(HTV) - Trước xu hướng đô thị hóa nhanh chóng, hạ tầng giao thông quá tải và vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, mô hình Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (T.O.D) nổi lên như một giải pháp hiệu quả.
Đây là cách tiếp cận kết hợp phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống thông qua việc quy hoạch các khu đô thị gắn liền với hệ thống giao thông công cộng hiện đại.
Hệ thống Metro trị giá 23 tỷ USD tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út, mở cửa vào tháng 01/2025. Nguồn ảnh: RCRC
Hệ thống metro ngày càng phát triển rộng rãi tại nhiều đô thị lớn trên thế giới đã minh chứng được vai trò và tính hữu dụng của phương tiện này. Không chỉ là lựa chọn ưa thích của người dân, Metro còn góp phần thay đổi diện mạo đô thị và thúc đẩy phát triển du lịch.
Tại châu Á, không thể không kể đến mạng lưới tàu điện ngầm của thủ đô Riyadh, Ả Rập Xê-út. Hệ thống metro vô cùng hiện đại gồm 06 tuyến, 85 nhà ga, và kéo dài 176km, băng qua những cung đường phủ đầy cát tại xứ sở sa mạc này.
“Cấu trúc xã hội, công nghệ và cuộc sống thay đổi hàng ngày cho thấy nhu cầu sử dụng hệ thống Metro hiện đại là điều cần thiết. Tôi nghĩ rằng, phương tiện này sẽ mang lại nhiều đột phá cho nơi đây,” Kiến trúc sư Yesser Elseshtawy của Đại học Colombia, Mỹ, cho hay.
Hệ thống tàu Metro không người lái tại Riyadh mang lại trải nghiệm di chuyển thoải mái và tiện lợi cho hành khách. Nguồn ảnh: AFP
Theo cố vấn hệ thống hạ tầng số Masher Sheira, hệ thống Metro tại Riyadh đã giúp giảm 30% lưu lượng giao thông trên đường bộ. Mỗi ngày, Metro có thể chuyên chở tới 3,6 triệu lượt hành khách.
Còn tại Melbourne, Australia, hệ thống Metro của thành phố bao gồm 17 tuyến và 221 nhà ga trên 405km đường sắt, phục vụ gần 100 triệu hành khách.
Tàu Metro tại quảng trường Nollendorfplatz ở Berlin, Đức. Nguồn ảnh: Colourbox
Thủ đô Berlin của Đức cũng sở hữu hệ thống Metro phát triển bậc nhất thế giới với tàu điện ngầm và các tàu điện chạy trên đường phố. Các chuyến tàu được bố trí xen kẽ nhau và sơn màu khác biệt để hành khách dễ phân biệt; mật độ các trạm dừng cũng dày hơn, giống như những điểm dừng của xe buýt.
Trước xu hướng đô thị hóa nhanh chóng, hạ tầng giao thông quá tải và vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, việc triển khai các phương tiện công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thực sự là một nhu cầu cấp thiết.
Masher Sheira - Cố vấn hệ thống hạ tầng số cho biết: “Hệ thống Metro Riyadh đã giúp giảm 30% lưu lượng giao thông trên đường bộ, mỗi ngày có thể chuyên chở tới 3,6 triệu lượt hành khách. Đây là nỗ lực trong quá trình chuyển đổi xanh, hướng người dân sử dụng phương tiện công cộng thay cho ô tô cá nhân để bảo vệ môi trường.”
Jo Haylen - Bộ trưởng Giao thông Australia chia sẻ: “Hệ thống Metro là lựa chọn tuyệt vời cho việc di chuyển trong nội đô đông đúc, với các ga dừng tại tất cả các địa điểm quan trọng và điểm thu hút du khách.”
Khách du lịch cho biết: “Hệ thống Metro giúp tôi đi lại và mua sắm rất thuận tiện, nó dừng ở hầu hết các trung tâm thương mại nổi tiếng.”
Ngoài ra, nhiều đô thị lớn tại châu Á như Bangkok, Singapore, Tokyo,… từ lâu đã ưu tiên phát triển tàu điện ngầm. Sự tiện lợi, hiện đại và thân thiện với môi trường là các yếu tố giúp Metro trở thành lựa chọn giao thông lý tưởng ở các thành phố lớn.
Bangkok - Thủ đô đông đúc của Thái Lan, đang nỗ lực triển khai mô hình Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (T.O.D) nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Theo Văn phòng Chính sách, Kế hoạch Giao thông và Vận tải Thái Lan, kế hoạch tổng thể về T.O.D của Bangkok đã xác định 177 nhà ga đường sắt có tiềm năng phát triển.
Thiết kế ga Makkasan ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Nguồn ảnh: Studio Axis
Ví dụ điển hình là dự án Makkasan Smart City, nơi chính phủ Thái Lan đang xem xét biến khu vực quanh ga Makkasan thành một thành phố thông minh, tích hợp nhà ở, không gian sống và kết nối giao thông công cộng hiện đại. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng vẫn là một rào cản lớn trong việc triển khai mô hình này.
Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng
Đặc biệt, Bangkok cần giải quyết thói quen sử dụng xe máy và ô tô của người dân. Do người dân vẫn phải phụ thuộc nhiều vào các phương tiện cá nhân, công tác khuyến khích mọi người chuyển sang sử dụng giao thông công cộng sẽ cần các chính sách như giảm giá vé, cải thiện chất lượng dịch vụ, và xây dựng nhiều khu vực sống tiện nghi quanh các nhà ga.
Khi kẹt xe đã trở thành câu chuyện quen thuộc hàng ngày, người dân không có cách nào khác ngoài việc “thích nghi” với chúng. Điều đáng nói là tình trạng này ngày trở nên phổ biến và trầm trọng hơn tại nhiều đô thị ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, để thoát khỏi vấn nạn này, Bangkok, thủ đô đông đúc của Thái Lan, đang nỗ lực triển khai mô hình Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (T.O.D).
Đầu tháng 12/1999, Hệ thống Giao thông Công cộng Bangkok (BTS), hay còn gọi là Skytrain, được công chúa Maha Chakri Sirindhorn khai trương.
Tổng chi phí của dự án khoảng 55,5 tỷ baht (hay khoảng 40.735 tỷ đồng), gồm 02 tuyến là Sukhumvit và Silom với 61 nhà ga, tổng chiều dài hơn 68km.
Hệ thống Skytrain có 52 đoàn tàu, phục vụ trung bình gần 750.000 lượt khách mỗi ngày. Trong giai đoạn đầu, lượng hành khách sử dụng hệ thống tàu điện thấp hơn nhiều so với dự kiến, chỉ đạt 105.000 lượt khách mỗi ngày, khiến doanh thu chỉ đủ trang trải chi phí vận hành. Tuy nhiên, số lượng hành khách ngày càng tăng khi người dân Bangkok nhận ra lợi ích của nó.
Còn tại Singapore, T.O.D không chỉ là chiến lược mà còn là nền tảng trong việc quy hoạch đô thị, giúp biến thành phố này trở thành một mô hình sống bền vững và kết nối chặt chẽ.
Các cộng đồng với nhiều dịch vụ, tiện lợi tích hợp
Từ những năm 1960, chính phủ Singapore đã bắt đầu triển khai các kế hoạch quy hoạch tổng thể, tập trung vào việc sử dụng đất hiệu quả, đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại. Các khu vực xung quanh những ga Metro tại Singapore được quy hoạch với mật độ cao, kết hợp giữa nhà ở, văn phòng, và dịch vụ thương mại.
Thiết kế thông minh này đã tạo ra nhiều cộng đồng, nơi mà người dân có thể tiếp cận mọi tiện ích trong khoảng cách đi bộ, giảm thiểu việc phụ thuộc vào phương tiện cá nhân, qua đó giảm ô nhiễm và ùn tắc giao thông.
Hệ thống tàu điện ngầm MRT của Singapore là cách dễ dàng và nhanh nhất để di chuyển trong thành phố. Nguồn ảnh: Getty Images
Các thành phố vệ tinh kết nối với trung tâm bằng Metro
Ngoài việc phát triển quanh các ga Metro, Singapore còn xây dựng các thành phố vệ tinh như Woodlands, Tampines và Jurong East. Những khu vực này được kết nối với trung tâm thành phố bằng hệ thống Metro hiện đại, giúp giảm tải áp lực dân số và hạ tầng cho trung tâm. Đồng thời, các thành phố vệ tinh cũng thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo môi trường sống và làm việc chất lượng.
Nhờ chiến lược T.O.D, Singapore đã xây dựng một hệ thống đô thị hiện đại, tiện nghi và bền vững, trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia. Mô hình này không chỉ giải quyết các vấn đề đô thị hóa mà còn mở ra hướng đi mới cho phát triển bền vững trong tương lai.
Với mạng lưới đường sắt dày đặc bậc nhất thế giới, Tokyo phục vụ hơn 70% dân số vùng đô thị bằng giao thông công cộng mỗi ngày.
Người Nhật sử dụng hệ thống tàu điện ngầm Tokyo Metro ở trung tâm Tokyo, ngày 21/10/2024. Nguồn ảnh: AFP
Các khu vực dân cư với các dịch vụ, tiện ích tích hợp
Các khu vực xung quanh nhà ga ở Tokyo được quy hoạch với mật độ cao, tích hợp giữa nhà ở, văn phòng và các dịch vụ thương mại. Điều này tạo ra môi trường sống thuận tiện, nơi cư dân có thể dễ dàng tiếp cận các tiện ích và dịch vụ chỉ với vài bước chân, theo đó tránh phụ thuộc vào phương tiện cá nhân và khuyến khích lối sống lành mạnh.
Nhờ mật độ cao và tích hợp đa dạng chức năng, các khu vực T.O.D ở Tokyo trở nên sôi động với các trung tâm thương mại, nhà hàng, và khu vui chơi giải trí. Các khu vực như Shibuya hay Ikebukuro không chỉ là những trung tâm giao thông mà còn là biểu tượng của sự phát triển hiện đại. Tại đây, người dân có thể dễ dàng tìm thấy những trung tâm mua sắm, nhà hàng, và khu vui chơi giải trí ngay gần nhà ga.
Phát triển các thành phố vệ tinh kết hợp nối với khu trung tâm
Bên cạnh đó, Tokyo, siêu đô thị đông đúc bậc nhất thế giới, đã thành công trong việc phát triển các thành phố vệ tinh như Yokohama, Saitama, Chiba, Kawasaki và Hachioji, kết nối chặt chẽ với trung tâm thông qua hệ thống đường sắt đô thị hiện đại.
Cư dân tại các khu vực vệ tinh chỉ mất khoảng 30 đến 40 phút để di chuyển vào trung tâm Tokyo. Những thành phố này không chỉ giảm áp lực dân số và hạ tầng cho trung tâm mà còn phát triển mạnh mẽ thành các trung tâm kinh tế và văn hóa độc lập.
Nhiều đô thị lớn trên toàn thế giới từ lâu đã ưu tiên phát triển tàu điện ngầm. Sự tiện lợi, hiện đại và thân thiện với môi trường là các yếu tố giúp Metro trở thành lựa chọn giao thông lý tưởng ở các thành phố lớn.
Trong đó, hệ thống tàu điện ngầm ở Luân Đôn, Anh, là hệ thống giao thông lâu đời nhất cùng loại trên thế giới, mở cửa vào ngày 10/01/1863 với đầu máy hơi nước. Ngày nay, Luân Đôn có mạng lưới tàu điện ngầm dài 408km, có thể đưa bạn đến bất kỳ nơi nào trong thành phố.
Hệ thống U-Bahn của Berlin, Đức đi với tốc độ 72 km/giờ, có 175 nhà ga và gần 150km đường ray. Mạng lưới được mở vào năm 1902, và đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.
Năm 1927, Tokyo mở tuyến tàu điện ngầm đầu tiên. Kể từ đó, mạng lưới đã phát triển lên 13 tuyến trên hai hệ thống kết nối với nhau, phần lớn hoạt động như một.
Trong khi đó, hệ thống Mass Rapid Transit (MRT) của Singapore bắt đầu hoạt động vào ngày 07/11/1987 với chỉ 05 nhà ga. Ngày nay, hơn 140 trạm trên sáu tuyến MRT trải dài khắp đảo. Hệ thống 200km này có hơn ba triệu lượt hành khách mỗi ngày.
Còn tại Việt Nam, mô hình T.O.D cũng đang được triển khai, đặc biệt là tại TP.HCM. Hiện thành phố đang quy hoạch, xây dựng 10 khu đô thị quanh các nhà ga tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành từ ngày 22/12/2024. Nguồn ảnh: VN Express
Theo các chuyên gia, hạ tầng giao thông đồng bộ với các đô thị quanh tuyến Metro số 1 sẽ giúp thành phố giảm kẹt xe, tạo môi trường sống tiện nghi cho người dân
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9