Những điều cần biết về mạng 5G

ĐẠT NGUYỄN - MINH TÂM // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 21/10/2024, 10:36

(HTV) - Mạng 5G chính thức triển khai tại Việt Nam, với Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên công bố thương mại hóa công nghệ mạng này, phủ sóng tại khu vực trung tâm của 63 tỉnh thành. Công nghệ mới này có những khác biệt gì so với mạng 4G?

5G, hay công nghệ mạng di động thế hệ thứ năm, được xem là nhanh hơn và đáng tin cậy hơn nhiều so với các mạng 4G phổ biến hiện nay. Nó được kỳ vọng có tiềm năng thay đổi cách chúng ta sử dụng internet để truy cập các ứng dụng, mạng xã hội và thông tin, đưa con người vào kỷ nguyên của vạn vật kết nối.

Trong khi 4G sử dụng sóng vô tuyến dài hơn, 5G sử dụng băng sóng milimet, về lý thuyết là tần số siêu cao có khả năng nhân tốc độ lên hàng chục lần. Tức là nó cung cấp tốc độ tải lên và tải xuống nhanh hơn, tải xuống một tệp có dung lượng khổng lồ sẽ chỉ mất vài giây so với vài phút khi dùng 4G.

Hứa hẹn lớn nhất của 5G chính là độ trễ thấp giữa việc gửi và nhận thông tin. Điều này sẽ giúp phát triển y tế điện tử, thành phố thông minh trong nhiều lĩnh vực, tăng cường sử dụng xe tự hành và xe kết nối cũng như số hóa các nhà máy.

Vấn đề bảo mật sẽ được đặt lên hàng đầu… đặc biệt khi kiến trúc của mạng 5G khó bảo vệ hơn so với thế hệ trước. Ngoài ra, vì dùng sóng milimét ngắn, có phạm vi và khả năng thâm nhập hạn chế, mạng 5G sẽ cần rất nhiều trạm phát sóng.

Để trải nghiệm 5G, cần có điện thoại thông minh hoặc thiết bị tương thích.

Hàn Quốc là nước đầu tiên trên thế giới triển khai thương mại mạng 5G vào năm 2019. Nguồn ảnh: GNSS asia

Mạng 5G bắt đầu được triển khai thương mại trên thế giới 5 năm trước tại Hàn Quốc, và đến nay phổ biến nhất là tại Trung Quốc, Mỹ... trong khi nhiều nước khác vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Theo dữ liệu từ Ericsson, công ty mạng và viễn thông đa quốc gia của Thụy Điển, trong quý đầu tiên của năm 2024, đã có thêm 160 triệu thuê bao đăng ký 5G. Qua đó nâng tổng số người dùng 5G trên thế giới lên hơn 1,7 tỷ.

Một người đi ngang qua bảng đèn 5G ở Barcelona, Tây Ban Nha. Nguồn ảnh: REUTERS

Mặc dù tạo nhiều kỳ vọng, nhưng 5G vẫn khiến nhiều người tự hỏi liệu công nghệ mới có thể thực sự tạo ra một cuộc cách mạng công nghệ không, hay chỉ cải thiện những gì mà 4G đã làm được. Nói một cách dân dã, liệu mạng 5G sẽ "xịn" hơn, hay đơn giản chỉ là nhanh hơn?

Trên thế giới, có thể kể đến một số thành quả đã đạt được nhờ ứng dụng công nghệ mạng 5G.

Hàn Quốc được ghi nhận là quốc gia đầu tiên thương mại hóa 5G vào tháng 4/2019. Nước này hiện ứng dụng mạng di động thế hệ mới vào nhiều lĩnh vực.

Chẳng hạn, dịch vụ hậu cần Yes24 vận hành kho bãi sử dụng xe tự hành và robot di động tự động qua mạng 5G riêng. Ở mảng y tế, Samsung Medical Center khai thác 5G băng tần 28 GigaHertz để cung cấp dịch vụ đào tạo y tế thực tế, phẫu thuật cộng tác từ xa từ năm 2022. Nhà máy thép Posco dùng đầu máy xe lửa tự động và hệ thống điều khiển đường sắt dựa trên mạng 5G riêng. Hãng Hyundai cũng vận hành nhiều công đoạn sản xuất trong nhà máy bằng kết nối mới.

 Năm 2019, Trung Quốc thực hiện ca phẫu thuật não từ xa đầu tiên trên thế giới nhờ công nghệ 5G, khi bệnh nhân cách bác sĩ hàng ngàn cây số. Nguồn ảnh: Xinhua

Tuy nhiên, Trung Quốc mới là nơi thúc đẩy 5G phát triển vượt bậc, với tỷ lệ thâm nhập 5G thuộc hàng cao nhất thế giới. Riêng đặc khu Hong Kong có đến 74% dân số đã đăng ký sử dụng dịch vụ di động thế hệ mới. Số liệu thống kê của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) vào tháng 3/2024 cho thấy nước này có 851 triệu người dùng 5G và đã lắp đặt hơn 2,64 triệu trạm gốc 5G, chiếm hơn 60% tổng số của thế giới.

Nhiều khu công nghiệp 5G được thành lập ở các thành phố lớn từ Thượng Hải đến Đại Liên. Trong đó, cảng Thanh Đảo lập kỷ lục về hiệu quả bốc dỡ container nhờ khả năng làm mới dữ liệu ở mức mili giây thông qua kết nối 5G.

Đáng chú ý, năm 2019, Trung Quốc thực hiện ca phẫu thuật não từ xa đầu tiên trên thế giới bằng công nghệ 5G, với bệnh nhân cách bác sĩ hàng ngàn cây số. Mạng 4G sẽ không thể cho phép điều này, do độ trễ kết nối.

5G còn phục vụ hoạt động xử lý địa chất, ghi nhận địa chấn và kiểm soát đường ống dẫn dầu từ xa, cũng như trong các nhà máy sản xuất tự động.

Tại Mỹ, 5G được thương mại hóa muộn hơn, từ năm 2022, nhưng tốc độ phát triển rất nhanh. Năm ngoái trong một trận Super Bowl, Verizon giới thiệu 5G Multi-View, giúp người hâm mộ xem bảy luồng video HD trên một chiếc điện thoại, dễ dàng chuyển góc máy hoặc tua lại để xem theo thời gian thực. Và Mỹ cũng đang khai thác 5G để quản lý xe tải tự hành.

Ở Nhật Bản, 5G được dùng tạo ra ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường AR/VR tiên tiến trong giáo dục, du lịch và bán lẻ. Ví dụ, các bảo tàng có thể triển khai tour du lịch ảo với lớp AR cung cấp thông tin và tăng trải nghiệm tương tác của du khách.

Hay ở Đức, 5G cho phép giao tiếp giữa robot và hệ thống quản lý sản xuất, từ đó giúp kỹ thuật viên điều chỉnh nhanh chóng các quy trình theo nhu cầu thay đổi của thị trường, tăng hiệu quả và giảm chi phí.

Dù đang có đà phát triển mạnh mẽ, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng 5G vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng đặt ra. Một số trang công nghệ phân tích một số hạn chế hiện nay của thế hệ mạng di động mới nhất này.

Về mặt hạn chế, phạm vi phủ sóng mạng 5G vẫn còn bị giới hạn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và ngoại ô. Việc thiếu khả năng tiếp cận rộng rãi này đã cản trở việc áp dụng rộng rãi các thiết bị và dịch vụ hỗ trợ 5G.

Chi phí cao: Các thiết bị và dịch vụ 5G thường đắt đỏ hơn so với các thiết bị và dịch vụ 4G tương ứng, khiến chúng khó tiếp cận hơn với nhiều đối tượng người tiêu dùng hơn. Rào cản về chi phí này đã làm chậm quá trình chuyển đổi sang 5G đối với nhiều người tiêu dùng.

Ứng dụng đột phá hạn chế: Mặc dù 5G mang lại tốc độ và hiệu suất cải thiện đáng kể so với 4G, nhưng vẫn còn tương đối ít ứng dụng đột phá thực sự thể hiện tiềm năng chuyển đổi của công nghệ này.

Rào cản về mặt quy định: Việc triển khai cơ sở hạ tầng 5G đã phải đối mặt với các rào cản về luật ở một số khu vực, đặc biệt là liên quan đến những lo ngại về các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến sóng vô tuyến 5G. Những thách thức về mặt quy định này đã làm chậm quá trình triển khai mạng 5G ở một số khu vực.

Tính khả dụng của thiết bị: Tính khả dụng của các thiết bị hỗ trợ 5G bị hạn chế, đặc biệt là trong giai đoạn đầu triển khai.

Mặc dù vậy, không thể phủ định về triển vọng tương lai của 5G. Để cải thiện các mặt hạn chế của 5G, đã có nhiều nỗ lực cả từ phía nhà mạng, nhà phát triển cũng như các chính phủ.

Các nhà khai thác đang đầu tư mạnh vào việc mở rộng phạm vi phủ sóng 5G. Một khi 5G trở nên dễ tiếp cận hơn, giá cả thiết bị có thể giảm xuống mức chấp nhận được - và qua đó, thúc đẩy phát triển ứng dụng nhiều hơn.

Ngoài ra, các quan ngại xung quanh công nghệ 5G dự kiến sẽ giảm bớt, khi có thêm nhiều nghiên cứu và bằng chứng mới về tính an toàn của nó.

Một khi đã vượt qua những trở ngại, 5G chắc chắn sẽ tăng tốc nhanh chóng trong những năm tới. Trong lúc chờ 5G thực sự phổ biến, các nhà phát triển thậm chí đã hướng đến các mạng 5,5G, hoặc thậm chí 6G, với những nâng cấp được quảng cáo là mang tính đột phá hơn nữa. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: