Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

HOÀNG HƯƠNG - NGỌC TUẤN // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 4/10/2023, 09:34

(HTV) - Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, nhiều giải pháp nhằm "gỡ vướng" cho thị trường đã được Chính phủ đưa ra, như tháo gỡ nút thắt tín dụng, tái tạo dòng vốn mới đổ vào thị trường, dừng hiệu lực Thông tư 06, khoanh, giãn nợ.

Tuy nhiên, kết quả chưa được như kỳ vọng. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, để tháo gỡ nút thắt cho thị trường này, cần giải quyết đồng bộ 2 vấn đề chính sách và nguồn vốn. 

Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Theo thống kê, đến nay có hơn 95% doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô lao động, 50% doanh nghiệp giảm quy mô lao động trên 20% so với cùng kỳ. Trong 120.000 tỉ đồng gói tín dụng nhà ở xã hội, chỉ có khoảng 95 tỉ đồng được giải ngân và 950 tỉ đồng được cam kết cho vay. Nhiều doanh nghiệp bất động sản công bố kết quả kinh doanh quý 3 - 2023 suy giảm nặng nề, hoặc chuyển từ lãi sang lỗ. 

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ: "Các doanh nghiệp bất động sản đang trông đợi vào các dự án, đấy chính là hàng hóa để họ sản xuất, họ tạo ra nguồn cung cho thị trường, nhưng họ không thể triển khai vì cơ chế không gỡ ra được. Các dự án cứ phải dừng, cứ phải đợi phải chờ để tháo gỡ những điểm nghẽn trong các vấn đề của pháp luật, dẫn đến không thể giải quyết cái căn cơ thì làm sao họ có thể tiếp tục đầu tư, sản xuất để tạo ra thị trường".

Lĩnh vực bất động sản hiện có 12 luật chi phối trực tiếp, trên 27 luật có liên quan chi phối. Các luật này lại thiếu đồng bộ, chồng chéo và mâu thuẫn. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, có đến 70% khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản đến từ những quy định pháp lý của lĩnh vực này.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM bày tỏ: "Khó khăn vướng mắc lớn nhất nội tại của chúng ta là vướng mắc về pháp lý, cho nên chúng tôi rất kỳ vọng Quốc hội trong kỳ họp cuối năm 2023 này sẽ thông qua được luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản, luật các tổ chức tín dụng và các luật liên quan. Với điều đó chúng ta sẽ tháo gỡ được những nút thắt về pháp lý và phát huy được năng lực nội sinh của nền kinh tế trong đó có lĩnh vực bất động sản".

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, theo các chuyên gia, cần làm đồng bộ cả về thể chế chính sách và hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Trong đó, vấn đề định giá đất cần phải có những quy định cụ thể rõ ràng phù hợp với thị trường. 

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế cho biết: "Vốn không phải vấn đề duy nhất đối với thị trường bất động sản mà còn là vấn đề pháp lý, đó là thủ tục pháp lý để định giá, có đất. Cái này đều tắc nghẽn hết cả. Theo quan điểm của tôi là định giá thuộc thẩm quyền của Chính phủ của chính quyền địa phương, trên nền tảng công ty tư vấn, Chính phủ định giá theo giá thị trường cả về thời gian và không gian, cập nhật tùy thuộc vào vị trí của đất, thời gian định giá để đưa ra mức giá phù hợp".

Các chuyên gia cũng cho rằng, các Bộ, ban ngành và địa phương cần tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật. Khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, theo đúng kế hoạch. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: