Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, CEO và đồng sáng lập Lee Seung Gun cho biết vòng gọi vốn sẽ kết thúc trong vài tháng tới nhưng không tiết lộ con số. Lee cũng cho biết thêm công ty đang có kế hoạch IPO trong vòng 2-3 năm tới, niêm yết tại các thị trường chứng khoán Hàn Quốc, Hong Kong, Mỹ và hai nước khác.
Được thành lập năm 2011 tại Seoul bởi Lee Seung Gun khi đó là một bác sĩ nha khoa đã từ bỏ công việc ổn định trong một bệnh viện thuộc sở hữu của Tập đoàn Samsung. Đến nay, Toss là startup fintech lớn nhất Hàn Quốc với 10 triệu người dùng mỗi tháng. Công ty mới đạt điểm hòa vốn vào tháng 4 và hiện mỗi tháng xử lý lượng giao dịch trị giá 3,7 tỷ USD, chiếm 9,2% tổng lượng giao dịch trực tuyến của Hàn Quốc vào năm 2019.
Công ty đang lên kế hoạch cho ra mắt dịch vụ môi giới chứng khoán trong sáu tháng cuối năm 2020 và xây dựng một ngân hàng internet vào tháng 7 năm tới để giành thị phần lớn hơn trên thị trường tài chính trị giá 43 tỷ USD của Hàn Quốc.
Lee Seung Gun – CEO và sáng lập viên của Toss
“Thời điểm này thì một công ty phát triển nhanh và tạo ra lợi nhuận sẽ nhận được nhiều tiền hơn”, Lee khẳng định. “Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một siêu ứng dụng tài chính mà bất cứ khi nào cần dùng đến các dịch vụ tài chính mọi người đều mở Toss mà không cần do dự”.
Toss cũng đã cắt giảm được chi phí nhờ việc chính phủ mới cấp phép cho hệ thống ngân hàng mở mới vào cuối năm ngoái. Điều này giúp Toss giảm btiền hoa hồng cho các ngân hàng xuống 1/3 so với ban đầu. Doanh thu của Toss tăng 6 lần trong 2 năm trước và Lee nhắm tới việc tạo ra hàng chục tỷ won lợi nhuận trong năm nay và hơn một trăm tỷ won vào năm tới.
Mục tiêu của Lee là biến Toss thành siêu ứng dụng đầu tiên trên thế giới tích hợp tất cả các dịch vụ cung cấp bởi các gã khổng lồ fintech như Paypal, Robinhood và Credit Karma. Trong 40 dịch vụ, 5 mảng chính của Toss gồm chuyển tiền, cho vay, quản lý chấm điểm tín dụng, đầu tư và thẻ tín dụng là những lĩnh vực chính tạo ra phần lớn doanh thu và lợi nhuận.
Toss muốn cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán và cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, người tiêu dùng cá nhân với lãi suất lần lượt dưới 5% và 15%. Bằng việc loại bỏ các giao diện và thuật ngữ phức tạp, Lee đặt cược rằng 2 dịch vụ này có thể thu hút một nửa dân số Hàn Quốc sử dụng, tức là 25 triệu người trong 2 năm.
Dự kiến nhân sự tuyển dụng cho 2 mảng này là 200 và 90 người.
Đội ngũ hiện tại của Toss
Trong một quốc gia vốn nổi tiếng bởi sự thống trị của những chaebol (tập đoàn gia đình trị) thì Toss được xem như là một minh chứng cho sự đổi mới của các nhà cầm quyền. Lee cho biết chính phủ đang khuyến khích nhiều công ty “phá cách” để đổi mới ngành công nghiệp tài chính Hàn Quốc.
Hàn Quốc là quốc gia có tốc độ đường truyền Internet nhanh nhất thế giới, với lượng truy cập điện thoại thông minh rất cao, GDP bình quân đầu người dự báo vượt 30.000 USD vào năm 2018.Tuy nhiên, các chính sách về tài chính khắt khe đã hạn chế sự phát triển của lĩnh vực fintech ở đất nước này so với các nền kinh tế Châu Á khác. Và thời thế đang thay đổi.
“Với dân số đông đảo, trẻ trung và am hiểu về công nghệ, tiềm năng của Hàn Quốc là rất lớn. Các tổ chức tài chính ở nước này đã tạo ra gần 500 tỉ USD doanh thu hằng năm, đa phần từ các dịch vụ ngoại tuyến. Sự ra đời của các dịch vụ tài chính trực tuyến chỉ là bước khởi đầu”, Nikolay Kostov, đối tác tại Ribbit Captital cho biết.
Toss đã huy động được tổng cộng hơn 350 triệu USD và được định giá 2,4 tỷ USD trong vòng huy động vốn trước. Các nhà đầu tư trước đây bao gồm Paypal, Goodwater, GIC, Altos Ventures.
Lee đang muốn mở rộng ra ngoài thị trường Hàn Quốc. Công ty đã ra mắt ứng dụng trả thưởng tại Việt Nam, cho phép người dùng dễ dàng nhận thưởng ngay khi đạt những mục tiêu đơn giản như hoàn thành 1.000 bước đi bộ mỗi ngày. Ứng dụng này hiện thu hút 300.000 người dùng hoạt động hàng tháng. Họ cũng đang tìm kiếm cơ hội tại Đông Nam Á và Nhật Bản.
Với Lee, đây là lần đầu tiên anh đạt được cột mốc hòa vốn trong sự nghiệp startup kéo dài 10 năm của mình. Anh đang lên kế hoạch về một chuyến nghỉ dưỡng ở Hawaii cũng 350 nhân viên để kỷ niệm việc này ngay khi dịch Covid-19 kết thúc.
“Vẫn còn những lo ngại trong thị trường rằng liệu fintech có phải là mảng kinh doanh có thể có lãi. Toss đã chứng minh rằng một công ty trong lĩnh vực này vừa có thể tăng trưởng nhanh và có thể có lợi nhuận”.