LongForm: Xung đột Israel - Iran

CHÍ HIẾU - MINH TÂM - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 24/4/2024, 21:00

(HTV) - Ngày 19/4, một vụ nổ đã xảy ra tại thành phố Isfahan của Iran, nơi có một căn cứ không quân và một cơ sở hạt nhân lớn của nước này. Vụ việc ban đầu được cho là cuộc tấn công trả đũa của Israel nhưng tình hình sau đó đã nhanh chóng lắng dịu.

Thông tin ban đầu từ truyền thông Iran cho biết có “3 tiếng nổ” gần căn cứ không quân Shekari gần thành phố Isfahan và Iran đã bắn hạ một số thiết bị bay không người lái.

Quân đội Iran bảo vệ một cơ sở hạt nhân ở Isfahan trong ngày 19/4. Nguồn ảnh: Reuters

Đài CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Israel đã thông báo với Washington rằng họ chỉ tấn công hạn chế, không nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Mục tiêu là một số địa điểm liên kết với chương trình hạt nhân của Iran ở trong và xung quanh thành phố Isfahan. Một báo cáo khác của Fox News cũng mô tả cuộc tấn công là “có giới hạn” từ phía Israel.

Tuy nhiên sau đó Iran đã thông báo không có thiệt hại nào. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng xác nhận không có thiệt hại nào đối với các địa điểm hạt nhân của Iran.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian cho biết các thiết bị bay không người lái xuất phát từ bên trong lãnh thổ Iran và bay được vài trăm mét trước khi bị bắn hạ. Ông Abdollahian cảnh báo nếu Israel hành động chống lại lợi ích của Iran, Tehran sẽ đáp trả ngay lập tức ở mức tối đa, nhưng nếu Israel không liên quan thì sự việc sẽ chấm dứt.

Đến thời điểm hiện tại, Israel vẫn không bình luận gì về vụ tấn công tại Isfahan.

Phản ứng về vụ việc, các quốc gia và tổ chức trên thế giới đã kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang xung đột.

 

Khi sự việc tại Isfahan bắt đầu, đã có những lo ngại về việc căng thẳng giữa Iran và Israel sẽ bị đẩy lên ngày càng cao, có thể dẫn đến một cuộc chiến thảm khốc trong khu vực. Tuy nhiên, những diễn biến tiếp theo dường như cho thấy, cả hai bên đều đang thận trọng không để tình hình đi quá xa.

Cho đến nay, Israel vẫn không bình luận gì về vụ nổ ở Isfahan, nhưng vụ việc có một điểm chung với cuộc tấn công của Iran đêm 13/4, đó là cùng nhằm vào các mục tiêu quân sự, thay vì dân sự. Điều này sẽ giúp hạn chế thương vong, từ đó làm giảm áp lực trả đũa từ phía đối phương.

Iran tuyên bố không đáp trả nếu Israel không liên quan. Nguồn ảnh: Reuters

Theo Ian Bremmer, nhà sáng lập hãng tư vấn Eurasia Group, Israel buộc phải hành động sau khi bị Iran tấn công vào lãnh thổ, nhưng vụ việc ở Isfahan cho thấy Tel Aviv đã kiềm chế hơn nhiều so với vụ không kích vào đại sứ quán Iran ở thủ đô Damas, Syria tối 01/4.

Bên cạnh đó, cách Iran mô tả những diễn biến ở Isfahan giảm đáng kể tính nghiêm trọng so với thông tin ban đầu từ các quan chức Mỹ, lẫn bối cảnh địa chính trị vô cùng căng thẳng những ngày qua ở Trung Đông. Cách các bên giữ kín những thông tin then chốt đang thể hiện nỗ lực ngừng leo thang. Theo ông Bremmer, cuộc khủng hoảng đã kết thúc.

Bên cạnh đó, phương Tây cũng vừa công bố một số biện pháp trừng phạt mới với Iran nhằm xoa dịu Israel, tránh làm tình hình căng thẳng hơn.

Ngày 18/4, Mỹ và Anh đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào một số tổ chức quân sự, cá nhân và thực thể của Iran có liên quan đến ngành công nghiệp tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái của Iran. Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cũng đưa ra động thái tương tự.

Đến thời điểm hiện tại, căng thẳng giữa Israel và Iran đang có dấu hiệu được kiềm chế. Tuy nhiên theo các chuyên gia, những diễn biến gần đây vẫn có ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định của thị trường tài chính và triển vọng kinh tế thế giới.

Ngay sau khi có thông tin Israel tấn công Iran, giá dầu thô đã tăng 3,66% lên 85,76 đô la Mỹ/thùng. Giá dầu Brent tăng 3,44% lên 90,11 đô la Mỹ/thùng.

Căng thẳng Israel - Iran sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu. Nguồn ảnh: Getty

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Iran đứng thứ 9 về sản lượng dầu thô trên toàn cầu trong năm 2023, sản xuất gần 3,2 triệu thùng dầu/ngày. Nước này cũng kiểm soát eo biển Hormuz - nơi có 1/5 sản lượng dầu toàn cầu đi qua hàng ngày. Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với khả năng cung cấp cho thị trường toàn cầu của nước này đều có thể đẩy giá dầu lên mức cao hơn, có thể vượt ngưỡng 100 đô la Mỹ/thùng. 

Theo các chuyên gia, việc giá dầu tăng cao có thể khiến quá trình kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương trở nên khó khăn hơn. 

Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cũng cho biết họ "rất chú ý" đến tác động của giá dầu mỏ, bởi điều này có thể gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy lạm phát tại khu vực.

Căng thẳng leo thang tại Trung Đông cũng khuyến khích giới đầu tư tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn, trong đó có vàng, đồng đô la và trái phiếu kho bạc Mỹ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc đồng đô la Mỹ mạnh lên sẽ gây ảnh hưởng lớn tới các nền kinh tế, đặc biệt là tại các nền kinh tế mới nổi và mang nặng nợ nước ngoài. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: