(HTV) - Lương cơ sở đã chính thức được điều chỉnh tăng từ ngày 01/7/2024. Phấn khởi nhưng nhiều người vẫn có chút lo ngại.
Trong đó, mối lo lớn nhất được đưa ra trong những ngày qua chính là nguy cơ lạm phát với tiền lệ vốn được chỉ ra từ những lần điều chỉnh lương cơ sở trong quá khứ, đi kèm với đó là nguy cơ bội chi đối với các cơ sở hành chính sự nghiệp.
Từ rất sớm, các trường đã tiến hành các sự dự trù và chuẩn bị kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo việc trích lập quỹ lương để thực hiện tăng lương cơ sở theo quy định mới. Điều này không chỉ làm cho không khí làm việc trở nên tích cực hơn mà còn góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục mà không gây thêm áp lực cho phụ huynh và học sinh trong năm học mới.
Giải pháp tăng lương không gây áp lực lên phụ huynh và học sinh
Nhìn nhận về mối quan hệ giữa tăng lương cơ sở và lạm phát, các chuyên gia nhấn mạnh trong bối cảnh hiện tại, khi tiêu dùng nội địa được đánh giá là một trong những trụ cột giúp nền kinh tế hồi phục, cải cách tiền lương trong giai đoạn này là một đòn bẩy kích cầu mang tính thực tiễn cao.
Khi tăng mức lương cơ sở, việc quan trọng là đảm bảo nguồn cung hàng hóa để tránh tình trạng "té nước theo mưa" và nguy cơ lạm phát tâm lý
Theo các chuyên gia, khi tăng mức lương cơ sở, việc quan trọng là đảm bảo nguồn cung hàng hóa, tránh tình trạng "té nước theo mưa", "lạm phát tâm lý". Đồng thời, phải giữ cho được tỷ giá ổn định.
Tăng lương cơ sở cần giữ tỷ giá ổn định và kiềm chế lạm phát
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát vẫn được kiểm soát ổn định ở mức 4,08%, nghĩa là vẫn còn dư địa để đảm bảo thực hiện mục tiêu lạm phát từ 4 - 4,5% trong cả năm 2024. Khi bài toán lạm phát đã được nhìn nhận, lời giải còn lại thuộc về những nhà điều hành chính sách trong việc kiểm soát, đảm bảo các yếu tố bất lợi gây lạm phát phi mã không xảy ra.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9