(HTV) – Từ vùng Bưng Sáu Xã lịch sử, nơi xuất phát những đòn tiến công trong Đại thắng Mùa Xuân 1975, nay đã vươn mình trở thành Khu Công nghệ cao TP.HCM, hình mẫu phát triển bền vững và động lực đổi mới sáng tạo của cả nước.
Từ vùng đất lịch sử Bưng Sáu Xã, nay là Khu Công nghệ cao TP.HCM - hình mẫu phát triển bền vững với hạ tầng hiện đại, quy tụ nhiều doanh nghiệp và trường đại học hàng đầu
Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM Nguyễn Kỳ Phùng cho biết: "Khu công nghệ cao TP.HCM hiện nay không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế, mà còn đưa TP.HCM vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực vi mạch, tự động hóa, công nghệ sinh học… Năng suất lao động tại đây cao gấp 6,6 lần mức trung bình TP và gấp 16,6 lần so với toàn quốc.”
TP.HCM đang dẫn đầu cả nước về nguồn lực khoa học công nghệ với 3 khu công nghệ cao, 97 trường đại học, cao đẳng, hơn 400 tổ chức Khoa học và Công nghệ, 134 phòng thí nghiệm. Cùng với đó, thành phố liên tục giữ vững vị trí top đầu cả nước về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Hiện TP.HCM có hơn 2.000 startup, chiếm gần 50% cả nước, chỉ số đổi mới sáng tạo PII đứng thứ hai toàn quốc, và hệ sinh thái khởi nghiệp được đánh giá là cao nhất Việt Nam.

TP.HCM dẫn đầu cả nước về hệ sinh thái khởi nghiệp với hơn 2.000 startup và chỉ số đổi mới sáng tạo PII xếp thứ hai toàn quốc
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Lâm Đình Thắng chia sẻ: “Tại đây chúng tôi sẽ thí điểm các cơ chế, chính sách đột phá, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tập trung vào việc hỗ trợ, ưu đãi các startup; cơ chế phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế tiếp nhận tài trợ, góp vốn và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Chúng tôi cũng mong muốn thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, tài trợ từ trong và ngoài nước. Trung tâm sẽ là một bước tiến quan trọng, hiện thực hóa khát vọng đưa TP.HCM trở thành một thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo."
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết Trung tâm sẽ thí điểm cơ chế mới, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
Ông Trần Phúc Hồng - Phó Tổng Giám đốc Tập Đoàn Công nghệ TMA nhận định: "Muốn đột phá về khoa học công nghệ thì cần phải đột phá về chính sách, về nhân lực. Về nguồn nhân lực, những công nghệ mới như là bán dẫn như là trí tuệ nhân tạo thì còn thiếu rất là nhiều. Về hạ tầng thì chúng tôi rất là mong muốn chúng ta có thêm nhiều những khu phần mềm tập trung, khu công nghệ cao giống như là công viên phần mềm Quang Trung. Nếu mà số lượng mà khu phần mềm và khu công nghệ cao của chúng ta chỉ cần đạt được 1/10 các khu công nghiệp hiện nay là khoảng 500 khu công nghiệp thì lúc đó là chúng ta sẽ dễ dàng thu hút đầu tư trong và ngoài nước."
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ TMA Trần Phúc Hồng nhận định đột phá khoa học và công nghệ phải bắt đầu từ chính sách và nhân lực, đặc biệt trong các ngành mũi nhọn như bán dẫn, AI
Ông Phan Phương Tùng - Giám Đốc Trung tâm hỗ trợ và tư vấn Chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) cho biết: "Ngành Công nghệ thông tin nay không còn dừng ở phát triển phần mềm hay dịch vụ gia công. TP.HCM đang đón đầu xu hướng công nghệ mới như AI, robotics, blockchain, IoT… Chúng tôi sẵn sàng về hạ tầng, điện, cơ sở dữ liệu và nhiều chương trình hỗ trợ cụ thể cho SME, doanh nghiệp khởi nghiệp".
Giám Đốc Trung tâm hỗ trợ và tư vấn Chuyển đổi số TP.HCM Phan Phương Tùng cho biết TP.HCM đang đón đầu các công nghệ mới
Với nền tảng vững chắc từ quá khứ, cùng tinh thần đổi mới không ngừng nghỉ, TP.HCM đang đứng trước cơ hội lịch sử để bứt phá toàn diện trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ tiếp tục là trụ cột phát triển then chốt, đưa TP.HCM trở thành trung tâm sáng tạo, công nghệ hàng đầu khu vực.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9