LongForm:Những thử thách chờ đợi Tân Tổng Thư ký NATO Mark Rutte

VIỆT TOÀN - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 1/7/2024, 10:00

(HTV) - Ngày 26/6, các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO đã chọn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte làm Tổng Thư ký tiếp theo của tổ chức này, thay thế ông Jens Stoltenberg, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10 tới.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte được đánh giá cao nhờ lập trường linh hoạt và quan điểm ủng hộ Ucraina. Nguồn ảnh: Reuters

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte được đánh giá cao nhờ lập trường linh hoạt trong tìm kiếm đồng thuận và có quan điểm ủng hộ Ucraina. Tuy nhiên nhiệm kỳ sắp tới của ông được dự báo sẽ không dễ dàng. Theo các chuyên gia thì người đứng đầu NATO sẽ phải đối mặt với cuộc xung đột Nga-Ucraina và khả năng ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới cũng có thể có thể ảnh hưởng tới các quyết sách của NATO.

Chiến dịch tranh cử chức Tổng Thư ký NATO của ông Mark Rutte, người sắp mãn nhiệm thủ tướng Hà Lan, nhận được ủng hộ của tất cả 32 đồng minh NATO. 

Khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chuyển đến văn phòng mới tại trụ sở NATO vào tháng 10 tới, ông dường như sẽ không có nhiều khoảng thời gian "trăng mật". Ông Rutte, lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ năm của Liên minh Châu Âu EU trong 14 năm, được ca ngợi là người giỏi tìm kiếm sự đồng thuận. Ông cũng bày tỏ quyết tâm ủng hộ Ucraina, trong đó có nỗ lực của Hà Lan để đào tạo phi công tiêm kích F-16 cho Kiev.

Bốn tuần sau khi ông Rutte bắt đầu công việc mới ở NATO, người Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu Tổng thống và ứng viên Donald Trump được cho là có nhiều cơ hội tái đắc cử.

Cựu Tổng thống Mỹ Trump dọa cắt viện trợ Ucraina nếu ông trở lại Nhà Trắng. Nguồn ảnh: DerWesten

Sự trở lại của ông Trump sẽ là điều khiến nhiều người e ngại vì lập trường hoài nghi NATO của cựu Tổng thống Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đe dọa cắt viện trợ cho Ucraina nếu trở lại Nhà Trắng. Nếu điều này xảy ra, đây có thể là đòn giáng nặng nề vào uy tín của các đồng minh NATO trong nỗ lực giúp đỡ Ucraina, bởi Mỹ hiện là nhà tài trợ quân sự lớn nhất của khối cho Kiev.

Kịch bản ông Trump tái đắc cử nhiều khả năng cũng sẽ làm chệch hướng kế hoạch của NATO trong việc kết nạp Ucraina vào liên minh trong tương lai.

Các nước NATO năm ngoái hứa hẹn rằng họ sẽ "để ngỏ cánh cửa" gia nhập liên minh với Ucraina khi tất cả thành viên đồng ý và Kiev đáp ứng các điều kiện. Tuy nhiên, dựa vào nhận xét gần đây của ông Trump về Tổng thống Ucraina Volodymyr Zelensky, cam kết đó có vẻ ngày càng lung lay.

NATO đối diện khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng 

Ngay sau khi ông Rutte nhậm chức, lãnh đạo NATO cũng sẽ phải tiếp tục giải quyết bài toán giúp đỡ Ucraina trong cuộc chiến chưa hồi kết với Nga. Ucraina được cho là sẽ kêu gọi NATO tăng cường giúp đỡ khi mùa đông tới gần. Chiến thuật đánh vào hạ tầng năng lượng của Nga không mới. Lưới điện của Ucraina từng tê liệt vì các đợt tập kích của Nga.

Ucraina tăng cường kêu gọi NATO giúp đỡ khi mùa đông tới gần. Nguồn ảnh: Gregory Freni 

Theo Tổng Thư ký sắp mãn nhiệm Stoltenberg, chìa khóa để NATO giúp Ucraina là cung cấp nhiều hệ thống phòng không để bảo vệ các cơ sở năng lượng, cũng như nhân viên bảo trì đang sửa chữa các cơ sở bị hư hại.

Các nước NATO cũng đang nỗ lực tìm cách chuyển hệ thống phòng không cho Ucraina để giúp nước này xây dựng lưới phòng không vững chắc. Song Châu Âu không có nhiều nguồn cung để đáp ứng nhu cầu, khi các nước gần Nga không sẵn sàng từ bỏ lá chắn trên không vào thời điểm nguy hiểm này.

Chi tiêu quốc phòng của các nước NATO 

Ngoài ra, Rutte cũng có thể phải đối mặt vấn đề đau đầu khi các nước gần biên giới Nga không thực sự ủng hộ ông. Họ bất bình về mức chi tiêu quốc phòng thấp của Hà Lan và đặc biệt khó chịu khi vai trò lãnh đạo NATO luôn thuộc về các nước phương Tây hoặc Bắc Âu, dù các thành viên sườn đông đã gia nhập liên minh hơn 1/4 thế kỷ.

Các nước sườn đông NATO không hài lòng với sự phân bổ vai trò trong liên minh nhiều năm qua. Nguồn ảnh: Reuters

Các nước sườn đông NATO có thể sẽ yêu cầu bổ nhiệm đại diện của họ vào vị trí cấp thấp hơn như Phó Tổng Thư ký và trợ lý Tổng Thư ký. Việc phân bổ vai trò trong liên minh đã trở thành vấn đề gây nhức nhối đối với các nước ở sườn đông trong nhiều năm qua. Trong khi vị trí Phó Tổng Thư ký hiện tại là đại diện của Romania, tất cả 07 vị trí trợ lý Tổng Thư ký đều là đại diện của phương Tây, gồm hai người Mỹ và 05 người đến từ Đức, Hà Lan, Anh, Italia, Pháp.

Các đảng cực hữu ở Châu Âu trỗi dậy

Ông Rutte có lẽ rất hiểu điều này. Ông sẽ làm quen với công việc của NATO trong khi đảng Nhân dân Tự do và Dân chủ trung hữu của ông đối mặt nguy cơ thua đảng cực hữu Vì Tự do do Geert Wilders lãnh đạo trong cuộc bầu cử ở Hà Lan. Tuy nhiên, giới quan sát tin rằng có một điều mà ông Rutte không cần lo lắng khi đảm nhận vai trò lãnh đạo NATO là "công việc mới của ông ấy sẽ không hề nhàm chán".

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: