LongFORM: Cuộc tranh luận trực tiếp giữa ông Trump và bà Harris

VIỆT TOÀN - NGỌC THẠCH - TRỌNG AN - UYÊN THƯ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 17/9/2024, 14:19

(HTV) - Hôm 10/9, hơn 67 triệu người dân Mỹ đã theo dõi cuộc tranh luận trực tiếp giữa Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa. Sự kiện là cột mốc quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Cuộc tranh luận hôm 10/9 là cuộc chạm trán trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên Tổng thống kể từ khi Phó Tổng thống Harris thay thế Tổng thống Biden ra tranh cử hồi tháng 7. Cuộc tranh luận đã thu hút được sự theo dõi của 67,1 triệu người, 31% nhiều hơn số người xem cuộc tranh luận giữa Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump hồi tháng 6.

Theo hầu hết các cuộc khảo sát, bà Harris được cho là đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận với ông Trump. Theo hãng tin tức CNN, 63% cho rằng bà Harris đã làm tốt hơn trong khi số người ủng hộ ông Trump chỉ là 37%.

Chủ tịch Công ty nghiên cứu Ipsos về bầu cử và xu hướng xã hội Clifford Young đánh giá về 2 ứng viên Tổng thống. Nguồn ảnh: Reuters

"Rõ ràng là mọi người đều đang mong đợi sau cuộc tranh luận để xem các cuộc thăm dò sẽ đi đến đâu. Chúng ta thấy ở cấp độ quốc gia, bà Harris đang dẫn trước ông Trump. Nhưng về những vấn đề cơ bản quan trọng như nền kinh tế và lạm phát, ông Trump cuối cùng vẫn dẫn trước", Chủ tịch Công ty nghiên cứu Ipsos về bầu cử và xu hướng xã hội Clifford Young cho hay.

Chuyên gia này đánh giá, bà Harris ấy thể hiện tốt dựa trên nhiều cuộc thăm dò hiện có. Nhưng cuối cùng, ông Trump vẫn đang nắm giữ những nguyên tắc cơ bản quan trọng.

"Tôi không phải là ông Joe Biden và tôi chắc chắn không phải là ông Donald Trump. Và những gì tôi cung cấp là một thế hệ lãnh đạo mới cho đất nước chúng ta", Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên bố.
Theo Chủ tịch Công ty nghiên cứu Ipsos về bầu cử và xu hướng xã hội Clifford Young, mục tiêu số một của bà Harris khi tham gia tranh luận là thể hiện năng lực của bà ở vai trò tổng thống, một chính khách, và bà đã làm được điều đó. Ông cho rằng Phó Tổng thống Mỹ muốn thuyết phục những người chưa đưa ra quyết định. Họ là một nhóm nhỏ cử tri chiếm từ 5 - 7%. Bà ấy muốn họ có thời gian để cân nhắc lựa chọn.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại buổi tranh luận trực tiếp hôm 10/9. Nguồn ảnh: Reuters
"Chúng ta có hàng triệu người đổ vào đất nước từ các nhà tù và trại giam, từ các viện tâm thần và trại thương điên. Họ đang đến và họ đang đảm nhiệm những công việc đang do người Mỹ gốc Phi và người gốc Tây Ban Nha đảm nhiệm", Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu.
Chuyên gia Clifford Young nhận định, đây không phải là một cuộc tranh luận tốt đối với ông Trump. Ông ấy đã không đạt được những bước tiến trong các chủ đề mà ông vẫn luôn dẫn đầu, đó là về lạm phát và nhập cư.
"Tôi nghĩ rằng tối nay bạn đã nghe thấy hai tầm nhìn rất khác nhau cho đất nước chúng ta. Một tầm nhìn tập trung vào tương lai và một tầm nhìn tập trung vào quá khứ và cố gắng đưa chúng ta trở lại quá khứ. Nhưng chúng ta sẽ không quay lại”, Phó Tổng Thống Mỹ Kamala Harris phát biểu.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại buổi tranh luận trực tiếp hôm 10/9. Nguồn ảnh: Reuters
Bà Kamala Harris lên án đối thủ Trump về việc ông đã đích thân lựa chọn ba thành viên của Tòa án Tối cao Mỹ với mục đích là họ sẽ hủy bỏ các biện pháp bảo vệ cho quyền phá thai. Theo bà dẫn chứng, hơn 20 tiểu bang có lệnh cấm phá thai của ông Trump.

Khép lại buổi tranh luận trực tiếp, 2 ứng cử viên Tổng thống đã tiếp tục tham dự các sự kiện vận động tranh cử riêng biệt ở các thành phố. Họ tiếp tục kêu gọi sử ủng hộ của cứ tri cũng như đưa ra đánh giá của mình về đối thủ. 

Tại North Carolina, ứng cử viên đảng Dân chủ Harris sử dụng các cuộc mít-tinh ở Charlotte và Greensboro để kêu gọi sự ủng hộ của những người theo đảng Cộng hòa đã chuyển hướng sang ủng hộ bà.

Lịch trình của bà Harris lựa chọn đầu tiên sau buổi tranh luận trực tiếp là tại North Carolina - bang mà ông Trump đã giành chiến thắng 2 lần.

Chiến dịch tranh cử của bà Harris đã sử dụng những video khoảnh khắc quan trọng của cuộc tranh luận để thu hút cử tri. Dù vậy, bà vẫn tỏ ra thận trọng khi tự gọi mình là kẻ yếu thế và nêu rõ những rủi ro.

Bà đổ lỗi cho ông Trump về quyết định của Tòa án Tối cao chấm dứt quyền phá thai của phụ nữ theo luật liên bang, mở đường cho các tiểu bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo, vốn lâu nay hạn chế nghiêm ngặt hoặc cấm thủ thuật này.

Cách tiếp cận của bà Harris ở Charlotte và Greensboro được đánh giá đang theo con đường kích thích và tổ chức cơ sở Dân chủ đa dạng, đặc biệt là thế hệ trẻ, cử tri da màu và phụ nữ, đồng thời thuyết phục những người Cộng hòa ôn hòa không thích ông Trump rằng họ nên thoải mái với bà dù có một số bất đồng về chính sách.

Giới quan sát đánh giá bà Kamala Harris đang theo đuổi cách thức mà ông Joe Biden từng dùng để chiến thắng ông Donald Trump. Ảnh Reuters 

Đây từng là công thức mà ông Biden đã sử dụng để đánh bại ông Trump 4 năm trước, lật ngược các tiểu bang theo truyền thống thiên về phe Cộng hoà như Arizona, Georgia và thu hẹp khoảng cách ở North Carolina.

Trong khi đó, Cựu Tổng thống Donald Trump sớm có mặt ở bang Arizona để củng cố sự ủng hộ của mình tại một tiểu bang quan trọng. Ông Trump ví Phó Tổng thống Kamala Harris như "một võ sĩ quyền anh đã thua cuộc”. Ông nói rằng "vì chúng tôi đã có hai cuộc tranh luận và vì chúng thành công, nên sẽ không có cuộc tranh luận thứ 3".

Ông khẳng định với tư cách là tổng thống, ông sẽ tìm cách chấm dứt thuế đối với tiền lương làm thêm giờ. Đây là đề xuất mới nhất của ông đối với các cử tri thuộc tầng lớp lao động mà ông đang trông cậy để đưa ông trở lại Nhà Trắng. Ông Trump cũng đã cam kết chấm dứt thuế đối với tiền boa và tiền lương an sinh xã hội.

Giờ đây, khi cuộc đua Tổng thống bước vào chặng cuối, các bang chiến trường, tức là những bang không nghiêng hẳn về đảng Dân chủ hay Cộng hòa, trở thành tâm điểm. 

Có 7 bang chiến trường, gồm Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin.

Theo ông Doug Sosnik - Cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton: "2 bang quan trọng trong cuộc bầu cử năm nay là Pennsylvania và Georgia. Nếu ông Trump có thể chiến thắng ở Pennsylvania hoặc bà Harris chiến thắng ở Georgia, tôi nghĩ họ sẽ nhận đủ ủng hộ để chiến thắng cuộc bầu cử. Ông Trump vẫn có thể thắng cử mà không cần Georgia, bà Harris cũng có thể thắng mà không cần Pennsylvania, nhưng con đường đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều."

Lý do rõ ràng nhất khiến Pennsylvania và Georgia giữ vai trò quan trọng, là 2 bang này có số phiếu đại cử tri lớn, lần lượt là 19 và 16, ông Doug Sosnik nhận định.

Pennsylvania và Georgia sẽ giữ vai trò quan trọng khi 2 bang này có số phiếu đại cử tri lớn. Nguồn ảnh Reuters

Ông Trump có thể trở lại Nhà Trắng bằng cách chiến thắng ở 3 bang Georgia, Pennsylvania và North Carolina. Theo kịch bản đó, ngay cả khi thua ở 4 bang chiến trường còn lại, cựu tổng thống vẫn có thể tái đắc cử.

Đối với bà Harris, đảng Dân chủ vốn có sự ủng hộ truyền thống của 2 bang đông dân California và New York, nên việc giành được phiếu đại cử tri của Georgia và Pennsylvania sẽ giúp bà dễ dàng tiến sát ngưỡng 270 phiếu đại cử tri. Bà chỉ cần giành thêm chiến thắng ở một trong 4 bang chiến trường còn lại.

Cả ông Trump và bà Harris hiện đều đang tích cực vận động tại các bang quan trọng nói trên. 

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào đầu tháng 11/2024. Vẫn còn thời gian để 2 ứng viên - ông Trump và bà Harris củng cố sự ủng hộ từ cử tri trung thành và thu hút thêm cử tri độc lập để giành lợi thế cho mình. 

 

Ý kiến của bạn: