(HTV) - Sự trở lại của ông Donald Trump - người sẽ trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ, báo hiệu việc chính quyền nước này sẽ đẩy mạnh chính sách kinh tế, đặc biệt là thuế quan.
Tân Tổng thống Mỹ hứa hẹn sẽ chấm dứt "cơn ác mộng lạm phát" và đưa giá cả xuống "rất nhanh". Đây là mối quan tâm lớn nhất của phần lớn cử tri Mỹ trong bối cảnh lạm phát kéo dài.
Trong nhiều thập kỷ, người Mỹ gốc Latinh phần lớn ủng hộ đảng Dân chủ. Thế nhưng, tỷ lệ ủng hộ của họ đối với ông Trump năm nay lại là cao nhất, đối với một ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa kể từ những năm 1970. Với lời hứa sẽ bảo vệ người lao động khỏi sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu và đưa ra nhiều đề xuất cắt giảm thuế, ông Trump ngày càng lấy được lòng những cử tri thuộc tầng lớp lao động và người Mỹ không phải da trắng.
Tỷ lệ người gốc Latinh ủng hộ ông Trump tăng 14% so với năm 2020. Nguồn ảnh: Reuters
Theo một cuộc thăm dò ý kiến cử tri của Cơ quan khảo sát Edison Research, số người tự nhận là người gốc Latinh ủng hộ ông Trump đã tăng 14 phần trăm so với năm 2020.
Tại tiểu bang biên giới Arizona, nơi an ninh và nhập cư bất hợp pháp là một trong những vấn đề chính đối với cử tri cùng với sự ổn định kinh tế, chiến thắng của ông Trump khiến những người như bà Martha Llamar vui mừng. Bà là một thành viên tích cực của liên minh Người Mỹ gốc Latinh ủng hộ ông Trump.
Câu chuyện cử tri Mỹ gốc Latinh ủng hộ ông Trump
Lúc này, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp ở Châu Âu và Châu Á đang đánh giá các tác động có thể xảy ra khi ông Trump thực hiện các chính sách kinh tế đã cam kết trong chiến dịch tranh cử, đáng chú ý nhất là việc tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa tất cả các nước.
Ông Trump ca ngợi “thuế quan là từ đẹp nhất trong từ điển” tại sự kiện ở Chicago vào tháng 10/2024. Nguồn ảnh: Yahoo
Trong một bài phát biểu tại Chicago vào tháng 10/2024, ông Donald Trump đã ca ngợi “thuế quan” là “từ đẹp nhất trong từ điển”. Phát ngôn này phản ánh cam kết bảo hộ kinh tế của ông, với dự đoán chính quyền mới sẽ áp thuế 10% đối với nhiều sản phẩm và ít nhất 60% với hàng hóa Trung Quốc. Mục tiêu là thúc đẩy sản xuất nội địa, nhưng chính sách này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ mà còn định hình lại thương mại toàn cầu.
Ông Trump tin rằng thuế quan sẽ hồi sinh ngành sản xuất tại Mỹ, nhưng một số nhà kinh tế đánh giá thực tế có thể không như vậy. Họ cho rằng, nhiều nhà sản xuất có thể sẽ chuyển dây chuyền sang các quốc gia khác, thay vì quay về Mỹ.
Về phía Lục địa già, Liên minh Châu Âu EU được dự báo sẽ gặp khó khăn lớn nếu ông Trump tiếp tục chính sách bảo hộ mạnh tay. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã chỉ trích EU không mua đủ hàng hóa Mỹ và cảnh báo khối này sẽ phải “trả giá đắt”.
Chuyên gia kinh tế Ngân hàng ING Carsten Brzeski cho rằng EU chưa có chiến lược rõ ràng để đối phó với chính sách thương mại khó lường từ Mỹ. Nguồn ảnh: Reuters
Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, GDP của EU có thể giảm 0,5%. Các ngành như ô tô và hóa chất, vốn phụ thuộc vào thương mại với Mỹ, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Đáng lo hơn, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng ING Carsten Brzeski cho rằng EU chưa có chiến lược rõ ràng để đối phó với chính sách thương mại khó lường từ Mỹ.
Châu Âu khó xử trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Bà cho rằng dù nhìn nhận theo cách nào, Châu Âu vẫn cần mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc so với mối quan hệ sắp tới mà Washington đang tính toán với Bắc Kinh.
Các quốc gia Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đã chuẩn bị tốt hơn so với khi họ ở nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump. Tuy nhiên, mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn có thể khiến GDP nước này giảm 0,68%, theo dự báo từ trường Kinh tế London. Các quốc gia như Ấn Độ và Indonesia cũng chịu tác động nhỏ, nhưng nhìn chung, khu vực này đang thích nghi nhanh chóng bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm phụ thuộc vào Mỹ.
Một hệ quả quan trọng khác từ chính sách thuế quan mới của Mỹ là lạm phát. Đồng đôla mạnh hơn, giá hàng nhập khẩu cao hơn và việc hạn chế lao động nhập cư đều làm gia tăng chi phí sản xuất. Điều này khiến giá cả leo thang không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn cầu, khi các nước khác đáp trả bằng thuế quan tương tự.
Fed có thể kết thúc chu kỳ nới lỏng lãi suất nếu các chính sách tài khóa mới tạo thêm áp lực lên giá cả. Nguồn ảnh: Reuters
Tại Mỹ, sự gia tăng lạm phát có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Fed phải áp dụng các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ. Mặc dù Fed vừa hạ lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng chu kỳ nới lỏng này có thể sẽ kết thúc nếu các chính sách tài khóa mới tạo thêm áp lực lên giá cả.
Ngoài ra, vào năm 2025, có khả năng sẽ xảy ra mâu thuẫn giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell về chính sách tiền tệ, phụ thuộc vào diễn biến kinh tế lúc đó.
Căng thẳng giữa ông Trump và chủ tịch Fed
Chính sách thuế quan của Donald Trump tạo ra lợi ích nhất định cho kinh tế Mỹ, nhưng cái giá phải trả là sự bất ổn cho thương mại toàn cầu. Mỹ sẽ trải qua thời kỳ lạm phát và mức tăng trưởng cao hơn, còn các nước khác sẽ chứng kiến lạm phát và sản lượng kinh tế suy giảm. Các nền kinh tế lớn như EU và Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức, trong khi các chuỗi cung ứng hiện tại đứng trước nguy cơ bị phá vỡ.
Trong bối cảnh này, thế giới cần chuẩn bị cho một giai đoạn biến động mạnh mẽ, khi các chính sách bảo hộ kinh tế của Mỹ tiếp tục tác động sâu rộng đến thị trường toàn cầu.
Chính sách thuế quan của ông Trump tạo ra lợi ích nhất định cho kinh tế Mỹ, nhưng có thể gây bất ổn cho thương mại toàn cầu. Nguồn ảnh: Reuters
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9