Phát triển ngành Lúa gạo theo hướng bền vững trong tình hình giá cả biến động

VŨ TUYÊN - TRẦN TÚ - LONG ĐỖ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 6/3/2024, 16:41

(HTV) - Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những ngày qua liên tục giảm mạnh. Tính đến đầu tháng 03, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam còn 594 USD/ tấn, giảm 6 USD/ tấn so với trước.

Giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ở mức thấp

Theo đó, đây là mức giá xuất khẩu thấp nhất trong 6 tháng qua. Việc giá gạo xuất khẩu giảm đã tác động tới giá lúa gạo trong nước. Giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/ký so với thời điểm trước Tết. 

Dù đà giảm đã hạ nhiệt, nhưng các địa phương đang trong giai đoạn thu hoạch chính vụ Đông Xuân nên nông dân cũng lo ngại giá xuất khẩu giảm sẽ tác động làm giảm giá lúa thêm.

Anh Lê Văn Tươi ở xã Tân Thạnh, huyện Tân Châu, An Giang bày tỏ sự thất vọng khi vào cao điểm thu hoạch là lợi nhuận thấp đi, nên không còn phấn khởi gì nữa. Cùng tâm trạng này, anh Lê Văn Cời cũng cho biết giá xuống thấp, nhưng vì đất của gia đình nên lời ít, nếu đất mượn là sẽ bị lỗ, vì phải đổ tiền vào vật tư, phân thuốc nhiều.

Nông dân lo ngại giá xuất khẩu giảm sẽ tiếp tục tác động làm giảm giá lúa.

Theo các chuyên gia, không chỉ Việt Nam mà giá gạo cùng phẩm cấp của các nước gồm Thái Lan, Pakistan cũng ghi nhận giảm. Việc này là hoàn toàn bình thường, đúng theo quy luật cung - cầu của thị trường. Giá lúa vụ Đông Xuân mặc dù có giảm so với nửa cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức cao và bảo đảm lợi nhuận cho nông dân.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - Chuyên gia kinh tế nông nghiệp đánh giá: “Lúa vụ Đông Xuân đang thu hoạch, doanh nghiệp nước ngoài cũng đợi xem giá nào hợp lý với ký, doanh nghiệp trong nước thi đợi đối tác, nên không vội mua ngay, do đó sẽ làm nhu cầu tăng cao. Hiện tất cả đang ở giai đoạn nghe ngóng, nên giá này chỉ ở mức tạm thời.”

Chuyên gia kinh tế nông nghiệp - Tiến sỹ Nguyễn Đăng Nghĩa trả lời phỏng vấn

 Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo lành mạnh, minh bạch, phản ứng linh hoạt, kịp thời trong tình hình thị trường có nhiều biến động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 10 ngày 2/3/2024, yêu cầu phải có giải pháp thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu; đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường theo dõi, cập nhật, dự báo, tính toán phương án kinh doanh đảm bảo hài hòa giữa lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người sản xuất; xây dựng kế hoạch cụ thể từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh,...Nhấn mạnh vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng - Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho rằng: “Từ doanh nghiệp đến nông dân cần có sự khởi động để triển khai liên kết tạo cánh đồng nhỏ thành cánh đồng lớn để san sẻ với nhau về khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa. Phải sấy lúa, xay xát, tồn trữ tốt hơn để giữ được chất lượng,... làm sao cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam trở thành 1 khối thống nhất. Nếu không đi thì sẽ chậm hơn, tụt hậu xa. Nhìn về đường dài của lúa gạo Việt Nam trong năm 2024, cần chú trọng tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp và nông dân cùng chia sẻ lợi nhuận và cả phần lỗ nếu có. Nếu làm với tâm thế đó và tiếp cận như vậy thì không khó để trở thành quốc gia sản xuất và tiêu thụ lúa gạo bền vững."

Một số dự báo cho thấy ảnh hưởng của El Nino, nhu cầu thị trường thế giới tăng trong khi nguồn cung hạn chế sẽ giúp giá gạo trong năm 2024 tiếp tục ở mức cao. Điều này, tạo cơ hội cho gạo Việt Nam gia tăng xuất khẩu và thu về giá trị lớn trong năm nay.

Ý kiến của bạn: