LongForm: Làm thế nào Trung Quốc thắng Mỹ trong cuộc đua sản xuất xe điện

MAI LAN - HUY PHONG - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 2/8/2024, 10:00

(HTV) - Mặc dù khởi đầu sau Mỹ, Trung Quốc đã nhanh chóng vượt mặt, giành được vị trí dẫn đầu thế giới trong ngành sản xuất xe điện. Sự phát triển bùng nổ của ngành xe điện Trung Quốc khiến cả những chuyên gia kỳ cựu cũng phải ngạc nhiên.

Chỉ trong 2 năm (2021 - 2022), số lượng xe ô-tô điện bán ra mỗi năm ở Trung Quốc nhảy vọt từ 1,3 triệu chiếc lên đến 6,8 triệu chiếc. Năm 2022 là năm thứ 8 liên tiếp Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Trong khi đó, thị trường Mỹ chỉ bán được khoảng 800.000 xe điện trong năm 2022. 

Yangwang U9 - kiểu xe của BYD cạnh tranh với những tên tuổi lớn như Ferrari và Lamborghini

Một báo cáo năm 2023 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính rằng hơn một nửa số xe điện của thế giới đang lăn bánh trên những ngả đường ở Trung Quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn tham gia thị trường, các hãng xe Trung Quốc đã có thể tung ra những kiểu xe chất lượng cao, với giá cả rất cạnh tranh và bắt đầu chinh phục thị trường toàn cầu.

Đây là kết quả của nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố mang tính nền tảng là những chiến lược táo bạo của chính phủ Trung Quốc nhằm kích thích sản xuất lẫn tiêu dùng xe điện; đi cùng với sự chiếm lĩnh về nguyên liệu và công nghệ.

Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy chế tạo xe điện vào năm 2001 trong bối cảnh Trung Quốc đang trên đường trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu nhiều nhất thế giới. Kế hoạch 5 năm đặt nghiên cứu và sản xuất xe điện là trọng tâm để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu và giải quyết ô nhiễm không khí.

Về mặt lịch sử, trải qua hàng trăm năm nâng cấp và hoàn thiện công nghệ động cơ đốt trong, Châu  u, Mỹ và Nhật Bản, và cả Hàn Quốc đã có vị thế vững chắc trong ngành ô-tô nhờ làm chủ công nghệ cốt lõi này. Ngành ô-tô Trung Quốc bị bỏ lại phía sau khá xa trong mảng ô-tô sử dụng động cơ đốt trong. 

Nhưng năm 2002, các hãng xe Trung Quốc ước tính rằng pin có giá trị khoảng 40% trong tổng giá trị của một chiếc xe điện hoàn chỉnh. Họ xem đây là một cánh cửa cơ hội để cho những công ty sinh sau đẻ muộn như họ có thể nhảy vọt qua khỏi các đối thủ cạnh tranh. 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc vào thời điểm đó là ông Wan Gang rất tin vào điều này. Ông cho rằng các công ty Trung Quốc sẽ không bao giờ có thể cạnh tranh được với phương Tây về công nghệ động cơ đốt trong. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành gói chính sách để dồn lực phát triển các phương tiện vận tải mà họ gọi là "xe năng lượng mới", bao gồm các loại xe không chạy bằng xăng, như xe điện, xe lai (chạy bằng điện và xăng), xe chạy bằng pin nhiên liệu. 

Công ty sản xuất hàng điện tử tiêu dùng Xiaomi đã ra mắt chiếc xe điện đầu tiên của họ, mang tên SU7

Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020, 152 tỷ nhân dân tệ (tương được 21,5 tỷ đôla Mỹ) đã được chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho việc sản xuất các loại xe năng lượng mới. Sự trợ giúp được thực hiện dưới nhiều hình thức.

Zeyi Yang, phóng viên tạp chính MIT Technology Review, cho biết: "Các công ty sản xuất loại ô tô “năng lượng mới” có thể nhận được trợ cấp, bất cứ khi nào họ bán được ô tô. Ngoài ra, họ cũng được chính phủ cho thuê đất giá rẻ, được vay với lãi suất thấp từ các ngân hàng quốc doanh, và còn được giảm thuế."

Theo Rhodium Group, hãng xe BYD của Trung Quốc, đã nhận được khoảng 4,3 tỷ đôla Mỹ trợ cấp của chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2020. 

Và bắt đầu từ khoảng năm 2009, chính quyền các địa phương cũng ngay lập tức tạo cho các công ty Trung Quốc một thị trường, bằng cách ký hợp đồng với họ để chuyển đội toàn bộ các xe buýt và xe taxi của địa phương thành xe điện. Số lượng xe được chuyển đổi lên đến hàng trăm ngàn chiếc. Đội xe 16.000 xe buýt của thành phố Thâm Quyến đã được BYD chuyển thành xe buýt điện, trước khi công ty này trở thành công ty xe điện lớn nhất thế giới.

Thời gian đầu, chất lượng pin xe điện Trung Quốc rất tệ. Chính phủ Trung Quốc vào cuộc, và đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, buộc các công ty phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, nếu muốn được chính phủ trợ cấp. 

Xe taxi điện đang sạc tại một trạm sạc công cộng ở Thâm Quyến, Quảng Đông. Nguông ảnh: Billy H.C. Kwok for Bloomberg Businessweek

Khi chính phủ Trung Quốc cung cấp các hình thức trợ cấp tài chính, họ không phân biệt công ty nội địa hay công ty nước ngoài. 

“Theo quan điểm của tôi, đó là một nước cờ rất thông minh”, Alicia García-Herrero, nhà kinh tế trưởng tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương của công ty quản lý đầu tư Natixis, nhận định. “Thay vì khiến các công ty nước ngoài tức giận vì không trợ cấp cho họ, mà lại trợ cấp cho tất cả đối thủ của họ, Trung Quốc muốn tạo ra một hệ sinh thái xe năng lượng mới, nên họ thực hiện chính sách trợ cấp cho tất cả các công ty tham gia thị trường, bởi vì khi đó, các công ty này sẽ mắc kẹt trong hệ sinh thái đó. Họ đã là một phần của hệ sinh thái đó, và họ không thể rời đi được nữa.

Ngoài các ưu đãi về tài chính, các chính quyền địa phương của Trung Quốc tích cực lôi kéo công ty Tesla của Mỹ xây dựng nhà máy sản xuất ở nước này. Nhà máy “siêu to, khổng lồ” Gigafactory của Tesla ở Thượng Hải được xây dựng thần tốc trong năm 2019, là nhờ vào các chính sách ưu đãi của địa phương. “Đi từ một cánh đồng trống cho đến xây dựng xong nhà máy và bắt tay ngay vào sản xuất trong thời gian khoảng 1 năm, là điều chưa từng có tiền lệ. Điều đó cho thấy chính phủ trung ương, và nhất là chính quyền Thượng Hải đã tháo dỡ mọi rào cản để Tesla lập nhà máy đó. 

Và khi thị trường xe điện phát triển ở Trung Quốc, chính phủ nước này đặt ra quy định: các hãng xe nước ngoài, nếu muốn nhận được ưu đãi, phải đáp ứng một số yêu cầu kỹ thuật, nhất là phải sử dụng pin do Trung Quốc sản xuất. 

Nhà máy Gigafactory của Tesla ở Thượng Hải được xây dựng xong và đi vào sản xuất trong thời gian kỷ lục: chỉ hơn 1 năm. Điều đó cho thấy nỗ lực của Trung Quốc trong việc thu hút Tesla đến nước này. 

Ngày nay, Trung Quốc là một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của Tesla. Nhà máy Gigafactory Thượng Hải hiện là trung tâm sản xuất có năng suất cao nhất của Tesla, và chiếm khoảng hơn một nửa số xe mà hãng xe Mỹ này đã giao hàng trong năm 2022.

Hai bên đều có lợi: Trung Quốc cũng hưởng lợi rất nhiều từ Tesla. Hãng xe Mỹ này được cho là đã thúc đẩy các hãng xe Trung Quốc đổi mới, sáng tạo để bắt kịp Tesla về mọi mặt, từ phát triển công nghệ cho đến hạ giá thành. Và hiện nay, hãng xe tiên phong này đang phải tìm cách để tiếp tục giữ vững khả năng cạnh tranh của mình ở thị trường Trung Quốc, vì gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thương hiệu Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng trợ cấp rất hào phóng cho người tiêu dùng, để thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng, qua đó kích thích họ chuyển sang xe điện.

Nhiều thành phố ở Trung Quốc phải vật lộn với vấn đề tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí. Để giảm số xe ô-tô lưu thông trên đường, từ 10 năm trước, chính quyền các thành phố này bắt đầu thực hiện việc bốc thăm may mắn để cấp biển số xe. Người chủ sở hữu xe thường phải mất nhiều năm chờ đợi và gặp may mới có được biển số, hoặc phải mua biển số xe từ thị trường chợ đen với giá khoảng 13.000 USD. Điều này khiến cho việc sở hữu một chiếc xe ô-tô là một điều xa xỉ đối với nhiều người dân Trung Quốc. 

Nhưng với xe điện thì khác. Chính quyền nhiều thành phố ở Trung Quốc đã cho những người mua xe điện có lợi thế rất lớn, so với những người mua xe chạy xăng. Họ được chính quyền cấp miễn phí biển số. Ở một số thành phố lớn, xe điện còn được tự do di chuyển, không bị hạn chế thời gian di chuyển một số ngày trong tuần, như đối với xe chạy bằng xăng dầu.     

Một cảnh sát trao biển số xe cho chủ sở hữu xe năng lượng mới tại văn phòng quản lý xe ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc.

Người mua xe điện còn được giảm thuế tiêu thụ, có thể lên đến hàng ngàn đôla. Xe điện thậm chí còn có biển số xe có màu xanh lá cây, rất khác biệt, dễ thấy. Những ưu đãi này thúc đẩy nhu cầu sử dụng xe điện, cũng như thúc đẩy sự phát triển của thị trường này. 

Đến năm 2024, một nửa số ô-tô mới bán ra ở Trung Quốc là xe điện. 

Loại pin thường dùng cho xe điện được gọi là pin lithium-ion. Pin này sử dụng các khoáng chất bao gồm nickel, cobalt, mangan, than chì, và muối lithium. Trong vài năm qua, các công ty Trung Quốc đã nắm cổ phần sở hữu tại các mỏ có những kim loại này trên khắp thế giới. Kết quả là các công ty Trung Quốc kiểm soát một tỷ lệ đáng kể nguồn cung cấp các kim loại cần thiết cho pin của thế giới. Trong đó, nơi mà Trung Quốc thực sự kiểm soát chuỗi cung ứng này là các bước sau khai thác khoáng sản. Dù cho người khai thác các kim loại đó có là ai đi nữa, Trung Quốc là bên nắm giữ vai trò tinh chế đại đa số các khoáng chất này. Quá trình tinh chế này khá ô nhiễm, nên hiếm khi diễn ra ở các nước phát triển. 

Indonesia đã trở thành nước sản xuất nickel nhiều nhất thế giới, cung cấp hơn 40% nickel cho nhu cầu của toàn cầu trong ngành sản xuất pin xe điện. Điều này có được là nhờ hợp tác với các công ty Trung Quốc. Các công ty này đã giúp nâng cấp năng lực tinh luyện nickel cho Indonesia. 

Khoảng 80% sản lượng nickel đạt chuẩn của Indonesia đến từ các công ty do người Trung Quốc sở hữu, hoạt động tại Indonesia.  

Trong khi đó, Mỹ đối mặt với thách thức lớn về nguồn cung nickel, vì họ phụ thuộc vào một mỏ duy nhất ở bang Michigan. Trong năm 2023, Mỹ khai thác được 17.000 tấn nickel, trong khi Indonesia sản xuất được 1,8 triệu tấn. 

Quá trình sản xuất pin xe điện của Trung Quốc đi lên từ quá trình sản xuất pin cho các thiết bị điện tử. Công ty BYD (Build Your Dream) của Trung Quốc là một ví dụ tiêu biểu. Khởi đầu là một công ty sản xuất pin cho các thiết bị điện tử của các hãng như Nokia và Motorola vào những năm 1990, BYD sau đó bắt đầu sản xuất xe điện, và hiện là hãng xe điện lớn nhất của Trung Quốc và cũng là lớn nhất thế giới hiện nay. 

Về mặt lịch sử, Mỹ chưa bao giờ là nước sản xuất pin lithium-ion. Trước đây, Nhật Bản và Hàn Quốc nắm vai trò này. Trung Quốc hiện đã thay thế cả hai nước này. Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng pin bao trùm đến mức sau khi chính quyền Biden ban hành quy định: để được hưởng các chính sách giảm thuế của chính phủ Mỹ, các xe bán tại thị trường Mỹ không được phép có hơn một nửa phụ kiện hoặc khoáng chất trong pin có nguồn gốc từ Trung Quốc, thì chỉ có khoảng 20% số kiểu xe đạt tiêu chuẩn này. 

Bên cạnh sự chiếm lĩnh về nguồn nguyên liệu, các công ty Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về sáng tạo pin. Trong hai năm qua, các công ty Trung Quốc đã tìm ra cách tránh sử dụng hai loại khoáng sản pin đắt tiền nhất, là nickel và cobalt. Họ đã làm được điều này bằng cách đổi mới một công nghệ pin, vốn trước đây bị đánh giá thấp, gọi là lithium sắt phốt-phát, gọi tắt là LFP.

Công ty Trung Quốc CATL, có trụ sở tại tỉnh Phúc Kiến, là công ty sản xuất pin cho xe điện lớn nhất thế giới hiện nay. Tháng Tư vừa qua, công ty CATL  đã tung ra pin công nghệ LFP đầu tiên trên thế giới có thể đi được quãng đường hơn 1000km sau một lần sạc đầy. Ngoài việc đạt được quãng đường lái rất ấn tượng, pin Shenxing PLUS còn có tốc độ sạc siêu nhanh. Chỉ sau 10 phút sạc, xe sử dụng pin này có thể đi 600km, tương đương đi được 1km cho mỗi giây sạc pin, vượt xa các loại pin thông dụng trên các loại xe điện vào thời điểm ra mắt.  

Theo CATL, xe dùng pin Shenxing Plus của họ có thể đi 600km sau 10 phút sạc. 

BYD cũng đã phát triển phiên bản pin LFP của riêng họ. Nó được gọi là pin lưỡi kiếm. Nó giống như một lưỡi kiếm rất mỏng và rất dài, có thể nhét được nhiều pin hơn vào cùng một không gian, giúp xe có thể đi được xa hơn. BYD cũng cung cấp pin LFP cho các hãng xe khác như Tesla, Toyota và Kia. 

Ngày nay, pin LFP chiếm thị phần ngày càng tăng trong tổng số pin xe điện và gần như tất cả chúng đều được sản xuất tại Trung Quốc. 

Dây chuyền lắp ráp trong nhà máy xe điện của Xiaomi tại Bắc Kinh, ngày 25/3/2024. Nguồn ảnh: Xinhua

Đối mặt với tình trạng sụt giảm tiêu thụ xe điện trong nước, tháng 6 năm 2023, Trung Quốc đã tung ra gói các biện pháp giảm thuế lên đến 520 tỷ nhân dân tệ, tức khoảng 72,3 tỷ đôla Mỹ, để kích cầu xe năng lượng mới, trong thời gian 4 năm. Đây là gói trợ cấp lớn nhất từ trước đến nay mà chính phủ Trung Quốc từng áp dụng cho ngành xe điện nước này. Người mua xe điện có thể được giảm thuế lên đến hơn 4 ngàn đôla Mỹ. 

Tại quê nhà Trung Quốc, hơn 100 thương hiệu xe điện đang tranh giành miếng bánh, khiến giá cả và lợi nhuận giảm. Công suất của Trung Quốc đang vượt quá nhu cầu trong nước và các nhà sản xuất đang tìm kiếm ở nước ngoài, nơi họ tin rằng tỷ suất lợi nhuận sẽ cao hơn và sự cạnh tranh ít khốc liệt hơn.

Trong tình trạng đó, các hãng xe Trung Quốc đã bắt đầu mở rộng ra thị trường toàn cầu, mà 2 đích đến lớn nhất là Mỹ và châu Âu. Mới đây, chính quyền Mỹ đã tăng thuế đối với ô tô điện Trung Quốc lên hơn 100%, tức là tăng gấp 4 lần so với trước đó, nhằm bảo vệ ngành ô tô Mỹ khỏi làn sóng xe Trung Quốc giá rẻ. 

Xe của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD đang chờ xuất cảng tại Cảng Yên Đài ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Nguồn ảnh: AFP Alliance

Đối mặt với các rào cản thuế quan và thương mại của Mỹ, các hãng xe điện Trung Quốc dường như đang đi đường vòng. BYD mới đây tuyên bố sẽ xây dựng một nhà máy ở Mexico, nước láng giềng của Mỹ và là thành viên của Hiệp ước thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA. Hiệp ước này, về cơ bản, xóa bỏ thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với xe điện nhập khẩu. 

Một trạm sạc xe điện sử dụng điện mặt trời ở tỉnh Sơn Đông, vào tháng 05/2023. Nguồn ảnh: ZHU ZHENG/XINHUA

Ngày 04/7/2024, hãng BYD đã khánh thành nhà máy sản xuất xe điện của họ tại Thái Lan. Đây cũng là nhà máy đầu tiên của BYD tại Đông Nam Á. Với sự chiếm lĩnh về công nghệ pin, có thiết kế đẹp và giá rất cạnh tranh, xe điện Trung Quốc có sức hấp dẫn rất lớn với người tiêu dùng toàn cầu. Các hãng xe điện của các nước khác có lý do để lo ngại về gã khổng lồ này.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: