(HTV) - Công nghiệp hỗ trợ TP.HCM phát triển chậm do thiếu vốn, mặt bằng, nhân lực và chính sách. Cần đột phá tài chính, đầu tư, đào tạo và hạn chế nhập khẩu để thúc đẩy ngành.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ đang đối mặt với những khó khăn lớn, kìm hãm khả năng mở rộng và phát triển. Ông Đỗ Hoàng Trung - Chủ tịch & CEO Tập đoàn IDEA, chia sẻ về kế hoạch mở rộng xưởng sản xuất linh kiện phụ trợ, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, kế hoạch này đã phải tạm gác lại do những khó khăn về nguồn tài chính. Ông Trung nhấn mạnh: "Vốn tín dụng cần phải có lãi suất ưu đãi hoặc cấp tín dụng không cần thế chấp, với kỳ hạn trả gốc dài hơn để chúng tôi có thể đầu tư thiết bị hoặc nghiên cứu làm ra sản phẩm mang tính dài hạn. Đầu tư cái này mang tính dài hạn 10 năm - 3 năm, 5 năm là không đủ và cũng không tạo động lực lớn đâu. Khi có chính sách dài hạn đó, chắc chắn rất nhiều doanh nghiệp phát triển và FDI cũng sẽ phát triển, có thể nâng gấp đôi doanh số hiện tại".
Ông Đỗ Hoàng Trung - Chủ tịch & CEO Tập đoàn IDEA

Dây chuyền sản xuất của Tập đoàn IDEA
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM, kiến nghị đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, đặc biệt là việc áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp, đóng góp vào ngành công nghiệp phụ trợ.Để tạo động lực mạnh mẽ hơn, ông Đỗ Hoàng Trung tiếp tục đề xuất chính sách hạn chế nhập khẩu đối với những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất, thông qua việc tăng thuế nhập khẩu theo lộ trình. "Đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, kể cả FDI sẽ cam kết đồng hành dùng sản phẩm trong nước để đầu ra nó lớn cộng với cái hỗ trợ về chính sách và tín dụng thì phần còn lại của doanh nghiệp là đầu tư sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng" ông Trung nói. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách luân chuyển tài chính, dòng vốn từ các lĩnh vực khác, đặc biệt là bất động sản, ưu tiên cho sản xuất và đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM
Những giải pháp này, nếu được thực hiện một cách đồng bộ và mạnh mẽ, sẽ tạo ra động lực to lớn, giúp ngành công nghiệp hỗ trợ TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung bứt phá, không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước mà còn vươn tầm xuất khẩu, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9