi rất nhiều sức mạnh. Tôi chưa từng cảm thấy chắc chắn và tự tin vào bản thân hơn thế này trong suốt sự nghiệp của mình”.
Thanh Anh