Nông sản Việt: Tăng trưởng lớn, sầu riêng ngược dòng

NGỌC QUÍ - MINH KHÔI // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 23/5/2025, 10:13

(HTV) - TP.HCM – Xuất khẩu nông sản Việt 4 tháng đầu năm đạt 11,6 tỷ USD, tăng 11%, nhưng sầu riêng sụt mạnh (130 triệu USD so với 500 triệu). Bài học về chất lượng, quy hoạch và chiến lược quốc gia đang đặt ra cấp thiết để phát triển bền vững.

Sầu riêng "ngôi sao" trượt dốc, cà phê bứt phá

 Sầu riêng, từng được mệnh danh là "ngôi sao" của ngành nông sản, đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong 4 tháng đầu năm, chỉ đạt 130 triệu đô-la Mỹ kim ngạch xuất khẩu – thấp hơn rất nhiều so với mức 500 triệu đô-la Mỹ của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân không chỉ đến từ sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế, mà còn do những lô hàng bị thị rường chủ lực Trung Quốc trả về vì chứa chất cấm.

Bà Nguyễn Thị Huế - Tập đoàn Vina T&T Group

Bà Nguyễn Thị Huế - Đại diện Tập đoàn Vina T&T Group, nhận định rằng Trung Quốc đã có những tín hiệu rất quyết liệt, khiến sản lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam giảm đến 80%. Bà cũng thừa nhận phía Việt Nam còn phản ứng chậm và thiếu các phòng kiểm định cần thiết để đáp ứng yêu cầu.

Một công nhân đang kiểm tra chất lượng sầu riêng trước khi xuất khẩu

Trong khi đó, cà phê lại cho thấy diễn biến tích cực, khi nằm trong nhóm 6 mặt hàng xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ đô-la Mỹ. Tuy nhiên, bài học từ đà giảm sâu của sầu riêng hay xoài Cam Lâm cho thấy nông sản Việt Nam luôn đối diện nguy cơ ngay cả khi đang ở giai đoạn xuất khẩu đỉnh cao.

Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu, Nhà sáng lập Thương hiệu Cà phê Meet More

Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu và Nhà sáng lập Thương hiệu Cà phê Meet More, chỉ ra rằng việc "đa phần lao theo thị trường, xuất khẩu thô" khiến nông sản Việt dễ chịu tác động về giá. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải "quy hoạch lại vùng trồng nhanh chóng, từ bà con nông dân cho đến các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư".

Chiến lược Quốc gia và đa dạng hóa thị trường: lời giải cho nông sản bền vững

Phóng viên Ngọc Quí cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một lộ trình bền vững, khi các mặt hàng chủ lực như gạo hay rau quả đều giảm trên 14% trong 4 tháng đầu năm 2025, chịu tác động lớn từ biến động chính sách của các thị trường lớn.

Các chuyên gia đồng tình rằng đây không chỉ là vấn đề của từng doanh nghiệp mà cần một tầm nhìn và chiến lược mang tầm quốc gia. Ông Danny Võ - Cố vấn Đối ngoại Thương mại Quốc tế - Intercharm, đề xuất: "Không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa nữa mà phải là chiến lược quốc gia." Ông gợi ý học hỏi cách các nước như Malaysia đã làm thương hiệu cho sầu riêng Musang King để dẫn dắt các mặt hàng chủ lực tiếp theo của Việt Nam.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Luận bổ sung rằng nông sản Việt phải "luôn luôn được lan tỏa, phủ trên nhiều thị trường, dù có đôi khi thị trường nhỏ thôi nhưng ổn định và bền vững". Việc "thâm nhập, tìm kiếm thị trường mới phải được đưa vào chính sách phát triển nông sản của chúng ta".

Các công nhân đang đóng gói nông sản

Dù vẫn còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, Châu Âu và Châu Phi đang nổi lên như những thị trường nhập khẩu nông sản Việt đầy tiềm năng. Việc đảm bảo chất lượng, ứng phó chi phí sản xuất cao và rủi ro từ thị trường thế giới luôn là vấn đề cần được chú trọng để không chỉ đạt mục tiêu đề ra mà còn là hành trình phát triển bền vững của xuất khẩu nông sản Việt Nam.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: