(HTV) - Giá trị xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam hiện tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm. Đây là tiềm năng lớn để Lào và Campuchia tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Trong bối cảnh cả ba quốc gia đều có điểm tương đồng trong chiến lược phát triển kinh tế và nhấn mạnh chuyển đổi số là trụ cột tăng trưởng trong tương lai, việc chỉ ra được cơ hội, thách thức hiện hữu chính là cơ sở để nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và doanh nghiệp 3 nước tìm ra lời giải cho bài toán hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới.
Lấy ví dụ minh họa từ thành công trong xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới thời gian qua của tỉnh Bình Phước - địa phương có quan hệ giao thương chặt chẽ với 4 tỉnh biên giới Campuchia, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Môi trường và Phát triển, Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ nhấn mạnh, mô hình này cần được nhân rộng để các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường từ mối quan hệ hợp tác giữa ba quốc gia: Việt Nam - Lào - Campuchia. Tuy nhiên, do tiềm năng thương mại trong mối quan hệ này còn khá mới mẻ, thách thức đặt ra là không nhỏ.
"Thách thức lớn nhất là sự thiếu tính đồng bộ giữa ba quốc gia, trước tiên là vấn đề pháp lý. Ví dụ, hàng hóa được thông quan ở Việt Nam, nhưng khi sang Lào thì không được nhập vào. Để có được những điều chỉnh về vấn đề pháp lý tương tự như vậy thì đòi hỏi thời gian, chứ không thể làm ngay", Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Môi trường và Phát triển, Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ
Tiến sĩ Phạm Bích Ngọc - Trưởng Phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: "Hạn chế về vận tải, thuế quan,... là những vấn đề mà chúng ta vẫn còn gặp phải trong quá trình hợp tác giao thương giữa ba nước".
Tiến sĩ Phạm Bích Ngọc - Trưởng Phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Một khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia cho thấy, có 3 vấn đề lớn được doanh nghiệp đặt hàng cho các nhà hoạch định chính sách và cơ quan nghiên cứu, tư vấn. Đó là Hỗ trợ tham gia các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; Giải pháp vận chuyển, kho bãi, logistics; và Giải pháp thanh toán.
"Hiện tại Lào và Campuchia đã hợp tác thành công trong giải pháp thanh toán xuyên biên giới. Ví dụ, khi đến Lào, người dân Campuchia có thể thanh toán bằng đồng Riel của họ, và ngược lại. Chúng ta có thể triển khai mối quan hệ hợp tác tương tự như vậy trong giải pháp thanh toán của Việt Nam - Lào - Campuchia như một trong những bước tiến khai thác thương mại ba nước", bà Latdavanh Songvilay - Viện trưởng Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào cho biết.
Bà Latdavanh Songvilay - Viện trưởng Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào
Ông Ky Sereyvath - Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia phát biểu: "Nói đến thương mại điện tử xuyên quốc gia thì giải pháp thanh toán qua mã QR là một trong những điều tôi nghĩ đến đầu tiên. Việt Nam - Lào - Campuchia nên nghĩ đến việc đầu tư nghiêm túc cho vấn đề này, cùng với giải pháp bảo mật để đạt được mục đích hợp tác giữa ba bên trong xu hướng kinh tế số".
Ông Ky Sereyvath - Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia
Hiện nay, xuất nhập khẩu của Việt Nam - Lào - Campuchia tập trung vào nhóm hàng thâm dụng tài nguyên và nhân công giá rẻ. Định hướng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số được chính phủ ba quốc gia định hướng trong bối cảnh hiện nay, nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững tiểu vùng sông Mê Kông. Trong đó, thương mại điện tử xuyên biên giới là bước đi cần thiết và có thể thực hiện ngay, với sự vào cuộc nghiêm túc của tất cả các bên liên quan.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9