Áp dụng giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% từ 01/7

THÚY QUYÊN - XUÂN HẠO // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 2/7/2023, 19:00

Ngày 30/6, Chính phủ đã ban hành nghị định 44/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo nghị quyết số 101/2023 của Quốc hội. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023.

Chính phủ vừa ban hành nghị định 44/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo nghị quyết số 101/2023 của Quốc hội. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 - 07 đến hết ngày 31/12/2023.

Theo đó, giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất.

Ghi nhận trong ngày đầu tiên áp dụng giảm thuế, hàng loạt các điểm bán hàng, siêu thị,... đã giảm giá các mặt hàng

Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, 5 ngành hàng gồm hóa phẩm, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, may mặc thời trang và đồ dùng gia đình đều được giảm giá. Mức giảm trung bình từ 22% - 62%, trong đó đã cộng gộp mức giảm thuế VAT 2%. 

Đây là lần thứ hai thuế VAT được giảm đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến gia công đến kinh doanh thương mại

Thuế VAT là yếu tố cấu thành nên giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, khi giảm 2%, người dân sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí trong chi tiêu, sinh hoạt, mang lại tác động về tâm lý, giúp kích cầu mua sắm, tăng tiêu dùng.

Việc giảm thuế VAT không chỉ có lợi cho người tiêu dùng mà các doanh nghiệp cũng tiết kiệm được nhiều chi phí phát sinh. Ước tính, ngân sách năm nay sẽ hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi đưa thuế VAT về 8% trong nửa cuối năm.

Giảm thuế VAT cũng giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Như vậy, chính sách này một mặt hỗ trợ tăng trưởng từ sản xuất, tiêu dùng; mặt khác duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế cũng là điều mà các doanh nghiệp đang mong mỏi.

Trao đổi với HTV, PGS.TS Nguyễn Văn Trình, giảng viên cao cấp trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) cho biết: "Thuế GTGT có tác động dây chuyền, việc sản xuất hàng hóa dịch vụ gia tăng, kinh doanh gia tăng sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi được biết Doanh nghiệp cũng đề xuất Cục thuế nhanh chóng hoàn thế GTGT, đây là một nguồn cũng khá lớn cho Doanh nghiệp để họ có vốn tiếp tục tổ chức sản xuất kinh doanh. Tôi cũng đề nghị Bộ tài chính nên xem xét tiếp tục giảm thêm các loại thuế phí khác như thuế tiêu thụ đặc biệt,... để giảm được chi phí cho các Doanh nghiệp, cho nền kinh tế, kích thích sản xuất, kích thích tiêu dùng".

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: