Thị trường ngày 23/5/2025: Vàng miếng SJC đảo chiều, giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc

NGÂN QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 23/5/2025, 08:27

(HTV) - Giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tăng mạnh gần 2 triệu về lại các mức kỷ lục 121 triệu và 3.300 USD. Giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng sẽ lập hat-trick giảm ngày. Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng, giảm trái chiều.

Giá vàng trong nước

Tại thời điểm khảo sát lúc 4g30 ngày 23/5/2025, giá vàng được một số doanh nghiệp niêm yết cụ thể như sau:

Giá vàng hôm nay

Ngày 23/5/2025

(Triệu đồng)

Chênh lệch

(nghìn đồng/lượng)

Mua vào

Bán ra

Mua vào

Bán ra

SJC tại Hà Nội

118,5

120,5


-500

Tập đoàn DOJI

118,5

120,5


-500

Mi Hồng

118,5

119,8

-200

-200

PNJ

118,5

120,5


-500

Vietinbank Gold


120,5


-500

Bảo Tín Minh Châu

118,5

120,5


-500

Phú Quý

117,8

120,8


-700

Giá vàng thế giới

Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 4g30 hôm nay (theo giờ Việt Nam) giao ngay ở mức 3,289.53 USD/ounce. Giá vàng hôm nay giảm 0,69% so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (26.286 VND/USD), vàng thế giới có giá khoảng 104,2 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng quốc tế khoảng 16,3 triệu đồng/lượng.

 

Diễn biến giá vàng thế giới trong 24 giờ qua

Theo Reuters, giá vàng thế giới giảm hơn 1%, sau khi đồng USD bật tăng và nhà đầu tư tranh thủ chốt lời sau đợt tăng giá lên mức cao nhất trong hai tuần vào đầu phiên.

Chỉ số USD (.DXY) tăng 0,3%, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng các đồng tiền khác. “Chúng ta đang chứng kiến áp lực chốt lời từ đợt tăng giá gần đây, cùng với việc chỉ số USD mạnh lên – cả hai đều là yếu tố tiêu cực đối với vàng”, chuyên gia phân tích cao cấp Jim Wycoff tại Kitco Metals nhận định.

Tuy nhiên, ông cho rằng “bóng ma của một thị trường trái phiếu toàn cầu đầy bất ổn sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cơ bản cho giá vàng, giúp hạn chế đà giảm sâu”.

Căng thẳng tiếp tục bao trùm các thị trường nợ toàn cầu sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cắt giảm thuế "vĩ đại và tuyệt đẹp" của Tổng thống Donald Trump với chỉ một phiếu chênh lệch. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), dự luật này sẽ làm tăng thêm khoảng 3.800 tỷ USD vào khoản nợ liên bang hiện đã lên đến 36.200 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Trong bối cảnh bất ổn chính trị và tài chính như vậy, vàng vẫn là nơi trú ẩn an toàn được ưa chuộng.

Theo chuyên gia Zain Vawda của MarketPulse thuộc OANDA, các thỏa thuận thương mại mà chính quyền Mỹ dự kiến công bố trong vài tuần tới sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình xu hướng giá vàng từ nay đến cuối năm.

Ở các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,1%, còn 32,99 USD/ounce. Platinum nhích nhẹ 0,1% xuống 1.077,92 USD, trong khi palladium mất tới 2,7%, rơi xuống còn 1.009,89 USD.

Giá dầu thế giới

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/5, giá dầu tiếp tục giảm khi các nhà đầu tư cân nhắc thông tin OPEC+ đang thảo luận về việc tăng sản lượng trong tháng 7, làm dấy lên lo ngại cung vượt cầu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/5, giá dầu tiếp tục giảm

Giá dầu Brent giảm 47 cent, tương đương 0,72%, xuống mức 64,44 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 37 cent, tương đương 0,6%, xuống mức 61,2 USD/thùng.

Theo Bloomberg News, OPEC+ đang thảo luận có nên tiếp tục tăng mạnh sản lượng tại cuộc họp vào ngày 1/6 hay không. Bài báo trích dẫn nguồn tin từ các đại biểu cho biết, một trong những phương án là tăng 411.000 thùng/ngày vào tháng 7.
"Sự đồn đoán về OPEC+ là yếu tố lớn nhất hiện nay", John Kilduff, đối tác tại Again Capital ở New York nhận xét. Theo ông, quyết định của OPEC+ sẽ có sức nặng khá lớn và việc Kazakhstan không thực hiện được cam kết trong tháng trước càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trong tháng 5, sản lượng dầu của Kazakhstan đã tăng 2% dù OPEC+ yêu cầu quốc gia Trung Á này phải giảm sản lượng.
OPEC+ có kế hoạch tăng tốc sản lượng và có thể đưa trở lại thị trường 2,2 triệu thùng/ngày trong tháng 11. Tổ chức này đang trong quá trình tháo gỡ lệnh cắt giảm sản lượng và đã quyết định “bơm” thêm dầu cho thị trường trong tháng 5 và tháng 6.

Theo nhà phân tích Harry Tchiliguirian tại Onyx Capital Group, thị trường đang phản ứng với bằng chứng cho thấy OPEC đang từ bỏ chiến lược bảo vệ giá để giành thị phần. Còn theo nhà phân tích Helima Croft của RBC Capital, mức tăng 411.000 thùng/ngày có khả năng cao nhất.

Giá dầu cũng đã giảm trong phiên giao dịch, chịu tác động bởi báo cáo tồn kho dầu và nhiên liệu của Mỹ bất ngờ tăng khi lượng dầu thô nhập khẩu đạt mức cao nhất trong 6 tuần và nhu cầu xăng cùng sản phẩm chưng cất giảm. Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu tăng 1,3 triệu thùng lên 443,2 triệu thùng, ngược so với dự kiến giảm 1,3 triệu thùng của các nhà phân tích.

Tồn kho dầu của Mỹ bất ngờ tăng là một trong những yếu tố đẩy giá dầu trượt dốc

Emril Jamil tại LSEG Oil Research nhận xét, tồn kho dầu của Mỹ bất ngờ tăng gây áp lực giảm giá, đặc biệt giá dầu WTI. Điều này có thể khuyến khích Mỹ xuất khẩu nhiều hơn sang châu Âu và châu Á.

Hạn chế đà trượt dốc của giá dầu là thông tin giấy phép hoạt động của Công ty dầu khí Mỹ Chevron tại Venezuela sẽ hết hạn vào ngày 27/5.

Theo nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của Price Futures Group, tin tức nói trên có thể làm thay đổi cuộc chơi. Nhưng trước những lần gia hạn trong quá khứ, “thị trường vẫn chưa bị thuyết phục”.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 23/5 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 19.122 đồng/lít.

Xăng RON 95-III không quá 19.532 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 17.405 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 17.314 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 16.512 đồng/kg.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: