Góc nhìn HTV: Thương mại điện tử xuyên biên giới - Cuộc chiến khốc liệt ngay trên "sân nhà"

DIỄM TRẦN - TRÚC QUỲNH - GIA BẢO // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 28/10/2024, 21:00

(HTV) - Sự gia nhập của Temu - sàn thương mại điện tử (TMĐT) Trung Quốc dự báo sẽ mang theo làn sóng hàng giá rẻ “đổ bộ” Việt Nam, tạo ra áp lực cho doanh nghiệp trong nước.

Giá rẻ đến mức bất ngờ, đó là những gì được nhắc đến đầu tiên về hàng hoá trên Temu. Nhiều người mua hàng cho biết: trong cùng một loại hàng, giá trên ứng dụng này có thể thấp hơn từ 40-50%. Đây cũng là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Temu. 

Theo khảo sát năm 2023 của Cục TMĐT và Kinh tế số, có 28% người tiêu dùng Việt Nam mua hàng qua các website TMĐT nước ngoài, lý do 59% cho rằng giá rẻ hơn. Trong khi đó khảo sát từ Younet ECI và Buzzmetrics năm 2023 cho thấy: 9/10 người tiêu dùng Việt Nam bị tác động bởi giá cả khi mua sắm trực tuyến.

 Ông Nguyễn Phương Lâm - Giám đốc Phân tích Thị trường, công ty YouNet ECI

“Trước đây, nhiều người còn e dè khi mua hàng Trung Quốc, tuy nhiên hiện nay người dùng trẻ, đặc biệt là genZ đã quen thuộc vào các sản phẩm nội địa Trung Quốc. Thêm một tiềm năng khác là tính năng mua hàng theo nhóm, vốn đã giúp Temu thành công ở các quốc gia cùng với sự phát triển của affiliate marketing và social commerce tại Việt Nam, Ông Nguyễn Phương Lâm - Giám đốc Phân tích Thị trường, công ty YouNet ECI cho biết. 

Temu, nền tảng thương mại điện tử phổ biến thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Amazon, chính thức vào Việt Nam từ đầu tháng 10. Sự lớn mạnh của nền tảng này dựa trên mô hình kinh doanh có nhiều lợi thế. 

  • Một là tận dụng chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, nơi chi phí sản xuất, nhân công và vận chuyển thấp hơn so với nhiều khu vực khác. 
  • Hai là cắt giảm trung gian và bán trực tiếp từ nhà cung cấp. Temu hoạt động theo mô hình kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, bỏ qua nhà phân phối hoặc đại lý trung gian. 
  • Ba là trợ giá và chính sách khuyến mãi mạnh. Để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, Temu trợ giá sản phẩm, tung ra nhiều chương trình khuyến mãi và miễn phí vận chuyển. 
  • Bốn là sử dụng đường vận chuyển giá rẻ kết hợp tối ưu kho hàng. Temu kết hợp nhiều phương thức vận chuyển, từ đường biển đến hàng không và xây dựng kho hàng tại các đầu mối chiến lược như Hồng Kông, Quảng Châu,... giảm thời gian, chi phí vận chuyển. Ngoài ra, Temu thuê ngoài nhiều công đoạn trong chuỗi logistics nhằm tăng tính linh hoạt, hiệu quả. 
  • Năm là đầu tư lớn ban đầu để đạt được tăng trưởng, tương tự cách nhiều startup thương mại điện tử khác từng làm.

Chỉ riêng những đơn hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng, hàng ngày có trung bình 4 - 5 triệu đơn hàng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử, được chia nhỏ thành các đơn 100.000 - 300.000 đồng. Với số lượng này, hàng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, tương đương một tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. 

Con số khổng lồ này được công bố vào năm 2023, tức thời điểm chưa có sự thâm nhập sâu của Temu vào Việt Nam. Do đó, không khó hiểu khi có nhiều lo ngại về áp lực rất lớn đối với thị trường trong nước.

Theo ông Trần Quốc Kỳ - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Gigan, sự tham gia của thành viên mới trên thị trường TMĐT giúp người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội tiếp cận với nguồn hàng đa dạng, giá thành tối ưu và dịch vụ vận chuyển chi phí thấp và nhanh chóng. 

Song, những ưu thế này đồng thời đang tạo ra áp lực cho doanh nghiệp Sản Xuất, Nhà phân phối trong nước. 

"Doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về giá thành, tính đa dạng của sản phẩm và năng lực dịch vụ khách hàng nhất là năng lực vận chuyển. Đối với xã hội có thể gây ra sự hỗn loạn về hàng hóa đang phân phối trên thị trường. Đối với hàng nhập không chính ngạch thì việc kiểm soát gặp nhiều thách thức kiểm soát xuất xứ hàng hóa và chất lượng hàng hóa càng thách thức hơn", Trần Quốc Kỳ, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Gigan, nhận định.

Ông Trần Quốc Kỳ, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Gigan

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng nếu đưa hàng độc tố, kém chất lượng vào Việt Nam, Temu sẽ không thể tồn tại, song thực tế là chính Temu không kiểm soát được chất lượng hàng kém chất lượng, hàng độc tố. Họ không kiểm soát được, đó là điều mà chúng ta cũng chưa có yêu cầu họ phải cam kết. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp của chúng ta, từ khai nhãn, nhãn phụ, các loại thuế, phí, nghĩa vụ môi trường, PCCC… nặng hai gánh trên vai doanh nghiệp Việt Nam lắm", Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao khẳng định."

Không chỉ là thách thức đối với doanh nghiệp, ông Phạm Sơn Tùng - Phó trưởng Ban hợp tác, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cho rằng, Temu gia nhập của Temu sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt với các sàn TMĐT đang hoạt động tại Việt Nam 

“Với các sàn TMĐT hiện hữu cần coi đây là động lực phát triển và phải thay đổi về công nghệ, hệ thống logistics vì nhiều khi hàng từ Trung Quốc về còn nhanh hơn cả hàng trong nước”, ông Phạm Sơn Tùng đánh giá. 

Theo số liệu mới nhất từ YouNet ECI, người tiêu dùng Việt Nam đã chi hơn 87 ngàn tỷ đồng để mua sắm trên 4 sàn thương mại điện tử chính là Shopee, Tiktokshop, Lazada, Tiki trong quý II. Trong đó, Shopee hầu như thống lĩnh thị trường với 71,4%, tiếp theo là TikTok Shop với 22%, Lazada với 5,9%, Tiki chưa đầy 1% còn lại. 

Khác với cách thức hoạt động của nhiều sàn sàn thương mại điện tử hiện tại ở Việt Nam, Temu hiện không cung cấp bất kỳ cơ hội nào cho người bán và doanh nghiệp địa phương tham gia kinh doanh trên nền tảng này. Đây cũng là mối lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới. 

Mối lo lớn nhất của các quốc gia Đông Nam Á là hàng hóa giá rẻ nhưng dưới chuẩn từ Trung Quốc có thể làm tổn hại đến ngành sản xuất nội địa. Sự cạnh tranh không cân bằng với hàng hóa Trung Quốc có thể gây khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước, buộc nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoặc thậm chí đóng cửa.

Một số quốc gia đã áp dụng thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc để bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Philippines - thị trường Đông Nam Á đầu tiên của Temu tháng 6-2023 - vừa áp thuế VAT 12% với hàng mua trên Temu. Thái Lan áp thuế VAT 7% lên hàng Temu trước khi nền tảng này chính thức hoạt động tại Thái Lan hồi tháng 7. Đầu năm nay, Malaysia áp thuế 10%... trong khi Indonesia dứt khoát yêu cầu Apple và Google gỡ Temu trên cửa hàng ứng dụng đồng thời ngăn chặn việc Temu đầu tư vào các công ty thương mại điện tử địa phương.

Với thực tế hàng Trung Quốc gắn liền với nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, các chuyên gia cho rằng, thay vì từ chối hoàn toàn hàng nhập từ Trung Quốc, cần tập trung vào việc quản lý nhập khẩu hàng hóa và đảm bảo chỉ những sản phẩm chất lượng cao được phép vào thị trường.

Ngày 24/10, Temu chỉ mới có văn bản chính thức gửi Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường. Tuy nhiên, hàng hoá từ Temu đã được luân chuyển về Việt Nam. 

Với những áp lực đối với thị trường trong nước, các chuyên gia cho rằng: cần kịp thời rà soát, có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới, đồng thời có chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. 

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết thêm: “Quan trọng hơn hết là nền tảng pháp lý, mỗi sàn làm sao để cạnh tranh công bằng. Ví dụ, nếu anh vào biên giới của chúng tôi, dù bằng online thì anh cũng phải đăng ký. Một hệ thống bình thường, nếu anh quảng cáo khuyến mãi quá 50% giá trị của món hàng đó thì anh sẽ bị trừng phạt, chế tài. Thế nhưng hiện tại, anh quảng cáo thản nhiên giảm giá 90% mà không bị chế tài. Cạnh tranh thì phải công bằng chứ?

Ông Trần Quốc Kỳ - Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Gigan: “Đối với một số sàn có yếu tố nhà đầu tư nước ngoài như Shopee, Tiki, Lazada, tuy nhiên họ có trụ sở tại Việt Nam nên chúng ta ủng hộ, khuyến khích họ. Còn đối với các sàn như Temu, Taobao, 1688 thì lại không có. Họ ở nước ngoài mà bán tại Việt Nam. Để kiểm soát một cách tức thời, nhà nước có thể cân nhắc áp dụng một số phương pháp kiểm soát thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng quốc gia bằng cách áp dụng mức thuế phí cao hơn khi người dùng thanh toán cho những nền tảng được chỉ định như 1688, để hạn chế phần nào việc dòng tiền trong nước chảy ra nước ngoài và hạn chế sự bành trướng nhanh chóng của 1688 hay tương tự.”

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM phát biểu: “Thời gian vừa qua, chính sách thuế của Việt Nam cho phép miễn thuế đối với hàng chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng. Đây là một biện pháp thực hiện theo công ước Kyoto về công bằng hải quan và hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, hiện tại, thị trường đã thay đổi rất nhiều. Nếu so sánh với Việt Nam, các hộ kinh doanh cá thể chỉ được miễn thuế nếu doanh thu dưới 100 triệu đồng một năm, tức là khoảng 300.000 đồng một ngày. Điều này rõ ràng tạo ra sự thiếu công bằng đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Do đó, chúng ta cần cân nhắc việc giảm mức miễn thuế này xuống còn 100.000 - 200.000 đồng.”

Trước đó, trong thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu thu thuế đối với hàng hóa được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng nhằm hạn chế thất thu ngân sách nhà nước và hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước.

Quy trình sản xuất của Temu

Sở Công Thương TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất một số giải pháp quản lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Sở Công Thương dẫn chứng xuất hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử; điển hình là quảng cáo, khuyến mại vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ, diễn ra phổ biến trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới và mạng xã hội trong thời gian gần đây, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Dự báo doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam, tức là giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, tiếp tục tăng mạnh trong năm nay, có thể đạt 650.000 tỷ đồng.

Chính vì thế, không chỉ Temu mà thị trường này hứa hẹn sẽ tiếp tục xuất hiện thêm nhiều tân binh mới, mang theo làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc vào Việt Nam. Điều này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị đầy đủ, gia tăng nội lực để đủ sức cạnh tranh. Nếu không, dù có nền tảng pháp lý chặt chẽ để bảo vệ và chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp cũng có thể tự thua trên "sân nhà".

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: