Sáng sớm trong một ngôi chùa tại Yangon, hàng chục con rắn bị bắt về từ nhà dân được một nhóm tình nguyện viên bỏ vào bao tải, trước khi đưa chúng ra ngoại ô để thả về môi trường sống tự nhiên. Đây là đơn vị duy nhất thực hiện công việc này ở Myanmar.
Shwe Lei và nhóm của cô thường xuyên được gọi đến khi người ta phát hiện có trăn hay rắn trong nhà. Nhóm này có hơn chục thành viên và năm ngoái đã giải cứu khoảng 200 con rắn quanh Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar.
Shwe Lei cùng rắn trong một ngôi chùa tại Mingalardon, Yangon
Các video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nhóm thợ bắt rắn tình nguyện này kéo rắn ra khỏi các cống rãnh hay máng xối, khiến họ được đặt biệt danh là các "ông hoàng bà chúa rắn".
Tất cả họ đều có nghề nghiệp riêng. Nhóm tình nguyện này phụ thuộc vào các khoản đóng góp để trang trải từ thiết bị bảo hộ cho đến nhiên liệu cho "xe cứu thương" phục vụ rắn.
Shwe Lei và các thành viên tình nguyện được mệnh danh là "ông hoàng bà chúa rắn"
"Khi người dân phát hiện thấy rắn, họ nghĩ đây là loài có độc, nguy hiểm và sẽ tấn công con người nên giết chúng. Đó là do tâm lý bất an và sự hiểu lầm. Chính vì vậy chúng tôi phải bắt sống rắn, chúng rất cần thiết cho hệ sinh thái", Lei chia sẻ.
Shwe Lei cùng rắn tại một ngôi chùa tại Mingalardon, Yangon
Không chỉ phải hành động "nhanh và cẩn trọng", các "thợ săn" này còn phải có khả năng đoán được nơi rắn ẩn mình, và nhận biết xem nó có phải loài có độc hay không. Nhóm chủ yếu xử lý loài trăn Myanmar, không độc nhưng có thể dài đến 5 mét. Tuy nhiên, cũng không ít lần họ gặp rắn hổ hoặc rắn cạp nia.
Shwe Lei cùng rắn tại một ngôi chùa tại Mingalardon, Yangon
Năm 2014, trong số 15.000 người bị rắn cắn ở Myanmar, có đến 1.250 nạn nhân không qua khỏi. Đây là một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới, do yếu kém từ hệ thống y tế và thiếu thuốc giải độc.
>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình thời sự của HTV lúc 20G mỗi ngày trên HTV9