LongFORM: Cuộc chính biến ở Syria khiến chính quyền Assad sụp đổ

NHƯ ANH - MAI LAN - THẢO TRANG - TRÚC QUỲNH - TRỌNG AN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 14/12/2024, 15:19

(HTV) - Trước sự ngỡ ngàng của toàn thế giới, Lực lượng đối lập tại Syria đã đặt dấu chấm hết đối với giai đoạn 50 năm cầm quyền của gia đình Assad, khi đánh chiếm thủ đô Damas chỉ trong 11 ngày, và buộc Tổng thống rời bỏ khỏi đất nước vào ngày 08/12.

Ngày 08/12, Al-Shara, Thủ lĩnh lực lượng đối lập HTS tuyên bố trên kênh Truyền hình quốc gia Syria: “TP. Damas đã nằm trong tay chúng tôi. Tổng thống Bashar al-Assad đã bị lật đổ. Những cơ quan này tiếp tục nằm dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Syria Mohammed al-Jalali cho tới khi chính thức được bàn giao”. 

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Bashar al-Assad - người lãnh đạo Syria trong 24 năm, đã rời bỏ đất nước, kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 14 năm qua của quốc gia Trung Đông này.

Hãy cùng nhìn lại cuộc lật đổ tốc độ này:

Lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) cùng các lực lượng đồng minh tấn công tỉnh Aleppo vào ngày 27/11. Nguồn ảnh: Reuters

Ngày 27/11, lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) cùng các lực lượng đồng minh bất ngờ tấn công tỉnh Aleppo, khiến hơn 230 người thiệt mạng chỉ trong vòng 24 giờ.

Ngày 28/11, HTS cắt đứt cao tốc nối TP. Aleppo với thủ đô Damas, rồi tấn công và kiểm soát Aleppo chỉ trong vòng 48 tiếng sau đó.

Ngày 30/11, Quân đội chính phủ Syria thông báo rút khỏi Aleppo nhằm tập hợp các đơn vị và đợi lực lượng chi viện để phản công.

Ngày 01/12, Không quân Syria và Nga ném bom các vị trí lực lượng đối lập ở Aleppo và Idlib, gây thiệt hại nặng cho HTS. Nhưng trên mặt đất, phe này vẫn tiếp tục mở rộng đà tấn công xuống Hama - thành phố chiến lược lớn thứ 4 của Syria.

Ngày 03/12, Quân đội chính phủ thừa nhận mất TP. Hama và rút ra vùng ngoại ô để "tránh xảy ra giao tranh trong đô thị, nhằm bảo vệ tính mạng người dân".

Lực lượng đối lập HTS phóng thích tù nhân ở Đông Bắc Hama, ngày 05/12. Nguồn ảnh: Reuters

Ngày 05/12, HTS kiểm soát các quận ở Đông Bắc Hama, tiến vào nhà tù ở trung tâm thành phố và phóng thích tù nhân.

Ngày 06/12, phe đối lập tại Syria áp sát Homs - địa điểm chủ chốt của căn cứ quân sự Nga trên tuyến đường nối giữa thủ đô Damas với các tỉnh Latakia và Tartus.

Ngày 07/12, HTS đạt thỏa thuận cho phép quân chính phủ rút lui an toàn khỏi Homs và chính thức giành được khu vực này, cũng như toàn bộ tỉnh Daraa (miền Nam Syria).

Rạng sáng 08/12, phe đối lập HTS tiến vào thủ đô Damas và kiểm soát toàn bộ thành phố này chỉ sau vài giờ. Nguồn tin từ HTS cho biết, họ hầu như không thấy dấu hiệu phản công từ Quân đội chính phủ.

Cục diện Syria ngày 27/11 và 08/12. Nguồn ảnh: Al Jazeera

Tổng thống Bashar al-Assad - người lãnh đạo Syria từ năm 1971, đã rời khỏi đất nước để xin tị nạn dựa trên lí do nhân đạo ở Nga. Đây là một diễn biến bất ngờ trong cuộc xung đột tàn khốc kéo dài 14 năm qua ở Syria. 

Tốc độ chiến thắng đáng kinh ngạc của phe đối lập khiến dư luận thế giới thắc mắc vì sao chính quyền của ông Assad lại lại sụp đổ nhanh như vậy. Kết quả này đến từ nhiều nguyên nhân.

Kể từ năm 2011, Quân đội Syria đã phải đối mặt với tình trạng tham nhũng, hao hụt về nhân lực, trang thiết bị và tinh thần. Thương vong, đào tẩu và trốn tránh nghĩa vụ quân sự đã khiến quân đội nước này mất đi khoảng một nửa trong số 300.000 binh lính. 

Ngày 04/12, ông Assad ra lệnh tăng thêm 50% lương của các quân nhân trong nỗ lực nhằm củng cố quân đội đang suy yếu. Nhưng với nền kinh tế suy kiệt, việc này không có nhiều tác động tích cực.

Máy bay Il-76 của Nga hạ cánh tại Căn cứ không quân Hmeimim ở Syria. Nguồn ảnh: Sputnik

Trong nhiều năm, chính quyền Assad đã phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ về quân sự, chính trị và ngoại giao từ các đồng minh, trong đó chủ chốt là Nga và Iran. 

Tuy nhiên, Nga hiện đang tập trung cho cuộc xung đột với Ucraina. Còn Iran đã phải chịu những tổn thất lớn trong cuộc chiến với Israel trong năm nay. Do vậy, cả 2 đồng minh lớn của Damas đã không thể tập trung lực lượng ủng hộ cho chính phủ Assad.

Lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn đã công khai ủng hộ Damas từ năm 2013, đồng thời gửi hàng ngàn binh lính đến hỗ trợ Quân đội chính phủ Syria. Nhưng trong thời gian gần đây, Hezbollah đã buộc phải chuyển quân từ Syria đến miền Nam Liban để đối đầu với Israel, sự có mặt của lực lượng này ở Syria buộc phải giảm đi.

Theo các chuyên gia, lực lượng đối lập tại Syria do nhóm HTS dẫn đầu đã khác xa những lực lượng nhỏ lẻ trong giai đoạn đầu nội chiến. Họ được trang bị tốt hơn, có kỷ luật và được tổ chức bài bản. HTS sở hữu các sĩ quan giỏi, đơn vị đặc nhiệm thiện chiến, lực lượng điều khiển drone tinh vi và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi mở cuộc tấn công ngày 27/11.

14 năm chiến tranh khiến hơn nửa triệu người Syria thiệt mạng, đồng thời tàn phá nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của nước này. 

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, ít nhất 90% người dân Syria hiện đang phải sống dưới mức nghèo khổ. Trợ cấp nhà nước cho nhiên liệu và lương thực đã bị cắt giảm đáng kể trong bối cảnh đồng tiền Syria ngày càng mất giá. Người dân tuyệt vọng trước khả năng tình hình nội chiến có thể được cải thiện, và họ dần mất niềm tin sâu sắc vào chính quyền của Tổng thống Assad.

Sau khi phe đối lập ở Syria lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, các quốc gia láng giềng đã ngay lập tức thể hiện các động thái nhằm phòng ngừa tình trạng bất ổn trong khu vực. Lần đầu tiên trong nửa thế kỷ qua, Israel điều động quân đội tiến vào Syria. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ sẽ bảo vệ các nước láng giềng xung quanh Syria.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết sự sụp đổ của chế độ Assad là "ngày lịch sử" -  ngày 08/12/2024. Nguồn ảnh: Reuters

Cụ thể, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ bảo vệ các nước láng giềng của Syria bao gồm Jordan, Liban, Iraq và Israel khỏi các nguy cơ phát sinh từ giai đoạn chuyển tiếp, đồng thời tiếp tục nhiệm vụ chống lại Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trong khu vực.

Việc Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ đang đe dọa sự tồn vong của các căn cứ quân sự của Nga tại Syria, uy tín của Nga tại khu vực Trung Đông cũng sẽ bị  ảnh hưởng lớn.

Nhiều nước Ả Rập khác cũng đưa ra tuyên bố tôn trọng lựa chọn của người dân Syria, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp để đảm bảo Syria không rơi vào tình cảnh hỗn loạn.

Theo hãng tin AP, ngày 08/12, lãnh đạo của phe đối lập Ahmad al-Sharaa đã xuất hiện lần đầu trước công chúng kể từ khi HTS tiến vào thủ đô Damas. Ông al-Sharaa cho biết lực lượng này đã giải thoát những người bị giam giữ tại nhà tù Saydnaya, đồng thời trấn an các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số. Vị lãnh đạo này khẳng định Syria là của tất cả mọi người.

Quá trình ổn định đất nước Syria còn lâu dài và phức tạp, sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý của thế giới và ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh khu vực và toàn cầu.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: