(HTV) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vừa được Quốc hội thông qua có 08 điểm mới quan trọng. Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều lợi ích thiết thực hơn cho việc chăm sóc sức khỏe bảo hiểm y tế của người dân.
Tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, trung bình một tháng đơn vị này tiếp nhận khám và điều trị từ 2.000 đến 4.000 trường hợp mắc bệnh lác (hay còn gọi là lé), 90% trong số này có độ tuổi từ 18 trở xuống.
Luật BHYT mới mở rộng đối tượng hưởng BHYT trong điều trị lác, tật khúc xạ mắt từ 06 đến dưới 18 tuổi
Theo Luật hiện hành, bảo hiểm y tế chỉ chi trả đối với trường hợp phẫu thuật điều trị lác và các tật khúc xạ của trẻ em dưới 06 tuổi, tức chỉ chiếm dưới 30% con số trên. Tuy nhiên, Luật BHYT mới vừa được Quốc hội thông qua đã mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng BHYT trong điều trị lác và tật khúc xạ của mắt từ 06 đến dưới 18 tuổi.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Diệu Thơ - Trưởng khoa Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết: "Hiện nay, tỷ lệ người bệnh dưới 18 tuổi chiếm khoảng 80 - 90%. Như vậy, người dân sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn đối với điều trị lé. Còn về điều trị tật khúc xạ, cho tới thời điểm này, chi phí đo khám khúc xạ vẫn chưa được BHYT thanh toán. Về điều trị, đối với người từ 18 tuổi trở xuống, chủ yếu là đeo kính cận. Chúng tôi hy vọng rằng với thay đổi trong Luật BHYT, sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể hơn để giải quyết BHYT cho các trường hợp bệnh nhân cắt kính, nhờ đó số bệnh nhân được hưởng lợi sẽ nhiều hơn."
Điểm nổi bật khác trong Luật BHYT mới là việc Quốc hội đồng ý xóa bỏ "địa giới hành chính" trong khám, chữa bệnh, mở rộng phạm vi hưởng BHYT với hình thức khám, chữa bệnh từ xa, tại nhà, khám chữa bệnh y học gia đình… Tuy nhiên, với nội dung bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được lên thẳng cấp chuyên sâu, điều này mang đến nhiều lợi ích cho người dân nhưng cũng gây lo lắng với một số cơ sở y tế.
Bác sĩ CKII Võ Hồng Minh Phước - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM chia sẻ: "Việc người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được lên thẳng tuyến chuyên sâu sẽ giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, chi phí... Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần thêm nhiều sự hướng dẫn để giải quyết cho người dân, đặc biệt là tránh tình trạng người bệnh dồn quá nhiều lên điều trị tại các tuyến chuyên sâu."
Việc chuyển thẳng bệnh nhân mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo đến tuyến chuyên sâu giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhưng cần thêm hướng dẫn để tránh quá tải
Chị Lê Thị Lệ Huyền - Phó Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất khu công nghiệp TP.HCM cũng cho biết: "Với Luật BHYT vừa được Quốc hội thông qua, có rất nhiều nội dung phấn khởi cho người dân Việt Nam, vì khi có các nội dung mới, chắc chắn những thay đổi này sẽ theo hướng tốt hơn."
Luật BHYT sửa đổi được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Riêng quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT của luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Từ nay đến thời điểm đó, để Luật mới có thể đi vào đời sống một cách hiệu quả nhất, các chuyên gia cho rằng rất cần thêm sự hướng dẫn chi tiết từ các cơ quan chuyên môn thông qua các thông tư, nghị định cụ thể hóa.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9