LongFORM: Hơn 400 triệu cử tri sẽ bầu Nghị viện Châu Âu - một trong những cuộc bầu cử lớn nhất thế giới

NHẬT MINH - MAI LAN - NGỌC THẠCH - PHƯƠNG TRINH - MẠNH HÙNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 3/6/2024, 15:04

(HTV) - Một trong những cuộc bầu cử lớn nhất thế giới sẽ diễn ra từ ngày 06/6 đến 09/6 năm nay. Hơn 400 triệu cử tri thuộc 27 quốc gia của Liên minh Châu Âu sẽ đi bỏ phiếu để chọn ra 720 thành viên thuộc cơ quan lập pháp của khối này.

Phiên họp toàn thể tại Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp. Nguồn ảnh: Reuters

Nghị viện Châu Âu là trụ cột trong hệ thống lập pháp của Liên minh Châu Âu EU. Các đạo luật được cơ quan này thông qua có hiệu lực đồng đều tại các quốc gia thành viên, tạo ra sự nhất quán, và là nền tảng cho sức mạnh tổng thể của liên minh 27 thành viên.

Bầu cử Nghị viện Châu Âu EP được tổ chức 5 năm một lần. Trong kỳ bầu cử diễn ra vào tháng 6 này, khoảng 447 triệu cử tri thuộc 27 quốc gia thành viên EU sẽ bầu người đại diện cho họ tại EP.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia sẽ có hình thức bỏ phiếu khác nhau. Tại một số nước, cử tri sẽ bầu cho đảng mà họ muốn với danh sách các ứng viên cố định trên lá phiếu.

Một số nước khác thì đưa ra danh sách mở hơn. Cử tri có quyền bầu cho đảng và ứng viên mà họ muốn. Ngoài ra còn có hình thức lựa chọn các ứng viên theo thứ tự ưu tiên.

Số ghế của các thành viên tại nghị viện được quyết định bằng quy mô dân số của nước đó. Ví dụ Đức – quốc gia đông dân nhất EU, sẽ được phân bổ 96 nghị sĩ tại EP. Trong khi Malta – quốc gia nhỏ nhất EU, chỉ có 6 nghị sĩ.

Hơn 400 triệu cử tri sẽ bầu Nghị viện Châu Âu trong tháng 6 này

Cử tri khắp Châu Âu sẽ bầu tổng cộng 720 nghị sĩ, hơn 15 người so với cuộc bầu cử gần nhất. Các nghị sĩ EP sẽ có nhiệm kỳ 5 năm và hầu hết dành thời gian tại các cuộc họp ở Strasbourg, Pháp và Brussels, Bỉ.

Các nghị sĩ được nhóm lại với nhau dựa trên tư tưởng chính trị của họ như đảng theo đường lối trung hữu, đảng xã hội, đảng xanh và cả nhóm theo chủ nghĩa hoài nghi EU.

Đảng giành được nhiều ghế nhất tại nghị viện sẽ có ưu thế trong việc lựa chọn các vị trí chủ chốt như Chủ tịch Ủy ban Châu Âu và chủ tịch hội đồng Châu Âu. Những ứng viên này phải được đa số thành viên EP ủng hộ để đảm nhận chức vụ.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tham dự cuộc họp của EU tại Brussels, Bỉ: Nguồn ảnh: Reuters

Đảng Nhân dân Châu Âu EPP hiện chiếm nhiều ghế nhất là 176, theo sau là Liên minh Xã hội và Dân chủ S&D với 139 ghế, và đảng Đổi mới với 102 ghế.

Các chuyên gia nhận định với sự gắn kết cao, các đảng chính thống trong Nghị viện Châu Âu được cho là sẽ tiếp tục dẫn đầu trong cuộc bầu cử tháng 6. Tuy nhiên, không thể phủ nhận xu hướng chuyển dịch đang diễn ra, trong bối cảnh lục địa già phải đối mặt với nhiều thách thách như xung đột Ucraina, vấn đề di cư và lạm phát.

Trong những năm gần đây, tỉ lệ cử tri bỏ phiếu cho các các đảng cực hữu và dân tuý đã gia tăng. Các đảng này đã lên nắm quyền tại Hungary và Italia, tham gia chính phủ ở Phần Lan và Slovakia, và mới nhất là giành chiến thắng cuộc tổng tuyển cử Hà Lan.

Các đảng chính trị tại Nghị viện Châu Âu. Nguồn ảnh: EP

Nhà nghiên cứu Matteo Garavoglia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Oxford nhận định các đảng cực hữu đã thay đổi chiếc lược của mình. Họ loại bỏ những ngôn từ cực đoan và không còn nhắc đến việc rời EU, đồng thời chuyển sang khai thác những vấn đề khác của EU.

Tuy nhiên, ông Garavoglia cũng lưu ý điều đó không có nghĩa là phe cực hữu sẽ giành được các vị trí chủ chốt trong các cơ quan của EU vì các Đảng Nhân dân Châu Âu EPP, Liên minh Xã hội và Dân chủ S&D cùng một số đảng khác, có thể liên kết với nhau để thành lập một "đại liên minh" nhằm kiểm soát phe cực hữu và không cho họ nắm giữ các chức vụ quan trọng của EU.

Liên quan đến cuộc xung đột ở Ucraina, ngoại trừ chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, thì hầu hết các thành viên EU còn lại đều ủng hộ Kiev. Theo các chuyên gia xu hướng này nhiều khả năng sẽ không thay đổi sau cuộc bầu cử tháng 6.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tham dự hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ. Nguồn ảnh: Reuters

Ông Garavoglia cho rằng EU nhìn chung vẫn sẽ duy trì mức độ ủng hộ đáng kể đối với Ucraina, vì đây là vấn đề hiện hữu mà họ phải đối mặt. Thủ tướng Hungary đã phản đối mọi hình thức viện trợ cho Ucraina. Tuy nhiên, EU vẫn có cách để đảm bảo viện trợ cho Kiev bên ngoài các cơ chế pháp lý của khối, như thông qua các thỏa thuận liên chính phủ hoặc song phương.

Về đối ngoại, EU giờ đây thường khó tìm được tiếng nói chung so với trước. Nhà nghiên cứu Garavoglia cho biết khối này đang muốn cải cách quy chế đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả thành viên để thông qua một chính sách đối ngoại, sang bỏ phiếu đa số. Điều này có nghĩa là dù một số nước phản đối thì chính sách đó vẫn sẽ được thực thi nếu được đa số thành viên ủng hộ.

Nhà nghiên cứu Garavoglia cho biết quy chế mới có thể được ban hành trong 5 năm tới, và nó sẽ giúp EU phản ứng nhanh hơn trước các vấn đề quốc tế.

Người dân Châu Âu: Tư cách thành viên EU mang lại lợi ích cho quốc gia của họ

Bầu cử EP diễn ra trong bối cảnh trí thông minh nhân tạo A.I tạo sinh ngày càng trở nên phổ biến. Theo các chuyên gia, công cụ này có thể tạo ra các nội dung, hình ảnh và video giả mạo với sức thuyết phục ngày càng cao, số lượng lớn, đa ngôn ngữ và với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết.

Điều này có thể gây bối rối cho các cử tri, khiến họ đưa ra nhận định sai lầm về các ứng viên và đảng chính trị, từ đó gây chia rẽ trong xã hội.

Chiến dịch chống tin giả ở Châu Âu đang có sự tham gia của Meta - công ty chủ quản mạng xã hội Facebook. Meta đã khởi động "Trung tâm Chiến dịch Bầu cử" để nhận diện các mối đe dọa tiềm ẩn và nhanh chóng triển khai các biện pháp cần thiết.

Các chuyên gia về khoa học dữ liệu, kỹ thuật, nghiên cứu, chính sách nội dung và đội ngũ pháp lý sẽ cùng phối hợp để ngăn chặn thông tin sai sự thật, giải quyết các chiến dịch gây ảnh hưởng, và ứng phó với các nguy cơ liên quan đến việc lạm dụng A.I tạo sinh.

Meta triển khai các biện pháp ngăn chặn tin giả trước thềm bầu cử EP. Nguồn ảnh: Reuters

Các công ty Meta, Microsoft, OpenAI và 17 công ty công nghệ khác đã nhất trí cùng phối hợp để ngăn chặn các nội dung lừa đảo do A.I thực hiện có thể ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử trên thế giới trong năm nay.

Kể từ năm 2016 đến nay, Meta cho biết đã đầu tư hơn 20 tỷ đôla Mỹ cho vấn đề an toàn thông tin, và mở rộng đội ngũ làm việc ở khía cạnh này lên khoảng 40.000 trên thế giới, trong đó bao gồm 15.000 người đánh giá nội dung trên các nền tảng Facebook, Instagram và Threads với hơn 70 ngôn ngữ, bao gồm 24 ngôn ngữ chính thức của EU.

Các nước Châu Âu cũng chú trọng đến vấn đề an ninh, nhất là sau vụ ám sát Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Trên khắp EU, nền chính trị ngày càng trở nên phân cực giữa các đảng chính thống và các phe cực hữu, đã làm dấy lên lo ngại về bạo lực gia tăng.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: