(HTV) - Một trong những nội dung chú ý của Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này là đề xuất tăng biên chế công đoàn để đảm bảo tốt hơn công tác chăm lo, bảo vệ đoàn viên người lao động.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp, người lao động và đoàn viên công đoàn, nhiệm vụ của công đoàn trở nên đặc thù và nặng nề hơn. Tuy nhiên, biên chế của công đoàn lại rất thấp, chỉ tương đương một phần ba so với các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Triển khai đề án "Nhà trọ công nhân An toàn văn minh" giai đoạn 2022 - 2025, những ngày này, các cán bộ của Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Giang liên tục đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát các tiêu chí về diện tích, an toàn phòng chống cháy nổ và an ninh trật tự tại các địa bàn tập trung đông công nhân. Với bốn cán bộ công đoàn chuyên trách, nhưng hiện liên đoàn lao động Thành phố Bắc Giang đang quản lý gần 200 công đoàn cơ sở nhiều lúc cán bộ không tránh khỏi áp lực vào những dịp cao điểm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cho biết: "Những đợt cao điểm thì hầu như chúng tôi không có ngày nghỉ, vì các hoạt động triển khai vào thứ bảy chủ nhật, hai anh em phải đi ngoài giờ để nắm bắt tình hình anh em công nhân. Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến ngày 31/3/2024, công đoàn địa phương được các tỉnh ủy, thành ủy giao 5.119 biên chế, con số này chỉ bằng 1/3 các tổ chức chính trị - xã hội khác và thấp hơn so với nhu cầu tối thiểu của tổ chức Công đoàn là 780 biên chế. Tại Dự thảo Luật công đoàn sửa đổi, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng đề xuất ở những doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên cần bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách do Công đoàn trả lương.
Ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang
Ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang cho biết: "Để hoạt động công đoàn trong thời gian tới được tốt hơn chúng tôi mong muốn Trung ương hoặc tỉnh ủy xem xét đề xuất có cán bộ công đoàn chuyên trách và đẩy mạnh việc phân bổ cán bộ giữa các nơi để đảm bảo thực hiện chăm lo tốt cho người lao động. Thứ 2 là đổi mới cơ chế quản lý cán bộ công đoàn".
Theo Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, cán bộ công đoàn cơ sở do chủ sử dụng lao động trả lương nếu quy định k rõ thì sẽ rất khó cho việc phát huy vai trò của Công đoàn trong việc chăm sóc, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Thêm nữa số lượng cán bộ công đoàn thì cần phải có sự chủ động của tổ chức cán bộ công đoàn trong việc tuyển dụng xác định số lượng biên chế, phù hợp với số lượng cán bộ công đoàn, và khả năng trả lương của tổ chức công đoàn. Thấy được sự chủ động của tổ chức công đoàn trong việc xác định bộ máy của mình.
Các chuyên gia về lao động, công đoàn cho rằng, số lượng biên chế cho công đoàn không nên phụ thuộc vào số dân của tỉnh, thành phố, ngành, mà phải phụ thuộc số lượng đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế của từng ngành, từng địa phương. Việc trao quyền chủ động cho Tổng Liên đoàn quyết định số lượng cán bộ công đoàn là lao động hợp đồng trong cơ quan chuyên trách và công đoàn cơ sở sẽ bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong bố trí cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển đoàn viên trong từng thời điểm, giai đoạn, từ đó, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức công đoàn trong bối cảnh mới.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9