LongFORM: Nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại toàn cầu và những hệ luỵ

MAI LAN - HUY PHONG - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 7/2/2025, 20:00

(HTV) - Những đòn “ăn miếng trả miếng” về thuế quan giữa Mỹ, Trung Quốc, Canada, Mexico làm dấy lên lo ngại sẽ nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại quy mô toàn cầu, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới.

Ngày 1/2/2025, Tổng thống Mỹ Trump ký lệnh áp mức thuế quan (thuế nhập khẩu) 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada, và bổ sung 10% thuế quan đối với hầu hết các danh mục hàng hóa Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 4/2.

Tổng thống Trump công bố 1 trong 3 sắc lệnh áp thuế quan đối với Canada, Mexico và Trung Quốc vào ngày 30/01/2025 tại Nhà Trắng. Nguồn ảnh: Elizabeth Frantz/Reuters

Lý do mà ông Trump đưa ra là nhằm lấy lại công bằng cho nước Mỹ, bởi vì, theo quan điểm của ông Trump, hầu như tất cả các nước trên thế giới đều trục lợi rất nhiều từ nước Mỹ, thông qua con đường xuất siêu vào nước Mỹ. Ông Trump nói rằng các biện pháp thuế quan của ông là nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước, đồng thời gây sức ép để 3 nước nói trên tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng buôn ma túy tổng hợp fentanyl và người nhập cư bất hợp pháp tràn vào nước Mỹ.

Tổng thống Mexico ngay lập tức ra lệnh áp dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan để đáp trả Mỹ, nhưng sau đó đã sớm nhượng bộ. Nguồn AP: Fernando Llano

Chỉ trong 48 giờ, quyết định áp thuế mạnh tay của ông Trump đã buộc Canada và Mexico nhượng bộ. Một ngày trước khi các mức thuế này có hiệu lực, ông Trump công bố hoãn áp dụng thuế quan đối với Canada và Mexico trong 30 ngày, sau khi hai nước này hứa giải quyết vấn đề ma túy và nhập cư.

Ngay sau khi lệnh tăng thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc có hiệu lực, Bắc Kinh đã ngay lập tức đáp trả. Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo nước này sẽ áp mức thuế 15% đối với than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số xe nhập khẩu của Mỹ, bắt đầu áp dụng từ ngày 10/02 tới. Ngoài ra, Trung Quốc còn tiến hành điều tra chống độc quyền đối với Google, đưa nhiều công ty Mỹ vào danh sách có thể bị trừng phạt và siết chặt xuất khẩu đất hiếm - nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghệ cao và quốc phòng.

Khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ là một trong những mặt hàng mà Trung Quốc sẽ áp thuế quan để trả đũa Mỹ, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/02/2025

Trong sắc lệnh áp thuế, Tổng thống Trump dọa sẽ tăng thuế thêm nữa nếu 3 nước nói trên có động thái đáp trả Mỹ. Trong quá trình tranh cử, ông cũng từng dọa sẽ áp mức thuế quan lên đến 60% đối với Trung Quốc.

Các động thái dồn dập nêu trên đã thổi bùng trở lại cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà ông Trump đã phát động trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông. Cuộc chiến này còn có nguy cơ lan rộng thành một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, vì Tổng thống Trump cũng đe dọa sẽ sớm áp dụng biện pháp tương tự với Liên minh châu Âu EU. Các nước đồng minh như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bị ông Trump dọa sẽ đánh thuế.

Canada, Mexico và Trung Quốc là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, chiếm khoảng 40% giá trị hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Tổng giá trị hàng hóa bị Tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu lần này là vào khoảng 1350 tỷ đôla Mỹ, tăng gần gấp 4 lần so với con số 350 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc trong cuộc thương chiến Mỹ – Trung lần 1, theo ước tính của Tax Foundation. Điều này cho thấy ông Trump đang mạnh tay hơn trong việc áp dụng ngón đòn thuế quan mà ông rất ưa thích.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G-20 ở Nhật, năm 2019. Năm nay, ông Trump tỏ vẻ sẵn sàng mạnh tay hơn trong cuộc thương chiến với Trung Quốc. Nguồn ảnh: AP Photo/Susan Walsh File

Đối với Trung Quốc, việc Mỹ tăng thêm 10% thuế quan (mà ông Trump đã áp dụng trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung lần thứ nhất và được giữ nguyên dưới thời Tổng thống Biden) sẽ gây thiệt hại lớn cho xuất khẩu của Trung Quốc.

Theo tờ báo kinh tế tài chính Bloomberg, sắc thuế của ông Trump sẽ làm giảm 40% lượng hàng Trung Quốc bán được sang Mỹ, đe dọa 0,9% GDP của Trung Quốc. Goldman Sachs Group Inc. ước tính động thái này của Mỹ cũng sẽ làm giảm tăng trưởng GDP của Trung Quốc khoảng 0,5 điểm phần trăm trong năm nay.

Trái cây Mexico nhập khẩu vào Mỹ. Thuế quan sẽ làm trái cây và rau quả Mexico tại Mỹ tăng giá.

Theo nhà chiến lược Jim Reid của Ngân hàng Deutsche Bank, nếu biện pháp thuế quan của Mỹ được áp dụng và kéo dài, Canada và Mexico nhiều khả năng sẽ sớm rơi vào suy thoái kinh tế, và sẽ hứng chịu cú sốc lớn. Bởi thực tế là, Canada và Mexico phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn là Mỹ phụ thuộc vào 2 nước này. Theo Council on Foreign Relations, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, Canada xuất khẩu đến 78% hàng hóa và dịch vụ của họ sang Mỹ, trong khi lượng hàng này chỉ chiếm 14% trong số các mặt hàng mà Mỹ nhập khẩu. Tương tự, Mexico xuất khẩu đến 80% hàng hóa của mình sang Mỹ, trong khi lượng hàng này chỉ chiếm 15% tổng số các mặt hàng mà Mỹ nhập khẩu.

Phản ứng với những lời đe dọa áp thuế quan của ông Trump, Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ không có bên nào thắng trong các cuộc chiến tranh thương mại. Trong cuộc thương chiến lần 1, Bắc Kinh đã áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ, trong đó có đậu nành và bắp. Động thái này cuối cùng khiến doanh thu xuất khẩu của nông dân Mỹ giảm ít nhất 10 tỷ đôla. Cuối cùng ông Trump đã phải cứu trợ nông dân. Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một nhóm nghiên cứu của Hoa Kỳ, kể từ đó đã tính toán rằng có tới 92% số tiền thu được từ thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã được chính phủ của ông Trump chi trả để cứu trợ cho nông dân Mỹ.

Một mẫu xe điện của hãng xe Mỹ Tesla. Giá xe Tesla tại Mỹ dự kiến cũng sẽ tăng do thuế quan nếu sử dụng phụ tùng từ Trung Quốc, và được sản xuất tại Trung Quốc và nhập khẩu vào Mỹ.

Mức thuế cao sẽ làm tăng giá hàng hóa, buộc các nhà nhập khẩu phải giảm lợi nhuận hoặc chuyển gánh nặng tăng giá lên vai người tiêu dùng. Theo một phân tích mới của Budget Lab, thuộc Đại học Yale, trung bình một hộ gia đình Mỹ sẽ mất một khoản thu nhập tương đương 1170USD. Giá bán một chiếc xe ô-tô tại Mỹ được dự báo cũng sẽ tăng thêm 3000 USD. Điều này có thể đi ngược lại những gì mà ông Trump đã hứa hẹn với cử tri Mỹ khi tranh cử: đó là ông sẽ kéo giảm giá cả hàng hóa và lạm phát. Ông Trump đã thừa nhận các biện pháp thuế quan sẽ gây đau đớn cho người dân Mỹ nhưng ông nói rằng đó chỉ là tạm thời, và người dân sẽ hiểu.

Hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo thuế quan mới sẽ làm giá cả hàng hóa ở Mỹ tăng, dẫn đến lạm phát tăng tạm thời.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ làm giảm mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đe dọa sự phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia

Một ngày sau khi Tổng thống Trump ký lệnh áp dụng thuế quan đối với 3 nước nói trên, thị trường chứng khoán từ châu Á, châu Âu và Mỹ đồng loạt giảm điểm mạnh.

Theo biên tập viên kinh tế Ed Conway của kênh truyền hình Sky News, hậu quả của chiến tranh thương mại toàn cầu về dài hạn là làm cho tất cả mọi người trở nên nghèo đi. Khi các nước trở nên nghèo đi, họ sẽ bực tức, dẫn đến chủ nghĩa dân tộc sẽ trỗi dậy mạnh mẽ. Đó chính là điều đã xảy ra trước những năm 1930, và rồi cuối cùng thế giới rơi vào cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là một con đường đáng sợ, và thế giới có thể đang ngả dần theo hướng đó.

Châu Âu với tư cách là một trong những đối tác thương mại quan trọng của cả Mỹ và Trung Quốc, đang lo ngại các chính sách thuế quan của ông Trump có thể gây ảnh hưởng lớn đến khu vực này. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang đối mặt với viễn cảnh hàng hóa từ Trung Quốc, một khi không thể vào Mỹ vì các rào cản thuế quan, sẽ tràn sang thị trường châu Âu. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi kinh tế châu Âu, nhất là Đức - quốc gia dẫn đầu khu vực, hiện đang trong giai đoạn suy yếu.

Qiu Buhui, giáo sư tại Đại học Sydney, cho biết động thái áp thuế của Trump "sẽ làm gia tăng sự bất ổn kinh tế chung trên thế giới". Buhui nhấn mạnh rằng thế giới có thể sẽ chứng kiến một loạt các cuộc chiến tranh thương mại và xung đột, dẫn đến bất ổn kinh tế.

Mạng lưới phức tạp của chuỗi cung ứng toàn cầu rất dễ bị tổn thương bởi sự gián đoạn do chiến tranh thương mại gây ra. Khoảng 50% hàng nhập khẩu và xuất khẩu của Mỹ bao gồm hàng hóa trung gian (phụ tùng, linh kiện, nguyên liệu). Con số này tăng lên 70% đối với Trung Quốc. Sự phụ thuộc vào hàng hóa trung gian có nghĩa là thuế quan sẽ có tác động ngay lập tức và lan tỏa đến chi phí sản xuất và khả năng cạnh tranh của các công ty và các quốc gia phụ thuộc vào hàng hóa trung gian nhập khẩu.

Chiến tranh thương mại đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Và những nước phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ví dụ, các công ty Mỹ như Tesla đã báo cáo chi phí tăng đáng kể do thuế quan đối với các phụ tùng được sản xuất tại Trung Quốc, lên tới 50 triệu đô la chi phí tăng thêm vào cuối năm 2018 (năm đầu tiên của thương chiến Mỹ - Trung lần 1). Khi các công ty nhập khẩu phải đối mặt với chi phí cao hơn, họ thường tăng giá, chuyển gánh nặng chi phí lên vai người tiêu dùng. Giá bán cao dẫn đến lợi nhuận và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế giảm.

Điều thú vị là trong thương chiến lần 1, trong khi Hoa Kỳ và Trung Quốc phải chịu thiệt hại do thương mại song phương giảm, các quốc gia khác đã tìm thấy cơ hội trong bối cảnh hỗn loạn. Nghiên cứu cho thấy thương mại toàn cầu tăng tổng thể khoảng 3% khi các quốc gia ngoài cuộc tận dụng sự thay đổi trong dòng chảy thương mại. Các quốc gia này thường được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mạnh mẽ hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài, cho phép họ tăng xuất khẩu sang cả Hoa Kỳ và các thị trường khác. Các quốc gia như Pháp đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong xuất khẩu của họ khi họ lấp đầy khoảng trống do thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc giảm.

Sau thương chiến lần 1, Trung Quốc đã nỗ lực mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, nhằm giảm bớt phụ thuộc vào các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu. Nhưng trên thực tế, hàng hóa Trung Quốc vẫn thường được chuyển qua các quốc gia thứ ba trước khi đến tay người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên Washington đã nhận ra cách thức lách thuế này và có khả năng sẽ ngày càng siết chặt các quy định thương mại trong tương lai, trong đó cả các nước thứ 3 cũng có thể bị Mỹ áp thuế quan nếu như ông Trump xem các nước đó là “cửa sau” cho hàng hóa xuất xứ Trung Quốc xâm nhập thị trường Mỹ. Câu chuyện Mexico là một ví dụ. Việc Tổng thống Trump tung đòn vào cả các đồng minh thân cận cho thấy không quốc gia nào có thể an toàn trước chính sách thuế quan của ông.

Sau thương chiến Mỹ - Trung lần 1, nhiều công ty Trung Quốc đầu tư vào Mexico nhằm né thuế quan của Mỹ và vẫn khai thác thị trường Mỹ. Với những tuyên bố của ông Trump, những nước như Mexico có thể bị ông Trump đưa vào tầm ngắm.

Video 2: Năm 2023, lần đầu tiên trong 20 năm qua, Mexico vượt qua Trung Quốc, trở thành nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào nước Mỹ. Một phần đáng kể trong đó là sản phẩm của các công ty Trung Quốc và nhiều nước khác muốn hưởng lợi từ chính sách miễn thuế giữa Mexico và Mỹ.

Các nhà lãnh đạo EU đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ đối với lưỡi gươm mang tên thuế quan Mỹ đang treo lơ lửng trên đầu. Họ cũng cảnh báo sẽ đáp trả nếu Mỹ áp thuế quan đối với khối này.

Kaja Kallas, chánh ủy viên chính sách đối ngoại của EU, cho biết không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại; và nếu Mỹ và Châu Âu bắt đầu một cuộc chiến thương mại, "thì Trung Quốc sẽ cười nhạo".

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói thêm rằng EU đủ mạnh để "đáp trả thuế quan Mỹ bằng thuế quan của EU". Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết các tuyên bố của Hoa Kỳ đang thúc đẩy Châu Âu "mạnh mẽ hơn và đoàn kết hơn".

Tổng thống Trump cáo buộc EU lợi dụng nước Mỹ, và sẽ sớm trở thành mục tiêu tiếp theo của đòn thuế quan của Mỹ. Ông Trump đặc biệt yêu thích biện pháp thuế quan, xem đây gần như là chiếc đũa thần trong giải quyết các bất đồng giữa Mỹ và các quốc gia khác

Tổng thống Donald Trump đã tập hợp xung quanh mình những chính khách được đánh giá là “diều hâu” nhất từ trước tới nay, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng có những nhà phân tích cho rằng những tuyên bố gây sốc của ông Trump, từ tăng mạnh thuế quan với Trung Quốc, Canada và Mexico, cho đến thúc đẩy Canada sáp nhập vào Mỹ, chỉ là những "đòn gió" của ông Trump, như một chiến thuật đàm phán để buộc đối phương phải nhượng bộ.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc đàm phán nhằm "đình chiến" trong cuộc thương chiến lần 1 năm 2018.

Dù đây có thể chỉ là một chiêu bài để gây sức ép trên bàn đàm phán, hay là thương chiến đang thực sự diễn ra, thì những diễn biến hiện tại vẫn khiến cả thế giới lo ngại về những hệ lụy khôn lường mà nó có thể gây ra cho nền kinh tế toàn cầu.

Với độ mở lớn, và mức độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam khó có thể "miễn nhiễm" hoàn toàn khỏi những ảnh hưởng từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung. Tình hình thực tế cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần có đối sách để tránh hết mức có thể những tác động dây chuyền đến từ cuộc đấu của những gã khổng lồ.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: