Hội thảo "Tài chính xanh": Tháo gỡ rủi ro pháp lý, chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và ngân hàng

PHƯƠNG THANH - MINH CHƯƠNG - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 22/10/2024, 23:00

(HTV) - Trên sân chơi toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực lớn trong việc đầu tư vào các cam kết chuyển đổi xanh. Sự thiếu hụt về vốn xanh cũng như các hỗ trợ tài chính từ phía ngân hàng và chính phủ vẫn là thách thức đáng kể.

Trước tình hình đó, Báo SGGP Đầu tư Tài chính đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hội thảo "Tài chính xanh: Chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa doanh nghiệp và ngân hàng".

Trong chiến lược tăng trưởng xanh 2021 - 2030, Việt Nam hướng tới tái cấu trúc kinh tế

Trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu trong giai đoạn mới: Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Mục tiêu của chiến lược bao gồm giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết: "Do chiến tranh Ukraine gây ra ảnh hướng giá nguyên liệu rất mắc nên thị trường thức ăn chăn nuôi khốc liệt. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã liên doanh với một số tập đoàn Châu Âu, và hợp tác với những gã khổng lồ thế giới để giải bài toán kinh tế xanh, khí thải, cacbon.. và trong thời điểm phát triển chúng tôi tập trung mạnh liên kết chuỗi. Dự kiến 2025 - 2030, chúng tôi sẽ phát triển xuất khẩu khoảng 30% thị trường."

Ngành dệt may Việt Nam cũng là ngành tiên phong trong quá trình chuyển đổi số từ bảy năm trước. Trong năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp dệt may đã xuất khẩu sản phẩm sang 104 thị trường toàn cầu theo chiến lược đa dạng hóa thị trường, khách hàng và sản phẩm.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết: "Doanh nghiệp phải đầu tư đúng vào cốt lõi, đạt 86% chỉ tiêu của các nhãn hàng để có được đơn hàng. Thứ hai là số hóa quản trị và robot hóa trong ngành dệt may Việt Nam. Thứ ba là nguồn lực đầu tư, cần phải tiếp tục thúc đẩy để thích ứng với yêu cầu của thị trường."

Ngành dệt may Việt Nam tiên phong chuyển đổi số, xuất khẩu sang 104 thị trường toàn cầu

Về mặt pháp lý, hiện nay đã có một số quy định, tuy nhiên để các doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng xanh, cần làm rõ tiêu chí và thước đo môi trường. Đây là một trong những vướng mắc lớn hiện nay. Về nguồn vốn cho tín dụng xanh, không chỉ ngân hàng thương mại mà còn cần huy động từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp của HD Bank, cho biết: "HD Bank là một trong những ngân hàng may mắn khi được tiếp cận với nhiều định chế tài chính phát triển từ nước ngoài. Chúng tôi đã huy động được 500 triệu USD từ các nguồn vốn để cho vay xanh. Nhờ đó, chúng tôi có thể học hỏi và hiểu rõ hướng đi của thế giới, giúp thuyết phục các doanh nghiệp Việt Nam cùng đồng hành với chúng tôi."

Ngoài ra, việc xây dựng một hệ thống cảnh báo rủi ro để cả tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đều có thể yên tâm là điều cần thiết, giúp tỷ trọng tín dụng xanh ngày càng tăng lên.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh: "Để giảm thiểu rủi ro, cần tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý. Cụ thể, cần ưu tiên xem xét bãi bỏ những luật không còn phù hợp, sửa đổi các quy định cần thiết, và bổ sung những điều khoản để tháo gỡ khó khăn."

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Thực hiện Nghị quyết 98, cho rằng: "Chỉ khi nào tỷ trọng tín dụng của nền kinh tế tăng từ mức 3-4% hiện tại lên đến 30-40%, chúng ta mới có thể thấy rõ sự chuyển biến của quá trình chuyển đổi xanh trong nền kinh tế. Đây là một chỉ báo quan trọng để đánh giá sự chuyển đổi thông qua tỷ lệ tín dụng xanh trên thị trường tín dụng Việt Nam."

Hội thảo lần này là cầu nối giữa các diễn giả, chuyên gia, ngân hàng và doanh nghiệp nhằm chia sẻ cơ hội, rủi ro, cũng như thảo luận về các công cụ tài chính, giúp các nhà quản lý và hoạch định chính sách tìm ra tiếng nói chung trên hành trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: