(HTV) - Ngành công nghiệp chế biến chiếm 75% xuất khẩu TP.HCM năm 2024, khẳng định vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch từ lao động phổ thông sang công nghệ cao đang ngày càng rõ nét.
Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của TP.HCM năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 75%. Điều này khẳng định ngành công nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong sự tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp truyền thống đang có xu hướng giảm sút, đây là một diễn biến tất yếu khi TP.HCM chuyển dịch từ sản xuất thâm dụng lao động sang ứng dụng công nghệ cao.
Các ngành công nghiệp truyền thống như dệt may, trang phục, và da giày đang giảm dần sản lượng. Sự phát triển mạnh mẽ của các tỉnh thành lân cận đã thu hút nguồn lao động, đặt TP.HCM trước thách thức cần tập trung khai thác nguồn nhân lực chất xám cao thay vì lao động phổ thông.
Ông Lê Minh Hùng - Trưởng phòng Tổng hợp, Cục Thống kê TP.HCM nhận xét: "Những ngành sử dụng lao động phổ thông đã dần chuyển sang các tỉnh thành khác. TP.HCM cần tập trung vào các phân khúc có giá trị cao hơn như thiết kế thời trang, sản phẩm dệt may cao cấp và các công đoạn đòi hỏi hàm lượng chất xám lớn."
Công nghiệp TP.HCM đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới công nghệ và chuyển đổi số để vượt qua những giới hạn của các dây chuyền máy móc cũ kỹ. Tiến sĩ Hồ Hoàng Anh, Đại học Kinh tế TP.HCM nhấn mạnh: "Cơ sở hạ tầng là yếu tố then chốt để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Giao thông, cảng biển cần được cải thiện nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng tỷ suất lợi nhuận. Khi doanh nghiệp đổi mới, năng suất và lợi nhuận tăng lên, người lao động chất lượng cao sẽ tìm đến TP.HCM nhờ môi trường sống được nâng cấp và chi phí hợp lý."
Intel là một trong những doanh nghiệp đánh giá cao hỗ trợ từ chính quyền TP.HCM và Khu Công nghệ cao. Trong năm 2024, Intel đóng góp gần 20% tổng giá trị xuất khẩu của TP.HCM. Ông Kenneth Tse - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Intel Việt Nam cho biết: "TP.HCM cần cải cách thủ tục hành chính, áp dụng cơ chế một cửa để hỗ trợ doanh nghiệp FDI và thu hút thêm nguồn vốn mới. Các ưu đãi về thuế, cải thiện cơ sở hạ tầng như điện và giao thông sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn."
Ông Kenneth Tse chia sẻ về vai trò của công nghệ cao trong phát triển kinh tế TP.HCM
Khu Công nghiệp Hiệp Phước với hơn 200 doanh nghiệp đang hướng đến mục tiêu trở thành khu công nghiệp sinh thái đầu tiên của TP.HCM. Ông Huỳnh Bảo Đức - Tổng Giám đốc Công ty CP Khu Công nghiệp Hiệp Phước chia sẻ: "Ngay khi có quyền sử dụng đất, chúng tôi lập tức triển khai hạ tầng kỹ thuật và xây dựng khu công nghiệp theo hướng tuần hoàn, kinh tế xanh. Đây sẽ là điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư nước ngoài, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Thành phố."
TP.HCM đã xác định rõ hướng đi trong việc chuyển đổi công nghiệp, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế và trung tâm dẫn dắt cách mạng công nghiệp 4.0. Thách thức hiện tại nằm ở việc thực thi các chính sách và thúc đẩy quá trình chuyển đổi diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9