(HTV) - Sáng nay, Bộ Công Thương phối hợp Tập đoàn Messe Frankfurt, Đức tổ chức Triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt may Việt Nam 2024 (VIATT 2024) tại TP.HCM. Đến dự lễ khai mạc có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng.
Hiện nay, trong các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu, dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao, chiếm 12 - 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điểm nổi bật của ngành trong năm qua là bứt phá về thị trường, trong đó Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc và khối EU.
\
Một số sản phẩm trưng bày
Triển lãm kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia kết nối giao thương với các doanh nghiệp quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất của các hãng dệt may toàn cầu, hình thành liên kết xuyên suốt chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên, phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng. Đồng thời khuyến khích các thương hiệu lớn chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý và tham gia vào quá trình phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu hình thành chuỗi cung ứng trong nước.
Bước sang năm 2024, tín hiệu thị trường dệt may đã có tín hiệu khởi sắc so với năm 2023. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đang gặp một số khó khăn trong bối cảnh địa chính trị và thương mại quốc tế có nhiều biến động, mức tồn kho cao, nhu cầu hàng hóa nói chung, sản phẩm dệt may nói riêng sụt giảm, chi phí nguyên, nhiên vật liệu tăng cao.
Thứ trưởng Bộ công thương Phan Thị Thắng cho biết, để khắc phục những khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, chủ động tìm kiếm, tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương
Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: "Tính đến ngày 15/02/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 4,9 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Có thể thấy tín hiệu thị trường dệt may đã khởi sắc so với năm 2023. Hiện đồng loạt các nhà máy đã mở máy khai xuân đầu năm với tỉ lệ người lao động quay trở lại làm việc cao. Ngành dệt may phấn đấu trong năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023. Để đạt được các mục tiêu đến năm 2030, ngành dệt may Việt Nam cần thay đổi tầm nhìn, chiến lược, tập trung phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh quy mô lớn, đầu tư thiết bị hiện đại, chuyển đổi số, sản xuất xanh theo hướng vền vững".
Triển lãm diễn ra đến ngày 01/03/2024 tại SECC, Quận 7, TP.HCM
Cùng với hoạt động kết nối giao thương, hơn 14 hội thảo chuyên đề cũng sẽ được tổ chức để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may tiếp cận xu hướng, chiến lược tiếp cận thị trường, công nghệ dệt và vải không dệt, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Triển lãm diễn ra đến ngày 01/03/2024 tại SECC, Quận 7, TP.HCM.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9