(HTV) - Miền Trung đang bứt phá mạnh mẽ, trở thành hành lang công nghiệp quan trọng với nhiều khu kinh tế chiến lược. Nhờ quy hoạch hạ tầng và thu hút đầu tư, khu vực này đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước.
Những ngày này cách đây 50 năm, cờ giải phóng đã tung bay trên hầu hết các tỉnh miền Trung. Nhiều dải đất miền Trung sau những trận tuyến khốc liệt, đã được giải phóng.
Sau 50 năm giải phóng, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đang ngày một phát triển, góp phần hình thành một hành lang công nghiệp, khu kinh tế, trung tâm bán dẫn, lọc dầu dọc theo duyên hải miền Trung theo định hướng của Chính Phủ. Ngày 31/3/1975, lá cờ giải phóng đã tung bay trên đất Bình Định. Trong kháng chiến, Bình Định là một trong những vùng trọng điểm bị đánh phá ác liệt.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, vùng đất lấp đầy bom đạn ấy nay đã từng bước khoác lên mình màu áo mới. Thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định - địa phương có số lượng tàu thuyền thuộc nhóm lớn nhất tỉnh và cả nước đã xác định thực hiện nhiều chính sách theo định hướng kinh tế biển là mũi nhọn.


Hình ảnh miền Trung hiện tại
Ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn nhấn mạnh: "Việc đánh bắt thuận lợi kéo theo sự phát triển của các ngành dịch vụ phụ trợ, từ đó nâng cao chất lượng đời sống của người dân". Khu kinh tế Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn, đang vươn lên thành cực tăng trưởng quan trọng, kết nối các trung tâm kinh tế đô thị trong vùng và quốc gia. Bình Định đã tập trung phát triển các khu đô thị sinh thái ven biển, đồng thời đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông, cảng biển để thu hút nhà đầu tư.
Ông Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HDND tỉnh Bình Định cho biết: "Chúng tôi huy động nguồn lực xã hội, tận dụng các chính sách của Nhà nước để quy hoạch tốt hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư". Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, với 360 dự án và tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng, đang là một trong những khu kinh tế đa ngành lớn nhất miền Trung. Hằng năm, Dung Quất đóng góp khoảng 80% ngân sách tỉnh Quảng Ngãi, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế khu vực. Chính phủ đã quy hoạch Dung Quất trở thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Quảng Ngãi đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo điều kiện kết nối vùng.

Ông Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định
Ông Nguyễn Phong - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi khẳng định "Các dự án giao thông không chỉ giúp tăng cường liên kết vùng mà còn tạo sức hút cho các nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi".

Miền Trung Việt Nam đang có sự chuyển mình mạnh mẽ
Năm 2025, Quảng Ngãi đặt mục tiêu thu ngân sách gần 32.000 tỷ đồng, với mức tăng trưởng từ 7,5% đến 8,5%. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đang tập trung thúc đẩy hơn 100 dự án chậm tiến độ và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu ngân sách nhà nước tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đạt hơn 417.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 15 - 16%/năm. Nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, miền Trung đang từng bước khẳng định vai trò trong chuỗi giá trị kinh tế, trở thành biểu tượng của khát vọng vươn lên, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển chung của đất nước.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9