(HTV) - Sáng ngày 12/5, chương trình Sân khấu học đường “Sáng ngời sử Việt” đã được diễn ra tại trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng. Chương trình giúp các em học sinh hiểu hơn về lịch sử dân tộc thông qua nghệ thuật cải lương truyền thống.
Sau lễ chào cờ sáng, không khí trở nên rộn ràng hơn với các em học sinh trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng với một "tiết học lịch sử" đặc biệt.
Đặc biệt là bởi, những kiến thức tưởng chừng khô khan, khó nhớ đã trở nên trực quan, sinh động hơn khi được lồng ghép vào những trích đoạn cải lương - hình thức nghệ thuật với bề dày lịch sử trăm năm nhưng vẫn còn đôi phần xa lạ với người trẻ.
Đối với một số em, chương trình "Sáng ngời Sử Việt" sáng nay chính là những câu ca cải lương đầu tiên mà các em có dịp thưởng thức. Những câu hò, điệu lý vang lên, lồng ghép trong đó là các câu chuyện lịch sử như công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Trưng Nữ Vương qua ca cảnh “Trưng Nữ Vương” hay trích đoạn "Câu Thơ Yên Ngựa" kể lại một trong những giai đoạn lịch sử hào hùng thời nhà Lý.


Chương trình Sân khấu học đường “Sáng ngời sử Việt đã giúp các em học sinh trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng hiểu hơn về lịch sử dân tộc thông qua nghệ thuật cải lương truyền thống
Chương trình sân khấu hoá “Sáng ngời sử Việt” là minh chứng cho những nỗ lực trong việc đổi mới phương pháp tiếp cận, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc đến thế hệ trẻ một cách sinh động và hấp dẫn.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, cô Trần Thị Thu Hương, chia sẻ: Nếu môi trường học đường không chủ động đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đến với các em, những giá trị văn hóa này có nguy cơ phai nhạt trước sức hút của vô vàn hình thức giải trí hiện đại. Nhà trường vì thế có vai trò trong việc tạo cầu nối, giúp các em dễ dàng tiếp cận và từ đó khơi dậy niềm yêu thích để các em tiếp nối, vun đắp cho nền văn hóa dân tộc ngày càng thêm giàu đẹp.




Chương trình sân khấu hoá “Sáng ngời sử Việt” đã lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc đến thế hệ trẻ một cách sinh động và hấp dẫn
Ở vị trí biên đạo chương trình, Nghệ sĩ Thanh Long cho biết, với loại hình nghệ thuật đầy biến hoá như cải lương, khi đến với môi trường học đường, cải lương đã có sự chuyển mình từ âm nhạc, phục trang đến cách kể chuyện, tất cả đều được điều chỉnh để trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn với các em học sinh. Dù thời lượng ngắn gọn, xúc tích, nhưng chương trình vẫn đủ sức truyền tải trọn vẹn thông điệp và khơi gợi niềm đam mê khám phá lịch sử ẩn sau mỗi câu chuyện.

Những trích đoạn cải lương được tinh chỉnh lại để phù hợp với các em học sinh hơn
Nghệ sĩ nhí Hồ Thảo Nhi, một trong những gương mặt trẻ tuổi và cũng là học sinh của trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng đã hóa thân thành Thượng Dương Hoàng Hậu trong trích đoạn “Câu thơ Yên Ngựa”.
Đối với Hồ Thảo Nhi, hành trình đến với cải lương tuy có nhiều khó khăn, đôi lúc nản chí nhưng khi nhìn những nghệ sĩ đi trước, em đã luôn vững lòng, vẫn tin yêu vào đam mê của mình cũng như tiếp lửa đam mê cho các bạn đồng trang lứa. Việc được hóa thân vào các nhân vật trong các tuồng cổ, trích đoạn cải lương còn giúp em càng hiểu, càng yêu hơn lịch sử nước nhà và sự hy sinh lớn lao của các thế hệ cha ông trong công cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước.
Chương trình đã đem nghệ thuật cải lương truyền thống đến gần hơn với đời sống tinh thần của học sinh, là dịp để các em hướng về những trang sử hào hùng và thể hiện biết ơn với những giá trị mà cha ông để lại.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9