LongFORM: Động đất Myanmar - Nỗ lực cứu hộ, viện trợ của cộng đồng quốc tế

NHƯ ANH - MINH TÂM - VIỆT HÙNG - QUỐC KHANH - NGỌC DUNG - ANH THƠ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 3/4/2025, 16:23

(HTV) - Động đất kinh hoàng tại Myanmar vào trưa 28/3 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2800 người. Sau 5 ngày, người dân vẫn sống trong cảnh màn trời chiếu đất, lo sợ dư chấn. Các nỗ lực cứu hộ quốc tế tiếp tục được triển khai, dù gặp nhiều khó khăn.

Thảm họa động đất kinh hoàng tại Myanmar xảy ra vào trưa ngày 28/3. Sau 5 ngày, nỗi lo lắng và đau khổ của người dân tại đây vẫn chưa hề giảm đi. Hơn 2800 người thiệt mạng, trong khi người dân sống trong cảnh màn trời chiếu đất và lo sợ dư chấn. Các nỗ lực cứu hộ, cứu nạn từ cộng động quốc tế vẫn đang được tiến hành khẩn trương dù gặp rất nhiều khó khăn.

Tính tới ngày 2/4, trận động đất mạnh 7,7 độ khiến ít nhất 2.866 người thiệt mạng ở Myanmar, những dư chấn vẫn khiến cho các nỗ lực cứu nạn những người sống sót bị mắc kẹt trong đống đổ nát trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Một tòa nhà ở Mandalay đổ sập sau trận động đất 7,7 độ richter, ngày 28/3/2025. Nguồn ảnh: AFP/Getty Images.

Trận động đất nông có cường độ 7,7 độ richter xảy ra vào giữa trưa thứ Sáu 28/3, sau đó vài phút là trận động đất có cường độ 6,7 độ richter.

Đây là trận động đất mạnh nhất xảy ra ở Myanmar trong nhiều thập kỷ qua, và đã ảnh hưởng đến tận thủ đô Bangkok của Thái Lan, chôn vùi hầu hết các công nhân trên công trường bị sập của một tòa nhà chung cư đang xây dựng.

Tòa nhà đang trong thời gian thi công tại Thái Lan bị sập do trận động đất từ Myanmar, ngày 28/3/2025. Nguồn ảnh: Reuters.

Truyền thông Myanmar cho biết vào ngày 2/4 rằng trận động đất đã khiến khoảng 2.866 người chết, 4.639 người bị thương và 373 người mất tích. Nhưng quy mô của thảm họa vẫn khó có thể đánh giá chính xác, các chuyên gia lo ngại số người chết ở Myanmar có thể tăng lên

Thảm họa còn nghiêm trọng hơn vì cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua. Trước trận động đất, khoảng 50 triệu người dân Myanmar đã phải chịu đựng nhiều khổ đau khi đất nước bị tàn phá do xung đột và bất ổn chính trị kể từ cuộc đảo chính tháng 2/2021. Đất nước bị cô lập và chia rẽ, nơi các tướng lĩnh đang chiến đấu với hàng chục nhóm vũ trang ở nhiều khu vực, hệ thống y tế bị tàn phá.

Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, gần tâm chấn, trận động đất đã khiến các tòa nhà dân cư và cầu sụp đổ và đường sá nứt toạc

Quang cảnh Cầu Ava bị sập sau trận động đất ở Myanmar, ngày 29/3/2025. Nguồn ảnh: EPA.

Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng "tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng" vật tư y tế đang làm suy yếu hoạt động hỗ trợ được triển khai trên thực địa. Hoạt động cứu trợ còn phức tạp hơn do bệnh viện và các cơ sở hạ tầng y tế khác, cũng như đường sá và mạng lưới thông tin liên lạc bị hư hại.

 Các cơ quan quốc tế đã cảnh báo rằng Myanmar không có đủ khả năng để ứng phó với thảm họa có quy mô lớn như lần này. Trước trận động đất, Liên Hiệp Quốc ước tính 15 triệu người Myanmar, hay khoảng một phần ba dân số, lâm vào nạn đói vào năm 2025.

 Cho đến nay, thời gian vàng, tức 72 giờ đầu tiên sau trận động đất, đã trôi qua. Cơ hội sống sót của những nạn nhân bị chôn vùi càng trở nên mong manh.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích trong trận động đất tại Myanmar, ngày 31/3/2025. Nguồn ảnh: Reuters.

 Sau khi khảo sát thiệt hại do động đất ở Myanmar, Liên Hiệp Quốc hôm 1/4 đã kêu gọi cộng đồng toàn cầu tăng cường viện trợ trước khi mùa gió mùa sắp tới làm trầm trọng thêm tình hình thảm khốc, theo Reuters. Nước uống, thực phẩm, nơi trú ẩn và thuốc men là những nhu cầu cấp thiết nhất sau khi nhiều tòa nhà, đường sá và cầu bị hư hại nặng nề.

 Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã phát động lời kêu gọi khẩn cấp vào ngày 30/3 nhằm gây quỹ hơn 100 triệu USD để "giúp đỡ 100.000 người của khoảng 20.000 hộ gia đình”.

 Trên những đống đổ nát, những cuộc tìm kiếm tín hiệu sự sống vẫn tiếp tục dù ngày càng mong manh.

Bệnh nhân được sơ tán bên ngoài bệnh viện sau trận động đất ở Bangkok, Thái Lan, ngày 28/3/2025. Nguồn ảnh: AP.

 Trường trung học tư thục Wisdom Villa ở ngoại ô thành phố Mandalay đã bị trận động đất hôm 28/3 biến thành đống đổ nát.

 Các dầm sắt nhô ra khỏi đống bê tông, bị xoắn lại thành hình rễ cây do tác động của trận động đất mạnh 7,7 độ richter. Theo người dân, ít nhất 7 người vẫn còn mắc kẹt bên trong, trong đó có 2 giáo viên và một số trẻ em. 7 người khác thiệt mạng và 2 người còn sống được kéo ra ngoài vài giờ sau trận động đất.

 Ngôi trường này thường có khoảng 200 học sinh trong độ tuổi từ 12 đến 15, may mắn là hầu hết đã rời khỏi trường khi học kỳ kết thúc

Lực lượng cứu hộ điều trị cho nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của khu chung cư Sky Villa, ở Mandalay, Myanmar, ngày 30/3/2025. Nguồn ảnh: AFP/Getty Images.

 Các nỗ lực cứu hộ tại Mandalay, miền Trung Myanmar vẫn tiếp tục, nhưng được dự báo sẽ rất khó khăn trong ngày thứ Hai 31/3, khi nhiệt độ tại địa phương dự kiến lên tới 40 độ C.

 Thảm họa động đất này đã gây thiệt hại trên diện rộng. Các nhân viên cứu hộ, chó nghiệp vụ, nhân viên y tế và hàng triệu đô la tiền viện trợ từ nước ngoài đã và đang đổ về Myanmar. Nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Việt Nam, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia... đã cử lực lượng đến hỗ trợ chính quyền Myanmar khắc phục hậu quả.

 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhanh chóng chuyển gần ba tấn vật tư y tế đến các bệnh viện ở Mandalay và Naypyidaw, nơi đang điều trị cho hàng ngàn người bị thương.

 Trung Quốc, Liên minh châu Âu EU, Ấn Độ và Mỹ cũng đã quyết định giúp đỡ, đáp lại lời kêu gọi của nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Min Aung Hlaing, trong một dấu hiệu hiếm hoi cho thấy sự cởi mở của Myanmar với cộng đồng quốc tế.

Lực lượng cứu hộ của Trung Quốc đến Myanmar ngày 29/3/2025. Nguồn ảnh: Xinhua/AP.

 Cụ thể, WHO thông báo đã kích hoạt hệ thống quản lý tình trạng khẩn cấp và huy động trung tâm hậu cần ở Dubai để chuẩn bị vật tư cho những người bị thương. Tổ chức này đã gửi gần 3 tấn vật tư y tế, bao gồm bộ dụng cụ chấn thương và lều, từ Yangon đến các bệnh viện ở Mandalay và Naypyidaw, nơi hàng ngàn  người bị thương đang được điều trị. WHO cũng kêu gọi quyên góp 8 triệu USD.

 Trong ngày 30/3, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cũng đã đưa ra lời kêu gọi để quyên góp 100 triệu USD. Họ đã huy động các tình nguyện viên được đào tạo tại chỗ cho các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, những người cung cấp dịch vụ chăm sóc, phân phát chăn, bạt và bộ dụng cụ vệ sinh cũng như triển khai các đội y tế lưu động.

Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga điều nhân viên cứu hộ tới Myanmar sau trận động đất, ngày 29/3/2025. Nguồn ảnh: AP.

 Trung Quốc đã cử khoảng 200 nhân viên cứu hộ đến Myanmar vào ngày 29 và 30/3, đồng thời cho biết sẽ cung cấp 13,8 triệu USD viện trợ khẩn cấp.

 Hàn Quốc đã hứa viện trợ nhân đạo 2 triệu đô la và không loại sẽ chi thêm nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn.

 Ấn Độ đã cử nhiều đội tìm kiếm cứu nạn, y tế và một bệnh viện dã chiến lên nhiều máy bay quân sự. Hai tàu hải quân chở thêm thiết bị cứu trợ và nhân sự cũng khởi hành đến Yangon từ Quần đảo Andaman của Ấn Độ, đối diện với Myanmar.

 Từ Philippines, một đội gồm 114 nhân viên cứu hộ, bác sĩ, lính cứu hỏa và binh sĩ đã lên đường đến Myanmar vào ngày 1/4.

Công binh Việt Nam phối hợp cùng các lực lượng cứu hộ quốc tế giải cứu thành công một người khỏi đống đổ nát sau 124 giờ. Nguồn ảnh: Báo Nhân Dân.

 Đội cứu hộ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam, gồm 106 người, cùng hàng cứu trợ, đã đến Myanmar trong đêm 30/3. Đoàn cứu hộ sử dụng chó nghiệp vụ để tìm kiếm nạn nhân ở toà nhà 3 tầng sụp đổ thuộc khu dân cư Balathidi, thủ đô Naypyidaw. Việt Nam cũng đã quyết định viện trợ 300.000 USD giúp Myanmar khắc phục hậu quả động đất.

Lực lượng cứu hộ Việt Nam cùng cộng sự quốc tế đưa nạn nhân ra ngoài. Nguồn ảnh: Báo Nhân dân.

 Liên minh châu Âu EU đã cấp 2,5 triệu Euro viện trợ khẩn cấp ban đầu và cho biết họ sẽ đánh giá nhu cầu thực tế trước khi huy động thêm nguồn lực.

 Vương quốc Anh đã hứa cung cấp 12 triệu Euro cho những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, để tài trợ cho thực phẩm, nước, thuốc men và nơi trú ẩn, và nước láng giềng Ai-Len sẽ cung cấp 6 triệu Euro.

 New Zealand cũng đã cam kết hỗ trợ 1,1 triệu USD thông qua Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế.

 Cùng với sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, Liên hợp quốc đang khẩn trương kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar ngừng giao tranh để tập trung cho việc cứu hộ động đất, tiếp nhận và cung cấp viện trợ đến người dân. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: