Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với một số mặt hàng đồ uống

HOÀNG HƯƠNG - NGỌC TUẤN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 9/8/2024, 09:16

(HTV) - Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và đang lấy ý kiến rộng rãi với nhiều sửa đổi quan trọng.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và đang lấy ý kiến rộng rãi với nhiều sửa đổi quan trọng. Nhằm góp ý hoàn thiện dự thảo luật, sáng qua tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”.

Hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”

So với luật hiện hành, dự thảo luật đã mở rộng thêm một số nhóm đối tượng phải chịu thuế cũng như tăng thuế đối với một số nhóm mặt hàng và dịch vụ trong ngành đồ uống. Cụ thể, tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh thuế trong bối cảnh hiện nay cần có sự hài hòa, đảm bảo 3 mục tiêu: hạn chế tiêu dùng, định hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và vấn đề tăng thu ngân sách.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam chia sẻ: “Một chính sách thuế đưa ra cần hài hòa các lợi ích, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt thì việc tăng thu ngân sách nhà nước không phải vấn đề trọng tâm mà là điều tiết thay đổi hành vi tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cho nên nếu đưa thuế suất cao quá thì mục tiêu này có thể sẽ không đạt được.”

Trên cơ sở đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030, các đại biểu kiến nghị cần xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất với lộ trình phù hợp. Bởi thực tế hiện nay, việc tăng liên tục và tăng cao sẽ ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp.

Ông Đỗ Thái Vương - Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA)

Ông Đỗ Thái Vương - Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA), cho biết: “Các doanh nghiệp cũng rất ủng hộ chủ trương nộp thuế, nhưng cũng cần phải xem xét đến lộ trình, vì khi có quá nhiều luật thuế được ban hành cùng lúc trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, nó sẽ tạo ra gánh nặng kép cho doanh nghiệp.”

Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính hiện đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình, với rượu trên 20 độ lên 100% vào năm 2030. Tương tự, với rượu dưới 20 độ sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cao nhất là 70%. Bia các loại cũng tăng dần từ 80% lên 100%. Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh tăng thuế sẽ làm tăng giá bán, góp phần hạn chế việc tiêu thụ mặt hàng này, giảm tác hại của việc uống rượu, bia đến sức khỏe nhân dân.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: