(HTV) - Hà Nội đặt mục tiêu 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ 2.
Mới dây, HĐND TP. Hà Nội thông qua Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030. Đáng chú ý, Hà Nội đặt mục tiêu 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ 2.
Trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 594 vụ cháy
Trong 06 tháng đầu năm nay, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 594 vụ cháy, làm 20 người thiệt mạng, 09 người bị thương. Mới đây nhất là vụ cháy nhà trọ rạng sáng ngày 24/05 ở phố Trung Kính, quận Cầu Giấy làm 14 người thiệt mạng và vụ cháy nhà dân ngày 16/06 ở phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai làm 04 người chết.
Đặc điểm chung của các đám cháy này là nhà nằm sâu trong ngõ, ngách khiến lực lượng chức năng rất khó tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn, không có lối thoát hiểm nào khác ngoài cửa chính. Ngoài ra, một số nhà ở kết hợp kinh doanh khi xảy ra cháy, nổ cũng khiến lực lượng chức năng khó dập lửa.
Nhà nằm sâu trong ngõ, ngách, không có lối thoát hiểm nào khác ngoài cửa chính
Trước vấn đề đó, HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua nghị quyết ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Hà Nội từ nay đến năm 2030. Trong đó, nội dung nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố phải mở lối thoát nạn thứ 2 được nhiều người dân đồng tình hưởng ứng.
Hà Nội: Nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ 2
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP. Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 5.437 tuyến đường có ngõ sâu trên 200 mét; 223 tuyến đường ngõ có barie, cọc chắn xe chữa cháy, xe chuyên dụng không di chuyển, không tiếp cận được. Trong khi đó, do đất chật người đông, người dân thường tận dụng mọi không gian để xây dựng nhà cửa, thậm chí làm thêm chuồng cọp, khung sắt để bảo vệ tài sản.
Đảm bảo an toàn cho người dân sẽ khó nếu ban công không có lối ra
Theo chuyên gia, với nhà ở kết hợp kinh doanh sản xuất thì lối thoát hiểm thứ 2 thường được bố trí ở tầng trên hoặc lối thoát từ trong nhà ra ban công bằng lối ra thì mới thực sự là lối thoát hiểm thứ 2. Nếu ban công không có lối ra thì việc đảm bảo an toàn cho người dân sẽ rất là khó.
Thượng tá Phan Anh - Phó Trưởng Khoa Phòng Cháy, Đại học Phòng Cháy Chữa Cháy, Bộ Công an nhận định: “Nếu xảy ra cháy thì khói, nhiệt kèm theo khí độc sẽ tác động đến cơ thể người, và người ta sẽ cần không gian để thở. Khi đó, cần phải di chuyển rời xa khỏi khu vực cháy cũng như nguồn nguy hiểm là khói, khí độc, nhiệt tác động đến người. Như vậy, với công trình nhà ở còn lại khi xảy ra cháy chính là ban công và lối ra. Nếu như chỉ mở lối thoát hiểm thứ 2 hướng đến mục tiêu mở dưới tầng 01 hoặc mở thêm cầu thang bộ thì sẽ rất khó thực hiện đối với các hộ gia đình trong ngõ nhỏ, phố nhỏ.”
Cũng theo các chuyên gia, việc mở lối thoát hiểm thứ 02 là việc làm cần thiết với mỗi hộ gia đình, tổ dân phố, khu dân cư, cần phải triển khai quyết liệt thay vì dựa vào tinh thần tự nguyện hay tuyên truyền vận động như hiện nay.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9