LongFORM: Những yếu tố kiểm soát xung đột Ấn Độ - Pakistan leo thang

NHẬT MINH - QUỐC KHANH - THÀNH NGHĨA - TRỌNG AN - ĐỨC VINH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 15/5/2025, 16:35

(HTV) - Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố lệnh ngừng bắn sau khi Ấn Độ và Pakistan trải qua 4 ngày giao tranh dữ dội ở khu vực biên giới. Bất chấp căng thẳng, hai nước vẫn có những yếu tố kiểm soát tình hình leo thang.

Binh lính canh gác tại một trạm kiểm soát ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát

Cả hai nước đều sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng chỉ để răn đe

Sau vụ tấn công ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát khiến 26 du khách thiệt mạng, Ấn Độ đã mở chiến dịch Sindoor, không kích vào Pakistan với lý do nước này có liên hệ với nhóm khủng bố đứng sau vụ tấn công. Islamabad đã bác bỏ tuyên bố này và phát động chiến dịch quân sự Bunyanun Marsoos, trả đũa cuộc không kích của Ấn Độ vào lãnh thổ của mình.

Ấn Độ và Pakistan còn đấu súng và pháo kích nhiều nơi dọc theo Đường Kiểm soát (LoC) chia cắt Kashmir giữa hai nước, đồng thời sử dụng tên lửa và drone tấn công các căn cứ quân sự của nhau.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định xung đột Ấn Độ và Pakistan vẫn nằm trong giới hạn vì cả hai đều hiểu rõ đối phương sở hữu vũ khí hạt nhân, và leo thang thành chiến tranh toàn diện là hành động nguy hiểm.

Người dân nhặt được mảnh đạn pháo ở vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát

Theo hãng tin AP, cả hai nước đều không hé lộ năng lực hạt nhân của mình, nhưng các chuyên gia ước tính mỗi bên sở hữu 170-180 đầu đạn hạt nhân cùng các hệ thống triển khai các đầu đạn này.

Ấn Độ và Pakistan đã xây dựng kho vũ khí hạt nhân trong nhiều năm, nhưng mục đích của họ đều là răn đe, chứ không phải phát động chiến tranh. Vũ khí hạt nhân như lời nhắc nhở bên còn lại không nên đi quá xa.

Ấn Độ có chính sách "không sử dụng trước", nghĩa là chỉ trả đũa bằng vũ khí hạt nhân nếu các lực lượng hoặc lãnh thổ Ấn Độ bị tấn công hạt nhân trước tiên.

Còn Pakistan có chính sách sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại các mối đe dọa tương tự. Islamabad không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trước nếu nhận thấy mối đe dọa hiện hữu. Tuy nhiên, hãng tin AP nhận định họ khó có thể phát động cuộc chiến như vậy trước tiềm lực quân sự mạnh mẽ của New Delhi.

Nhà cửa bị phá hủy do trúng đạn pháo tại vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát

Bất chấp nhiều thập niên thù địch và nghi ngờ, Ấn Độ và Pakistan đều tham gia hiệp ước cấm tấn công cơ sở hạt nhân. Hai nước cũng trao đổi danh sách các cơ sở hạt nhân của nhau vào mỗi tháng 1 và họ đã làm điều này trong 34 năm liên tiếp.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo xung đột Ấn Độ - Pakistan thường diễn biến nhanh và có thể dẫn đến nguy cơ tính toán sai lầm từ các hành động trên thực địa. Đây vẫn là cuộc khủng hoảng âm ỉ tiềm ẩn những hệ quả lớn.

Ấn Độ và Pakistan đã trải qua nhiều thập niên mâu thuẫn kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1947. Tranh chấp chủ quyền ở Kashmir đã dẫn đến 3 cuộc chiến và nhiều đợt giao tranh giữa hai quốc gia láng giềng này.

Hàng trăm người đã bắt đầu trở về nhà ở vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát, sau khi Pakistan và Ấn Độ đồng ý ngừng bắn do Mỹ làm trung gian.

Tại thung lũng Neelum thuộc vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát, nằm cách ranh giới với Ấn Độ khoảng 3 km, người dân địa phương cho biết họ cảm thấy nhẹ nhõm khi giao tranh tạm dừng.

Giáo viên Abdul Qayyum Azad: "Mong Pakistan và Ấn Độ ưu tiên bảo vệ dân thường. Các cường quốc cần đảm bảo lệnh ngừng bắn được thực thi."

Tình hình cũng đang trở lại bình thường tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Các khu chợ địa phương đã bắt đầu mở cửa lại tại thị trấn Kupwara.

Người dân Shahid Shahnawaz xúc động: "Tôi vui mừng với lệnh ngừng bắn. Kinh doanh đang phục hồi, nhưng khu vực chúng tôi chịu thiệt hại lớn".

Tại thị trấn Kupwara, người dân cho hay đêm qua và hôm nay tình hình yên tĩnh, không còn tiếng nổ lớn như trước.

Mỹ tích cực làm trung gian hòa giải

Cộng đồng quốc tế và LHQ đã hối thúc hai nước kiềm chế các hoạt động quân sự, kêu gọi đối thoại song phương và giải quyết bất đồng liên quan vùng Kashmir bằng giải pháp hòa bình. Bằng cách gây áp lực và ngoại giao con thoi, Mỹ đã tạo điều kiện để Ấn Độ và Pakistan đối thoại, cùng thoái lui từ bờ vực chiến tranh.

Người dân Ấn Độ và Pakistan vui mừng khi biết tin hai nước ngừng bắn

Nhà nghiên cứu Daniel Markey từ Viện Chính sách Đối thoại thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết, nếu lệnh ngừng bắn duy trì, nó sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, đặc biệt là tại vùng Kashmir – Nơi đã hứng chịu thương vong và thiệt hại trong những ngày qua. Thỏa thuận còn mang ý nghĩa quan trọng với các nước láng giềng trong khu vực và trên toàn thế giới.

"Trong tình huống này, cả Ấn Độ lẫn Pakistan đều cảm thấy mình đã ra đòn về phía đối phương và không còn thấy lợi ích lớn nào nếu kéo dài xung đột. Lệnh ngừng bắn vẫn có khả năng đổ vỡ trong trường hợp tình hình mất kiểm soát và tính toán sai lầm. Tuy nhiên, ở thời điểm này, tôi đánh giá cả hai bên đều nhận thấy lợi ích từ việc ngừng bắn và sẵn sàng phối hợp với các nước khác", ông Markey nói.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thường xuyên liên lạc với giới chức Ấn Độ lẫn Pakistan ngay sau khi xung đột giữa hai nước leo thang

Giải thích về lý do Mỹ tích cực làm trung gian hòa giải và nhận công về phần mình, ông Markey cho biết, xét từ góc độ của Mỹ, nước này không muốn thấy Ấn Độ chìm sâu vào cuộc xung đột với Pakistan. Điều này đặc biệt quan trọng vì Washington xem New Delhi là đối tác chiến lược, một đối tác có lợi với Mỹ nhằm cân bằng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á. Vì thế, thỏa thuận còn mang ý nghĩa về mặt địa chính trị.

Ấn Độ và Pakistan đều có kinh nghiệm kiểm soát căng thẳng, nhưng mỗi tình huống mỗi khác. Sự hiện diện của vũ khí hạt nhân và mối quan hệ lịch sử phức tạp khiến xung đột luôn tiềm ẩn rủi ro. Vì thế, vai trò hòa giải từ bên ngoài là yếu tố cần thiết, tránh tình hình vượt tầm kiểm soát.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: