Nghị quyết 57 - Động lực phát triển mới cho ngành công nghệ Việt Nam

THANH TÂN - MINH KHÔI - QUỐC KHANH - LINH BẰNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 10/2/2025, 09:46

(HTV) - TP.HCM được xem là trung tâm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cả nước. Từ khi ra đời, Nghị quyết 57 đã mang đến luồng sinh khí mới cho nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ.

Một trong những minh chứng rõ nét cho sự tác động của Nghị quyết 57 là Tập đoàn công nghệ TMA, doanh nghiệp đặt trụ sở tại Công viên phần mềm Quang Trung. Với gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, TMA hiện có khoảng 4.000 kỹ sư, cung cấp dịch vụ và sản phẩm công nghệ cho thị trường trong nước và hơn 30 quốc gia trên thế giới. Đây là một trong số ít công ty công nghệ có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng tại Việt Nam.

Sản phẩm công nghệ "Made in Vietnam" đang được hiện đại hóa, giúp nâng cao giá trị ngành công nghệ Việt Nam

Tại trung tâm nghiên cứu chuyển đổi số của doanh nghiệp này, các sản phẩm công nghệ "Made in Vietnam" đang từng bước được hiện đại hóa, tạo nên những bước tiến mới cho ngành công nghệ Việt Nam. Từ những giải pháp công nghệ trong lĩnh vực y tế sức khỏe cho đến các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực xây dựng, đô thị thông minh, gần 200 kỹ sư người Việt đã và đang chế tạo ra hàng trăm sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị và vị thế của ngành công nghệ trong nước.

Ông Trần Phúc Hồng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ TMA chia sẻ: "Cách đây 20 năm, chúng tôi đã nhận được nhiều ưu đãi về thuế, hạ tầng khi tham gia vào Khu phần mềm Quang Trung. Chính sách này đã thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm các chính sách đột phá giúp doanh nghiệp giảm chi phí, có thêm nguồn lực dồi dào, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực." Ông cũng nhấn mạnh rằng, dù Việt Nam đã có hệ thống đào tạo công nghệ thông tin khá mạnh, nhưng đối với những lĩnh vực mới như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, nguồn nhân lực vẫn còn rất hạn chế.

Vấn đề hạn chế về nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo cần được chính phủ và các doanh nghiệp tập trung khắc phục

Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, Nghị quyết 57 còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia sâu hơn vào quá trình phát triển khoa học công nghệ. Ông Phan Phương Tùng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) nhận định: "Điểm đặc biệt của Nghị quyết 57 là việc Trung ương đã chấp nhận rủi ro khi đầu tư vào công nghệ, đồng thời tháo gỡ nhiều rào cản trước đây đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân cho khoa học công nghệ cũng được tăng lên đáng kể, từ 0,8% GRDP lên 2%, tạo động lực lớn để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào quá trình phát triển này."

Nghị quyết 57 tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tăng cường đầu tư và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Mặc dù TP.HCM đã có nhiều chính sách thu hút chuyên gia công nghệ, song theo ông Phan Phương Tùng, vẫn cần những chương trình hỗ trợ mang tính đột phá hơn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông đề xuất: "Cần xây dựng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn dịch vụ toàn cầu. Ngoài ra, cần mạnh dạn áp dụng chính sách đặc thù như miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho lao động trong lĩnh vực CNTT, cũng như mở rộng đào tạo từ cấp cơ bản đến sau đại học."

PGS.TS Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các trung tâm đào tạo chuyên biệt cho lĩnh vực bán dẫn, thiết kế vi mạch. Ông cho rằng, bên cạnh việc đào tạo từ các cơ sở giáo dục, chính doanh nghiệp cũng có thể tham gia vào quá trình này, với sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi thuế.

Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, việc thu hút nhân tài không chỉ dừng lại ở vấn đề lương thưởng mà còn liên quan đến chất lượng môi trường sống, cơ chế làm việc linh hoạt và chính sách đãi ngộ phù hợp. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần một hệ sinh thái khoa học công nghệ bền vững, nơi cả khu vực công và tư nhân đều có thể thu hút nhân tài, không chỉ trong lĩnh vực doanh nghiệp mà còn ở các cơ quan hành chính, viện nghiên cứu và trường đại học."

Với những thay đổi tích cực từ Nghị quyết 57, các doanh nghiệp, nhà khoa học và kỹ sư Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để cùng nhau chuyển mình, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển bền vững và hướng đến thu nhập cao trong tương lai.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: