Quyết liệt tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng

TRẦN HÙNG - THANH PHONG - XUÂN HẠO - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 24/10/2023, 09:05

(HTV) - Trong bối cảnh thị trường đang thay đổi quá nhanh, chỉ có nguồn vốn kịp thời mới giúp doanh nghiệp tận dụng được cơ hội phục hồi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 990 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan bám sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đáp ứng cao nhất có thể nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng

Tăng khả năng tiếp cận vốn: Phù hợp với kỳ vọng của doanh nghiệp

Công ty CP Công nghệ TK25 đang chuyển đổi từ mô hình công ty phần mềm sang mô hình hệ sinh thái, trong đó có thiết bị phần cứng, IoT hỗ trợ, tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Công ty CP Công nghệ TK25 đang chuyển đổi sang mô hình hệ sinh thái

Đây là hướng đi tất yếu để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, nhưng chính vì sự chuyển đổi này, doanh nghiệp chỉ tiếp cận được các nguồn vốn ngắn hạn với quy mô nhỏ, khó với tới nguồn vốn trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Trung Khánh - Nhà sáng lập Công ty CP Công nghệ TK25 đề xuất với ngân hàng: “Việc đánh giá tín dụng, cũng như việc đánh giá một mô hình kinh doanh không nên theo cơ chế cũ, mà chúng ta theo cơ chế đi cùng với doanh nghiệp, giúp họ tạo ra cơ hội thị trường, bằng tiếng nói, bằng cách hỗ trợ tín dụng theo chu kỳ ngắn hạn, nhưng theo quy mô dài hạn”.

Ông Nguyễn Trung Khánh - Nhà sáng lập Công ty CP Công nghệ TK25

Tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 10 chỉ đạt 6,29%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 với mức 11,12% và định hướng điều hành cả năm 2023 với mức 14 - 15%. Điều này đòi hỏi các giải pháp đồng bộ và được thực hiện với cường độ cao hơn.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM chia sẻ: “Để tín dụng tiếp tục tăng trưởng thì cần các giải pháp trực tiếp khác, đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp như thị trường tiêu thụ, cũng như lĩnh vực tiêu dùng, lĩnh vực đầu tư và xuất khẩu là những động lực tăng trưởng kinh tế cũng cần phải tập trung cải thiện. So với trước đây thì các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là giảm lãi suất các khoản vay cũ để hỗ trợ trực tiếp về mặt chi phí cho doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM 

Vốn tín dụng khó hấp thụ vào sản xuất kinh doanh

Sau độ trễ so với lãi suất huy động, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay đã bắt đầu giảm. Đặc biệt có những ngân hàng thương mại đã có các chương trình lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng đang có khoản vay ở các ngân hàng khác theo Nghị định 06 của Ngân hàng Nhà nước, với lãi suất ưu đãi từ 7 đến 10%, dành cho các kỳ hạn từ 6 tháng đến 24 tháng. Tuy nhiên, tình hình chung của thị trường trong nước và thế giới hiện đang còn khá trầm lắng. Do đó thanh khoản mặc dù còn dồi dào nhưng các doanh nghiệp vẫn rất khó hấp thụ vốn.

Khi dư địa tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ không còn nhiều, sự quan tâm của thị trường có thể chuyển sang chính sách tài khóa. Động lực tăng trưởng đến từ đẩy mạnh đầu tư công và các chính sách hỗ trợ tiêu dùng từ Chính phủ tiếp tục được kỳ vọng, tạo đòn bẩy cho kinh tế bứt phá.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: