(HTV) - Những diễn biến phức tạp tại Trung Đông năm 2024 đã tác động sâu rộng đến chính trị toàn cầu. Để hiểu hơn về những nội dung này, mời quý vị theo dõi phần trao đổi của BTV Đồng Linh và một vị khách mời đặc biệt của chương trình Thế giới 2024.
Giải mã “điểm nóng” Trung Đông: Phân tích từ Đại sứ Bùi Thế Giang
Đại sứ Bùi Thế Giang - nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, đã có 41 năm công tác trong lĩnh vực đối ngoại, và từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như Vụ trưởng vụ quốc tế Nhân dân; Đại sứ, Phó Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.
BTV Đồng Linh trao đổi cùng Đại sứ Bùi Thế Giang tại chương trình Thế giới 2024
Khu vực Trung Đông từ lâu đã tồn tại nhiều mâu thuẫn, từ chính trị cho đến tôn giáo, sắc tộc, xảy ra trong mỗi quốc gia và giữa các nước với nhau. Nhưng trong năm 2024, có thể nói những căng thẳng đó đã leo thang thành các cuộc xung đột vũ trang lan tràn khắp khu vực, như ở Dải Gaza, Liban, Yemen, Iran và Syria.
Thưa Đại sứ, liên hệ đến những diễn biến gần đây tại khu vực Trung Đông, ông có nhận xét gì về vai trò của các nước trong khu vực và của các nước lớn ngoài khu vực, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, trong việc giải quyết các căng thẳng hiện nay ở Trung Đông?
Nói về tình hình Trung Đông, thực ra không phải năm nay, năm 2024, mới bùng phát. Vụ Hamas tấn công vào Israel là từ ngày 7 tháng 10 năm ngoái. Từ đó, Trung Đông trở thành một điểm nóng, có thể nói là nóng hơn bao giờ hết. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thậm chí còn nhận định rằng có nguy cơ bùng phát, lan rộng trở thành Chiến tranh thế giới thứ ba. Tuy nhiên nếu để hiểu về tình hình Trung Đông và vai trò của các nước trong khu vực, vai trò của các nước lớn, tôi nghĩ chúng ta nên nhìn xa hơn một chút về mặt lịch sử.
Tôi nghĩ rằng cả khu vực Trung Đông, đặc biệt vấn đề giữa hai cụm lớn là cụm Ả Rập, các nước trong thế giới Ả Rập với Israel, bắt nguồn từ nhiều vấn đề từ sắc tộc, từ lịch sử, tôn giáo đến văn hóa. Ví dụ như trường hợp của Syria, điểm nóng trong mấy ngày vừa qua, người ta còn nói đến yếu tố địa lý. Tôi nghĩ còn ba nước cực kỳ quan trọng trong khu vực, một là Israel, hai là Iran và ba là Thổ Nhĩ Kỳ. Ba nước ấy đều là ba nước có vị thế, tiếng nói, sức mạnh, tham vọng và ảnh hưởng trong khu vực và vì thế các nước trong khu vực luôn tồn tại những vấn đề với nhau và trong từng quốc gia cũng như vậy.
Điểm nóng Trung Đông chưa bao giờ hạ nhiệt
Ngoài ra, tôi xin nói thêm là cần nhắc đến cả các tổ chức quốc tế, bởi vì nếu không có việc Liên Hợp Quốc phân chia lãnh thổ không công bằng giữa Israel và Palestine năm 1947 thì sẽ không dẫn đến cuộc chiến năm 1948. Tôi hình dung là ba cuộc chiến lớn từ năm 1948 đến nay giữa Palestine với Israel thì cứ mỗi lần xảy ra cuộc chiến thì một lần Israel lại lấn thêm và Palestine lại mất thêm lãnh thổ và bây giờ có dải Gaza bờ Tây mà ra vào lại đều do Israel kiểm soát. Vì thế vai trò của Liên Hợp Quốc rất quan trọng. Chúng ta biết vừa cách đây ít ngày, Đại Hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu về chấm dứt ngay lập tức, vĩnh viễn, không điều kiện cuộc chiến giữa Israel và Hamas, đồng thời yêu cầu vãn hồi hòa bình. Đây là nghị quyết rất quan trọng của Liên Hợp Quốc nhưng chúng ta đều biết trong một năm, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ra hàng trăm nghị quyết nhưng không có nghị quyết có giá trị ràng buộc về pháp lý, chỉ có ý nghĩa về chính trị. Còn ngoài ra, ai cũng biết Mỹ là nước đứng sau Israel, điều này Mỹ không hề giấu diếm. Nga, như chúng ta vừa đề cập, có vai trò rất lớn ở Syria. Còn một nước khác mà tôi muốn nhắc đến, nhưng ít được chú ý, đó là Trung Quốc. Nếu nhìn thoáng qua như vậy, Trung Đông là một khu vực mà khái niệm "lời nguyền địa lý" được một tác giả đề cập dường như rất phù hợp.
Vai trò của tổ chức Liên Hợp Quốc đối với căng thẳng hiện nay ở Trung Đông
Thưa Đại sứ, với những dự báo về điều chỉnh chính sách chiến lược của chính quyền Trump nhiệm kỳ hai. Ví dụ như các chính sách về nhập cư, kinh tế - thuế quan thì khả năng là các điều chỉnh này sẽ có tác động đến tình hình thế giới và khu vực. Ông nhận định như thế nào về những thay đổi chính sách này của Mỹ và khu vực Đông Nam Á cũng như Việt Nam sẽ có tác động như thế nào?
Chuyện số một, ông Trump vẫn là ông Trump, tuổi thì có hơn 4 tuổi so với trước đây. Nhưng tư duy của ông ấy về đối nội, về đối ngoại, về tổ chức bộ máy, về vận hành chính quyền vẫn là trên nền của một ông Trump đại doanh nghiệp, một ông tỷ phú. Thể hiện bằng việc ông ấy nói đi nói lại, nhất là khi nói đến chuyện làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, đòi lại việc làm, thu nhập cho nước Mỹ, đòi lại công bằng cho người dân Mỹ .
Lý thú ở chỗ, ông ấy nói như vậy nhưng cách làm của ông ấy là gì trong những ngày vừa qua, ông ấy đều nói rằng: “thuế quan” là từ mà tôi yêu thích nhất, là sẽ đánh thuế 60 phần trăm tối thiểu đối với các hàng hóa của Trung Quốc, sẽ đánh thuế 20 phần trăm trở lên với hàng hóa của các nước khác. Nhắm Trung Quốc là bởi vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong nhiều năm nay và lại là nơi Mỹ bị thâm hụt thương mại lớn nhất. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, tư duy đại doanh nghiệp, tỷ phú của ông Trump có thể thấy ở việc khi giành lại quyền lợi, công bằng và việc làm cho người Mỹ, ông Trump sẵn sàng đánh đổi bất kỳ một ai nếu điều đó mang lại lợi ích.
Trong mắt ông Donald Trump, Việt Nam như thế nào?
Đối với những tác động với khu vực và Việt Nam, chúng ta nên căn cứ vào những phát ngôn của ông ấy trong quá trình vận động tranh cử vừa rồi. Ông ấy không đặt Đông Nam Á vào vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Chúng ta lại phải nhớ một điều rằng tháng 11 năm ngoái, Mỹ và ASEAN đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện và trong bản thân chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do rộng mở mà chính quyền Trump 1.0 đẻ ra thì ASEAN lại giữ vị trí ưu tiên cho nên chúng ta thấy có một mâu thuẫn ở đây. Nếu chỉ dựa vào tuyên bố tranh cử của ông Trump rằng ASEAN không giữ vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump sắp tới thì trong thực tế ASEAN đã đương nhiên là một phần quan trọng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy thế, ưu tiên không đồng nghĩa với việc là mọi thứ sẽ tốt hơn cho nên phải cẩn thận.
Còn với Việt Nam thì tôi nghĩ ông Trump là một người cũng có cảm tỉnh với Việt Nam đấy chứ. Như ta có thể thấy, nhiệm kỳ đầu, ông sang Việt Nam đến hai lần cơ mà. Và đặc biệt năm 2019, khi mà ông ấy gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Việt Nam, sự lựa chọn này không phải ngẫu nhiên. Rõ ràng ông ông Trump phải đặt một niềm tin, đặt một sự đánh giá cao với Việt Nam thì ông mới làm chuyện đó. Tuy nhiên, về bản chất ông Trump vẫn mang tư duy của một nhà doanh nghiệp lớn cho nên yếu tố kinh tế thương mại sẽ tiếp tục chiếm vị trí quan trọng trong tư duy, trong cách tiếp cận và trong cách hành xử của ông ấy với Việt Nam. Vào cuối nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Việt Nam đã được đưa vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ. 4 năm trong chính quyền Tổng thống Joe Biden, chúng ta đã được đưa ra khỏi danh sách. Nhưng tôi nghĩ, nếu ông Trump quay trở lại thì khả năng Việt Nam được cân nhắc đưa trở lại vào danh sách là không thấp.
Cuộc xung đột Nga - Ucraina là một trong những chủ đề gây tranh luận trong nội bộ nước Mỹ. Trong năm qua, trong khi chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden hỗ trợ hết mình cho Ucraina từ tài chính đến vũ khí hiện đại thì Tổng thống đắc cử Donald Trump lại có quan điểm khác. Ông Trump nhiều lần lên tiếng phản đối việc tăng viện trợ cho Ucraina, đồng thời tuyên bố các bên nên đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Thưa Đại sứ, ông nhận định như thế nào về khả năng Nga và Ucraina ngồi vào bàn đàm phán?
Cuộc chiến Nga - Ucraina là câu chuyện thu hút sự quan tâm của cả thế giới này, đơn giản là vì: thứ nhất, nước Nga không phải là nước nhỏ; thứ hai, đây là cuộc chiến xảy ra giữa lòng Châu Âu. Trong 7-8 chục năm qua là hòa bình và ai cũng nghĩ rằng là chỗ đấy là chỗ yên ổn, vậy mà đùng một cái chiến tranh nổ ra gần 3 năm rồi. Và tôi nghĩ rằng là riêng về sinh mạng thì con số khác nhau lắm. Nhưng mà nếu mà theo thống kê của Nga thì tôi nhớ không nhầm thì có lẽ đến gần một nửa triệu quân của Ucraina đã chết. Tôi xin nói là trong trong chiến tranh thì công tác thống kê, ai cũng thống kê mình bị thiệt hại ít nhất và đối phương bị thiệt hại nhiều nhất cho nên tôi không khẳng định con số vừa rồi. Tuy nhiên tôi đã nói rằng sự thiệt hại cả về con người và vật chất không phải chỉ có Ucraina chịu đâu, của Nga cũng rất lớn.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Putin đã phải ra hai lệnh động viên cục bộ.
Tôi nghĩ rằng không có cuộc chiến tranh nào kéo dài mãi mãi được và thường các cuộc chiến tranh phải kết thúc bằng đàm phán. Tuy nhiên, người ta chỉ ngồi đàm phán với nhau khi mà ít nhất một trong hai bên thấy khó có thể tiếp tục cuộc chiến. Giữa Nga và Ucraina, tôi nhớ là chỉ có 4 ngày từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 là hai bên đã ngồi với nhau rồi. Và từ tháng 2 ấy, tức là 4 ngày sau khi cuộc chiến bùng phát, cho đến tháng 5 thôi thì đã có đến bốn lần hai nước ngồi với nhau mà không xong. Đến Hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ, những tưởng là sẽ có kết quả, nhưng mà Nga không được mời cho nên là bắt tay mà chỉ có một tay thì làm sao mà bắt được, và vì vậy thì cũng không có kết quả gì cả.
Vẫn chưa có hồi kết cho cuộc xung đột Nga - Ucraina
Vì Biên tập viên Đồng Linh vừa nói với tôi về chuyện đảm phán trong bối cảnh của việc chính quyền ông Trump lên và được hiểu là sẽ làm khác với ông Biden, ông Trump còn có một tuyên bố rất gây sốc với thế giới rằng trong vòng 24 tiếng đồng hồ sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ucraina. Nhưng tôi lại xin nói, ông Trump chưa bao giờ nói về điều kiện để thực hiện việc đó.
Còn từ lúc ông ấy đắc cử đến hôm nay, ông ấy đã có nhiều tuyên bố khác, đưa ra nhiều chủ trương khác, cử đặc phái viên của mình đi chỗ này chỗ kia, ông cũng đã gặp ông Zelensky. Tôi nghĩ rằng, Nga và Ucraina sẽ phải ngồi với nhau và đàm phán. Nhưng cho đến ngày hôm nay, yếu tố bên ngoài giữa hai nước Nga và Ucraina, hai nước trực tiếp tham chiến, cũng đóng vai trò rất quan trọng. Bên phía Ucraina thì chúng ta thấy có Mỹ, các nước phương Tây, các nước châu Âu. Bên phía Nga đừng tưởng là chỉ có Nga một mình. Mặc dù nói rằng không đứng bên nào cả nhưng mà Trung Quốc thực ra là cũng hỗ trợ Nga đấy chứ.
Mặc dù Trung Quốc nói rõ rằng chỉ hỗ trợ dân sự, chứ không có hỗ trợ bất kỳ hình thức và phương tiện nào mang tính hỗ trợ trực tiếp chiến tranh. Nhưng đó là chưa kể, hàng tháng nay rồi, cả thế giới này, kể cả Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, đều nói về sự hiện diện của binh lính Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tham gia cùng với Nga trong cuộc chiến. Đấy là chưa kể các lực lượng mà báo chí nước ngoài gọi là lính đánh thuê, được cả Ucraina và Nga sử dụng. Thế thì tôi đang nói về yếu tố quốc tế và vai trò của yếu tố quốc tế trong quan hệ giữa Nga và Ucraina để nói rằng không phải hai nước muốn ngồi với nhau mà đã ngồi được. Ấy là chưa kể một chuyện là Nga, Tổng thống Putin thì nói rất rõ: muốn ngồi đàm phán thì Ucraina phải công nhận những vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm cho đến ngày hôm nay, và hai là không được vào NATO. Còn Ucraina thì nói rất rõ là phải trả lại những vùng lãnh thổ đã bị chiếm, kể cả Crimea, và thứ hai là phải có sự bảo đảm của NATO về an ninh cho Ucraina. Hai bên như mặt trăng, mặt trời với nhau làm sao mà có thể hòa giải được. Thế giới cũng đang mệt mỏi với cuộc chiến tranh này rồi. Mất mát quá nhiều cho chiến tranh rồi, cho nên rất có thể là ông Zelensky sẽ chấp nhận tạm thời gác lại vấn đề các vùng lãnh thổ đã mất. Gác lại ở đây không có nghĩa là bỏ, không có nghĩa là để cho Nga chiếm, như ông Zelensky mới trả lời phóng viên cách đây mấy ngày.
Với tình hình này, tôi xin nói rằng đấy là những yếu tố hết sức khó lường. Tôi nghĩ rằng chúng ta và cả tôi rất mong hai bên đàm phán với nhau để chấm dứt cuộc chiến gọi là "huynh đệ tương tàn" cũng không sai vì hai nước vốn cùng một cha là Liên Xô. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đặt mong muốn đó trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế, của Hiến chương Liên Hợp Quốc, đặt nó dựa trên nguyên tắc là phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9