(HTV) - Hôm nay 10/10 - Ngày chuyển đổi số quốc gia, nhiều địa phương đã chia sẻ sáng kiến ở khối dịch vụ công.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số dịch vụ đủ điều kiện đã đạt hơn 90%. Công tác số hóa dữ liệu vẫn đang được tiếp tục với mục tiêu tạo sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi liên hệ các cơ quan hành chính nhà nước.
Tháng 8 năm ngoái, bộ phận một cửa huyện Tiên Lãng bắt đầu niêm yết công khai danh mục hồ sơ trực tuyến đối với vài thủ tục đơn giản. Sau hơn 1 năm thực hiện, hiện hơn 90% hồ sơ dịch vụ công của huyện đã được giải quyết trực tuyến, đạt tỷ lệ cao nhất thành phố Hải Phòng.
90% hồ sơ dịch vụ công của huyện Tiên Lãng đã được giải quyết trực tuyến
Chị Đỗ Thị Thu Hiền - Chuyên viên Bộ phận một cửa huyện Tiên Lãng, Hải Phòng chia sẻ: “Chúng tôi hướng dẫn quy trình nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của huyện, trên Facebook, Zalo và khi công dân trực tiếp đến Bộ phận một cửa, các cán bộ công chức đều hướng dẫn tận tình cách thức nộp hồ sơ trực tuyến, đều tuyên truyền công dân khi thực hiện thủ tục hành chính tiếp theo thì có thể làm tại nhà và hướng dẫn cho người nhà để không phải đến cơ quan nhà nước.”
Chị Đỗ Thị Thu Hiền - Chuyên viên Bộ phận một cửa huyện Tiên Lãng, Hải Phòng
Còn tại Nam Định, năm 2021, Nam Định triển khai việc gửi thông báo tiến độ giải quyết hồ sơ trực tuyến cho người dân qua tin nhắn SMS.
Với chị Ngô Hoàng Mai - Phó Giám đốc Công ty Quảng cáo Thương mại Hoàng Mai, Hà Nội, điều tâm đắc nhất là tiết kiệm được thời gian và công việc được quản lý dễ dàng hơn vì tất cả các thông báo về tiến trình xử lý hồ sơ đều được thông báo qua điện thoại.
Chị Ngô Hoàng Mai - Phó Giám đốc Công ty Quảng cáo Thương mại Hoàng Mai, Hà Nội
Đối với các bộ, ngành, địa phương, nhiều văn bản giao chỉ tiêu đã được ban hành. Cụ thể, hơn 30 bộ, ngành, địa phương đã ban hành văn bản giao chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến đến tận cấp cơ sở, giảm phí và lệ phí sử dụng dịch vụ.
Ông Đào Ngọc Tuất - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi đã được sự hưởng ứng rất cao từ cộng đồng doanh nghiệp. Tỷ lệ trước khi ban hành nghị quyết thì tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến chỉ từ 30-35%. Sau 1 năm dịch vụ công toàn trình đạt gần 90%”.
Ông Đào Ngọc Tuất - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên
Thêm vào đó, theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông trong hơn 1 năm qua, các địa phương đã tích cực thiết lập, đưa vào hoạt động hơn 74.000 tổ công nghệ số cộng đồng với khoảng 350.000 thành viên, dần hình thành mạng lưới triển khai, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả.
Ông Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh cho biết: "Tổ này sẽ là lực lượng nòng cốt để hướng dẫn cho người dân theo phương châm đến từng ngõ, gõ từng nhà, qua đó, có thể hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, cách thức nộp thủ tục hành chính trên môi trường mạng".
Ông Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh
Rất nhiều sáng kiến, giải pháp được triển khai đã dần thay đổi thói quen của cán bộ công chức các cấp, người dân, doanh nghiệp. Dịch vụ công trực tuyến ngày càng quen thuộc hơn với người dân nhiều tỉnh thành.
Chung tay để dịch vụ công trực tuyến ngày càng quen thuộc hơn với người dân nhiều tỉnh thành