Góc nhìn HTV: Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Thu hút FDI không còn "trải thảm đỏ", mà phải "thay áo mới"

TRẦN HÙNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 5/6/2023, 10:00

(HTV) - Từ ngày 1/1/2024, Việt Nam cùng hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ chính thức áp dụng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (gọi tắt là “thuế tối thiểu toàn cầu”).

Đây là một trong hai trụ cột chính của Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng.

Thách thức từ việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Đối với Việt Nam, thế mạnh lâu nay trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là thuế suất ưu đãi, thường chỉ từ 10-12%. Việc nâng mức thuế lên mặt bằng chung của thế giới sẽ là một thách thức không nhỏ, không chỉ với các chính sách thu hút FDI sắp tới, mà còn với các doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng.

 Công ty TNHH MTV Sản xuất và In nhãn Cao Phát Đạt đang thúc đẩy hợp tác chiến lược với một đối tác Nhật Bản nhằm hướng đến xuất khẩu, với mục tiêu tăng trưởng đạt khoảng 30%/năm. Kế hoạch này đã ấp ủ vài năm qua, khi việc gia công cho hơn 20 tập đoàn đa quốc gia chỉ ở mức tương đối nhỏ, giá trị mang lại không nhiều. Giờ đây, đứng trước thách thức mới về thuế tối thiểu toàn cầu, việc hợp tác chiến lược càng được đẩy nhanh để thoát khỏi sức ép từ các doanh nghiệp FDI.

Còn với các doanh nghiệp FDI, từ năm 2024, nếu không nộp đủ thuế tại Việt Nam với mức thuế suất 15%, thì số thuế còn lại vẫn phải nộp về cho quốc gia nơi công ty mẹ đặt trụ sở. Do đó, dù sắp tới sẽ nộp thuế nhiều hơn, nhưng so với việc đã đầu tư nhiều tỷ đôla vào Việt Nam và hoạt động sản xuất kinh doanh đã đi vào quỹ đạo, đa phần FDI vẫn sẽ ưu tiên “giữ nguyên” hiện trạng tại Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI mong muốn được tạo điều kiện thông thoáng hơn về thủ tục đầu tư, hỗ trợ về chi phí, và quan trọng hơn là nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi đây là yếu tố vừa giải quyết được các vấn đề xã hội, vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế.

 

Nhiều giải pháp quyết liệt hướng tới áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Để tháo gỡ những vấn đề liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, các cơ quan quản lý đã và đang quyết liệt tìm kiếm những giải pháp phù hợp.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14 về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài (FDI) trong giai đoạn mới. Theo đó, Bộ Tài chính rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn của Việt Nam.

 Tại TP.HCM, các giải pháp xúc tiến thương mại, cải thiện môi trường đầu tư cũng được triển khai một cách hết sức chủ động, cho thấy mức độ quan tâm của các sở, ngành, doanh nghiệp và cả các cơ quan ngoại giao.

 Nền tảng VELP - “Chương trình Giáo dục và Kinh doanh ASEAN” vừa được Thương vụ Italia tại Việt Nam cho ra mắt nhằm tập hợp các doanh nghiệp Italia quan tâm để liên lạc và hợp tác với các đối tác Việt Nam trong một số lĩnh vực. Hiện đã có 100 doanh nghiệp Italia đăng ký tham gia dự án.

“Sau khi đăng ký, các doanh nghiệp có thể sử dụng nền tảng này để kiểm tra các đối tác tiềm năng trong toàn bộ hồ sơ công ty và liên lạc để tăng cường hợp tác và thành lập một số doanh nghiệp. Trong tương lai, Cơ quan Thương mại Italia thậm chí có thể quyết định phân bổ một số ngân sách để tài trợ cho các đại biểu Việt Nam đến Italia gặp gỡ các đối tác đã liên hệ qua nền tảng.” - ông Fabio De Cillis - Giám đốc Thương vụ Italia tại Việt Nam chia sẻ.

Cũng đang tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM cho biết: “Ấn Độ có rất nhiều thành phố phát triển. Do đó, bên cạnh kết nối với thành phố New Delhi, chúng tôi mong muốn TP.HCM cũng tăng cường kết nối với các thành phố khác như Mumbai, Chennai, đặc biệt là kết nối với Bangalore - thủ phủ công nghệ thông tin của Ấn Độ.”

 Về phía TP.HCM, các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh mở rộng liên kết với các cơ quan ngoại giao các nước, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục cấp phép, đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các cuộc triển lãm, xúc tiến thương mại và đầu tư.

 Đặc biệt, trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đang được Quốc hội xem xét thông qua, Thành phố mạnh dạn đưa ra 7 nhóm chính sách đặc thù. Trong đó đáng chú ý là thu hút nhà đầu tư chiến lược với các ưu đãi phù hợp.

Về việc chuẩn bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đây không đơn giản chỉ là áp thuế suất 15% cho toàn bộ thuế thu nhập doanh nghiệp, vì như vậy sẽ dẫn đến tổng nghĩa vụ thuế của nhà đầu tư bị tăng lên một cách bất hợp lý.

Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành có liên quan đề xuất giải pháp, trong đó, bổ sung quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp đạt chuẩn 15% - theo quy định thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT). Đây có thể hiểu đơn giản là một cơ chế nội địa trong đó việc tính toán lợi nhuận thặng dư và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với các quy định tại Trụ cột 2 theo hướng dẫn của OECD.

Các nước cũng có động thái hướng tới việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Với nhiều nước trên thế giới, một trong những vấn đề mà các chính phủ đặc biệt quan tâm là nên sửa đổi các quy định về thuế như thế nào để hỗ trợ việc áp dụng Trụ cột 2 của Quy tắc Thuế suất tối thiểu toàn cầu. Các quốc gia sẽ cần sửa đổi không chỉ các quy định về thuế, mà còn các quy định khác về đầu tư, công nghiệp, thương mại, khoa học và công nghệ.

 Tính đến nay, Việt Nam là quốc gia đang phát triển duy nhất có kế hoạch cơ chế Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) từ năm 2024. Trong khi đó, một số nước Đông Nam Á khác, như Indonesia, Malaysia và Thái Lan, có kế hoạch triển khai từ năm 2025.

Trong bối cảnh vẫn còn nhiều khía cạnh của Trụ cột 2 chưa rõ ràng tại các quốc gia, giới chuyên gia cho rằng, các công ty cần theo dõi chặt chẽ các tiến triển trong quá trình lập pháp và cân nhắc những ảnh hưởng tiềm năng từ những diễn biến này.

Những yêu cầu mới về dữ liệu của Trụ cột 2 sẽ phức tạp, với hàng trăm điểm dữ liệu, trong đó có nhiều điểm nằm ngoài các hệ thống thuế và kế toán hiện nay. Do đó, các công ty cần sẵn sàng về nguồn lực và quy trình, để đảm bảo thu thập và phân tích dữ liệu hợp lý, tính toán các nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ báo cáo.

Việt Nam nên tập trung vào một số chính sách đơn giản, khả thi và mang tính bền vững

Mỗi giải pháp có các ưu, khuyết điểm riêng, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng sao cho hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Dưới góc nhìn của mình, Tiến sĩ Nguyễn Thái Chuyên - Giảng viên Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên HTV nhấn mạnh rằng nên tập trung vào một số chính sách đơn giản, khả thi và mang tính bền vững.

Phóng viên Trần Hùng và Tiến sĩ Nguyễn Thái Chuyên - Giảng viên Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT Việt Nam

Phóng viên: “Xin chào Tiến sĩ Nguyễn Thái Chuyên! Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 theo cam kết với OECD sẽ khiến Việt Nam không còn lợi thế về ưu đãi thuế cho FDI. Hiện các doanh nghiệp đa quốc gia và các nước đang phát triển cũng đã có những động thái nhất định để thích ứng. Điều này đặt ra những vấn đề gì cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong vấn đề thu hút FDI và phát triển chuỗi cung ứng?”

Tiến sĩ Nguyễn Thái Chuyên - Giảng viên Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT Việt Nam: “Lợi ích từ thuế tối thiểu toàn cầu chúng ta có thể thấy rõ là Nhà nước sẽ có thêm những nguồn thu từ thuế, ngoài ra sẽ hạn chế được những tình trạng như trốn thuế, tránh thuế hoặc chuyển giá của những công ty đa quốc gia ở Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam là nước chủ yếu tiếp nhận đầu tư, ưu đãi thuế mà không còn được áp dụng nữa thì Việt Nam sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút nguồn đầu tư FDI, và cũng có thể ảnh hưởng lớn đến quy mô hoặc kế hoạch mở rộng quy mô của các dự án đầu tư của nước ngoài.”

Tiến sĩ Nguyễn Thái Chuyên - Giảng viên Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT Việt Nam đã có những chia sẻ cùng với phóng viên HTV

 Phóng viên: Vậy ông có đề xuất gì để sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, chúng ta vẫn có thể giữ chân và thu hút FDI bền vững, đồng thời khai thác mạnh mẽ hơn những mặt lợi của FDI, nhất là hình thành các chuỗi cung ứng với sự tham gia sâu hơn của các doanh nghiệp nội địa?

 Tiến sĩ Nguyễn Thái Chuyên - Giảng viên Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT Việt Nam: “Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu những sản phẩm cơ bản hay sản phẩm trung gian. Nguồn lao động có kỹ thuật, chuyên môn ở Việt Nam chỉ đâu đó chiếm khoảng 24% trong tổng số lao động. Công nghiệp hỗ trợ chủ yếu do những công ty có vốn nước ngoài thực hiện, còn những công ty ở trong nước thì hầu như chỉ có quy mô nhỏ. Trong những vấn đề này thì tôi thấy Việt Nam cần phải có những chính sách để hỗ trợ cho những doanh nghiệp trong nước để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, ví dụ như hỗ trợ về vấn đề đào tạo nhân lực, hỗ trợ tiếp cận vốn, đất đai, và đặc biệt là hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp trong nước có nhiều cơ hội hơn được tiếp cận với các công nghệ sản xuất hoặc công nghệ quản lý của những doanh nghiệp FDI đó. Có những chính sách hỗ trợ khác nữa ngoài vấn đề ưu đãi thuế ra để thu hút FDI để cho họ thấy rằng Việt Nam vẫn là môi trường hấp dẫn để đầu tư vào, và tất nhiên cũng phải gắn kết được doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp trong nước cũng có đà để phát triển, và có thể tham gia mạnh mẽ hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.”

 Phóng viên: “Xin cám ơn ông đã tham gia trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình TP.HCM!”

 Không phải tự nhiên mà hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam đều đồng thuận áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Những lợi ích về lâu dài là rất rõ. Vấn đề hiện nay là làm sao "gỡ rối" trong giai đoạn chuyển tiếp giữa cái cũ và cái mới.

 Doanh nghiệp FDI mong muốn giảm bớt các chi phí khác để bù lại cho chính sách miễn giảm thuế sắp chấm dứt.

 Doanh nghiệp nội địa thì muốn được miễn giảm thuế theo từng năm như cách đã áp dụng cho FDI lâu nay.

 Còn với cơ quan quản lý, mục đích là phải thu đúng, thu đủ số thuế, và sử dụng ngân sách linh hoạt để hỗ trợ lại cho nền kinh tế phát triển.

 Không có sự xung đột về mục đích, nhu cầu hoạt động, chỉ có sự điều chỉnh, đổi mới để hợp tác cùng có lợi. Tin rằng khả năng thích ứng của doanh nghiệp sau nhiều lần được thử thách trước các biến cố, sẽ tiếp tục được phát huy tốt, góp phần hình thành xu thế phát triển mới của chuỗi cung ứng toàn cầu.

>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình 60 giây, Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: