(HTV) - Sáng nay 16/9, các chuyên gia và khách mời quốc tế được mời tham quan các mô hình tuần hoàn tiêu biểu của Thành phố, trong đó có Khu Chế xuất Tân Thuận và Khu Công nghiệp Hiệp Phước.
Qua chuyến tham quan, các đại biểu có cái nhìn toàn diện và thực tế hơn về việc áp dụng kinh tế tuần hoàn, hướng tới tăng trưởng xanh, của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
Nằm trong Khu Công nghiệp (KCN) Hiệp Phước, Công ty TNHH Giấy Xuân Mai sản xuất giấy các loại với công suất gần 10.000 tấn/năm. Nhờ ứng dụng công nghệ tuần hoàn tiên tiến mà tiết kiệm được hơn 200.000 USD/năm cho chi phí mua nước sạch, nguyên liệu đầu vào, than đốt. Doanh nghiệp cũng nỗ lực để đạt được các chứng chỉ xanh, phù hợp với yêu cầu để xuất khẩu sang các thị trường khó tính tại châu Âu và châu Á.
Công ty Xuân Mai sản xuất giấy các loại với công suất gần 10.000 tấn/năm
Ông Phạm Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Giấy Xuân Mai cho biết: "Chúng tôi cảm thấy phải có trách nhiệm với môi trường và xã hội nên hình thành nên ý tưởng sản xuất xanh. Kinh phí tới đâu chúng tôi sẽ hoàn thiện tới đó và phải hoàn thiện chắc chắn. Từ đây, chúng tôi cũng nhận lại được sự ủng hộ của người tiêu dùng cũng như cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp".
Ông Phạm Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Giấy Xuân Mai
KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) hiện là KCN duy nhất trên địa bàn TP.HCM tham gia dự án "Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu", mô hình "cộng sinh công nghiệp" được vận dụng ngày càng nhiều. Trong 185 dự án đang phát triển tại KCN Hiệp Phước thì có khoảng 90 doanh nghiệp có cơ hội phát triển doanh nghiệp xanh và đến nay có 31 doanh nghiệp đã thực hiện theo chương trình này.
Theo ông Giang Ngọc Phương - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Khu Công nghiệp Hiệp Phước: "Chúng tôi ưu tiên các tiện ích công cộng một cách tốt nhất cho môi trường và cho hoạt động của các nhà máy. Chúng tôi hướng dẫn cho các doanh nghiệp sản xuất phù hợp với pháp luật và điều kiện của doanh nghiệp để sản xuất xanh hơn, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm trong hoạt động của từng đơn vị. Chúng tôi cộng đồng trách nhiệm với từng nhà đầu tư và tạo nên cộng đồng phát triển bền vững, tạo thành KCN kiểu mẫu".
Ông Giang Ngọc Phương - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Khu Công nghiệp Hiệp Phước
"Để trở thành một KCN đẳng cấp thế giới thì tất nhiên vẫn đòi hỏi khá nhiều khía cạnh từ quản lý, hiệu suất môi trường và hiệu quả xã hội. Tuy nhiên tôi đánh giá cao năng lực quản lý và các bộ phận sản xuất tại đây. Tôi nghĩ rằng các quy định về pháp luật ở đây cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển theo hướng xanh, bền vững. Điều này sẽ tạo bước tiến nhảy vọt trong tương lai trong việc tạo ra sự bền vững và sử dụng hiệu quả năng lượng cũng như sẽ sử dụng năng lượng tái tạo rộng rãi hơn", ông Klaus Tyrkko - Trưởng Ban Hiệu quả Tài nguyên và Kinh tế Tuần hoàn, Vụ Quản lý Hóa chất và Kinh tế Tuần hoàn, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) cho biết.
Ông Klaus Tyrkko - Trưởng Ban Hiệu quả Tài nguyên và Kinh tế Tuần hoàn, Vụ Quản lý Hóa chất và Kinh tế Tuần hoàn, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO)
Tại Khu Chế xuất Tân Thuận, Quận 7 - Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam, các đại biểu đã dành nhiều thời gian trao đổi về chính sách đầu tư mà TP.HCM và Chính phủ Việt Nam ưu tiên cho doanh nghiệp tại đây. Các vấn đề về giải quyết chất thải, khí thải ra môi trường cũng được tìm hiểu.
Khu Chế xuất Tân Thuận và 4 KCN gồm Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước và Bình Chiểu là 5 khu sản xuất công nghiệp đầu tiên của TP.HCM sẽ được lập đề án thí điểm chuyển đổi trong năm nay và năm tới. Hiện có hơn 700 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động sản xuất trong 5 khu này. Các khu này sẽ được chuyển đổi theo định hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9