LongFORM: Bầu cử Mỹ 2024 khó đoán định

CHÍ HIẾU - TRỌNG AN - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 5/11/2024, 16:00

(HTV) - Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 sẽ chính thức diễn ra vào ngày 5/11 tới đây. Hiện cả 2 ứng viên Donald Trump và Kamala Harris đang bám đuổi sát sao về tỷ lệ ủng hộ, khiến cuộc đua trở nên gay cấn và khó đoán định hơn.

Tính đến ngày 4/11, đã có 75 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm trực tiếp hoặc bỏ phiếu qua đường bưu điện.

Năm nay sẽ có 7 bang chiến trường bao gồm: Pennsylvania, Georgia, North Carolina, Michigan, Arizona, Wisconsin và Nevada. Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, các ứng cử viên đều tập trung vào các bang chiến trường và nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ là cuộc đua sát sao chưa từng thấy. Tại các bang chiến trường, mọi kịch bản đều có thể xảy ra.

Ngay trong từng nhóm cử tri cũng có nhiều động thái thay đổi khó đoán định. Ví dụ, nhóm cử tri da màu vốn được cho là lợi thế của bà Harris, nhưng nhiều cử tri nam da màu tại bang Georgia lại đang nghiêng về phía ông Trump.

Ngược lại, lợi thế của ông Trump liên quan nhóm cử tri da trắng đã bị xóa mờ khi số cử tri nữ da trắng ủng hộ Phó Tổng thống Harris tăng lên. 

Điều cử tri Mỹ quan tâm nhất là vấn đề về kinh tế. Tại bang Pennsylvania, nhiều nông dân đang kỳ vọng vào một chiến thắng của cựu Tổng thống Trump, hy vọng ông sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ nông nghiệp và giảm thuế.

Tuy nhiên, cũng có những người tin rằng bà Harris có thể mang lại sự thay đổi tích cực cho tầng lớp trung lưu và cộng đồng nông thôn bởi quan điểm về các biện pháp thuế quan cứng rắn của ông Trump trước đây cũng gây lo ngại về những hệ quả không mong muốn.

Giữa bầu không khí căng thẳng, nhiều cử tri cho rằng cuộc bầu cử năm nay khiến họ có cảm giác rất khác so với những lần trước đây.

Theo một cuộc thăm dò do Wall Street Journal công bố hồi tuần trước, 87% cử tri nói rằng nước Mỹ sẽ phải chịu tổn hại vĩnh viễn nếu ứng viên của họ thua cuộc. Trong số những người ủng hộ bà Harris, 57% cảm thấy "sợ hãi" nếu ông Trump được bầu, trong khi 47% cử tri của ông Trump có cảm nhận tương tự về ứng viên của đảng Dân chủ. 53% cử tri khác lại cho rằng tình trạng chia rẽ trong xã hội vẫn sẽ tiếp tục gia tăng bất kể kết quả bầu cử ra sao.

Cuộc đối đầu căng thẳng giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump không chỉ là cuộc đua giữa 2 ứng cử viên với nhiều điểm khác biệt, mà còn là cuộc cạnh tranh lựa chọn đường hướng cho tương lai của nước Mỹ.

Ngay từ khi bắt đầu vận động tranh cử, cả 2 ứng cử viên đều nỗ lực tận dụng cơ hội để nhấn mạnh các cam kết về kinh tế, vốn là chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri Mỹ. 

Khi vận động tranh cử, bà Harris cho biết, nếu đắc cử, chính quyền của bà sẽ đẩy mạnh chính sách an sinh đối với người già, trẻ em và giảm thuế cho tầng lớp trung lưu.

Trong khi đó tại buổi mít-tinh ngày 01/11 ở bang Michigan, ông Donald Trump cho biết nếu trúng cử, ông sẽ áp thuế 100% đối với Stellantis - hãng sản xuất xe hơi đang cố chuyển hướng đầu tư từ Mỹ sang Mexico. 

Ông cũng tiếp tục chỉ trích chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden trong 4 năm cầm quyền vừa qua và khẳng định mình đang đem lại hy vọng về tương lai cho tất cả người dân Mỹ. 

Bên cạnh kinh tế, nhập cư cũng là vấn đề quan trọng của nước Mỹ. Trong quá trình vận động cử tri, bà Harris tuyên bố sẽ cứng rắn hơn trong vấn đề di cư ở biên giới phía Nam giáp Mexico. Bà khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy luật biên giới toàn diện nhằm siết chặt tình trạng di cư vào Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ nghiêm trị những đối tượng vượt biên trái phép.

Trong khi đó, ông Trump luôn coi siết chặt quản lý nhập cư là trọng tâm trong chương trình nghị sự. Thậm chí, ứng cử viên của đảng Cộng hòa còn tuyên bố nếu đắc cử, sẽ trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép.

Ngoài những vấn đề trong nước, 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ cũng giành nhiều nỗ lực lấy lòng cử tri với các cam kết về chính sách đối ngoại của nước Mỹ. 

Không chỉ đề cao kinh nghiệm quốc tế, hình ảnh Phó Tổng thống Kamala Harris như một nhà ngoại giao không biết mệt mỏi và hiệu quả, chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ còn khẳng định bà Harris sẵn sàng đương đầu để bảo vệ các lợi ích của Mỹ, thúc đẩy hòa bình tại các điểm nóng, trong đó có cuộc khủng hoảng tại Dải Gaza. 

Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump cũng gây được chú ý với tuyên bố có giải pháp để chấm dứt các cuộc khủng hoảng tại Ucraina và khu vực Trung Ðông.

Bầu cử Mỹ 2024 là cuộc đua sít sao chưa từng thấy. Nguồn ảnh: AFP


Không chỉ cử tri Mỹ quan tâm đến cuộc bầu cử Tổng thống, sự kiện này cũng được nhiều nước theo dõi, bởi kết quả của nó có thể sẽ tác động đến nhiều khía cạnh trong quan hệ quốc tế, đặc biệt với các điểm nóng xung đột trên thế giới.

Ucraina đã từng kì vọng rất nhiều vào viện trợ vũ khí đến từ các nước phương Tây. Nhưng việc Mỹ và Đức liên tục từ chối dỡ bỏ hạn chế về tên lửa tầm xa khiến Kiev ngày càng gặp khó khăn.

Tương tự Ucraina, người dân Trung Đông cũng không cho rằng chính quyền mới của Mỹ có thể tác động tốt hơn đến tình hình.

Theo các nhà phân tích, không chỉ Nga, Trung Quốc, mà các đồng minh của Washington cũng quan tâm đến kết quả bầu cử ở Mỹ.

Trong nhiệm kì trước đây, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích các thành viên NATO vì không đạt đủ chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng, thậm chí còn đe dọa về việc rút Mỹ khỏi NATO. Trước kịch bản ông Trump trở lại Nhà Trắng, nhiều đồng minh của Mỹ lo ngại rằng họ không thể trông cậy vào Washington.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã từng ám chỉ rằng sẽ tìm kiếm vũ khí hạt nhân để đối trọng với Triều Tiên và chỉ từ bỏ ý tưởng này khi Mỹ cam kết tăng cường sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân trong khu vực.

Lần gần nhất, vào đầu tháng 10 vừa qua, Tổng thống Ucraina Volodymyr Zelensky cũng cho rằng, nếu nước này không thể gia nhập một liên minh chính thức với phương Tây thì chỉ có vũ khí hạt nhân mới đảm bảo được an toàn cho Kiev. Dù vậy, sau đó ông đã phải rút lại những bình luận này trước phản ứng dữ dội từ cả Nga và chính các đồng minh phương Tây.

Kịch bản ông Donald Trump một lần nữa đắc cử sẽ khiến nhiều đồng minh của Mỹ lo ngại. Nguồn ảnh: Getty

Bên cạnh các vấn đề về chính trị và quân sự, ông Trump còn có thể đưa ra những chính sách khó lường về các vấn đề dân sự. Ở nhiệm kì trước, ông đã từng rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay thỏa thuận khí hậu Paris.

Càng đến ngày quyết định, sức nóng của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng càng tỏa nhiệt. Theo các nhà phân tích chính trị, bất kể ai được bầu vào Nhà Trắng sắp tới, thì Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, cả trong nội bộ lẫn ngoài nước Mỹ.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: