Dự báo kinh tế: Đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp

TRẦN HÙNG – THANH PHONG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 7/11/2023, 14:49

(HTV) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 990 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng.

Qua đó tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.

Năm 2023, nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát duy trì ở mức cao. Ở nước ta, mặc dù kinh tế có một số dấu hiệu khởi sắc nhưng khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% là rất thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2023.

 Đối với hệ thống ngân hàng, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định; tỉ giá được điều hành hợp lí. Tuy nhiên, những vấn đề của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp dù được quyết liệt xử lí nhưng chưa triệt để, do đó, hoạt động ngân hàng cũng không tránh khỏi khó khăn.

 Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế: Ngân hàng Nhà nước là đầu mối tổ chức triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31; phối hợp với các bộ, ngành để khảo sát, khó khăn, vướng mắc, báo cáo Chính phủ trong quá trình triển khai. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, các tổ chức tín dụng cũng giảm lãi suất cho vay. Thống kê cho thấy đối với các khoản cho vay mới đã giảm 2,2% so với cuối năm 2022 để tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Trước những yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo có gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho thị trường bất động sản và gói tín dụng 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực thủy sản từ chính nguồn lực của các ngân hàng. 

Mặc dù ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực, nhưng tăng trưởng tín dụng đến tháng 10 chỉ đạt khoảng 6,3%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 với mức 11,12% và định hướng điều hành cả năm 2023 với mức 14 - 15%. Việc đẩy mạnh hấp thụ vốn hiệu quả không chỉ là mong muốn của các cơ quan quản lý, mà doanh nghiệp cũng đặt rất nhiều kỳ vọng. 

 Đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp

Sau độ trễ so với lãi suất huy động, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay đã bắt đầu giảm. Đặc biệt có những ngân hàng thương mại đã có các chương trình lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng đang có khoản vay ở các ngân hàng khác theo Nghị định 06 của Ngân hàng Nhà nước, với lãi suất ưu đãi từ 7 đến 10%, dành cho các kỳ hạn từ 6 tháng đến 24 tháng. Tuy nhiên, tình hình chung của thị trường trong nước và thế giới hiện đang còn khá trầm lắng. Do đó thanh khoản mặc dù còn dồi dào nhưng các doanh nghiệp vẫn rất khó hấp thụ vốn.

Ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất, nhưng nhu cầu của doanh nghiệp để tiếp cận với vốn vẫn chưa sẵn sàng. Đấy là khó khăn, và khó khăn ấy không phải do chúng ta không vay được, mà khó khăn của chúng ta là không có đầu ra. Đề xuất của chúng tôi là phải tăng cường doanh nghiệp trong nội địa.”

Ông Trần Thanh Hải – Chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Lĩnh vực hấp thụ vốn lớn nhất, tạo được đòn bẩy lớn nhất cho GDP và nguồn thu ngân sách nhà nước chính là bất động sản. Hiện Quốc hội đang thảo luận 3 dự luật để sửa đổi, gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Tôi cho rằng chúng ta nên xác định, ví dụ Luật Đất đai là luật mẹ, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản là luật con, để giả sử sau này các doanh nghiệp có vướng mắc trong triển khai, hay có chồng chéo giữa cách hiểu về luật, thì dựa vào luật gốc là Luật Đất đai. Liên quan đến cách hiểu về luật thì cơ quan giải thích đúng đắn nhất phải là Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về chính sách tài khóa, gồm cắt giảm thuế và tăng cường đầu tư công, đó là 2 công cụ cực mạnh và chủ yếu trong chính sách tài khóa. Cắt giảm thuế thì cần phải dài hơi và có thể dự báo được. Việc giải quyết vấn đề đầu tư công cần gắn với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào giải thích thể chế. Tôi hy vọng với 2 công cụ này sẽ là những tín hiệu khởi sắc, tạo cái cầu cho năm 2024.”

Cũng theo ông Trần Thanh Hải: “Hiện nay ta thấy có một nghịch lý, trong khi Mỹ đang giữ một lãi suất cao và có khả năng kéo dài, châu Âu cũng thế, thì Việt Nam đang có một chính sách lãi suất có khuynh hướng giảm. Nếu xu hướng hai chiều này mà kéo dài thì vô hình trung tỷ giá chúng ta sẽ bị đe dọa, đồng Việt Nam sẽ ngày càng mất giá. Hiện nay mặt bằng lãi suất các ngân hàng đang chào mời ở mức độ cũng rất khả thi từ 5,5 - 8%/năm kể cả ngắn và trung dài hạn. Và với một mức lãi suất như vậy, khả năng tiếp cận tín dụng, khả năng giảm tiếp lãi suất hay điều chỉnh một số chính sách tiền tệ nhỏ bên trong, ví dụ cắt giảm lãi suất tái chiết khấu, điều chỉnh hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc để bơm tiền ra mà không phải đụng tới điều chỉnh lãi suất, thì tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước đều đã tận dụng gần hết.

Do vậy, việc tháo gỡ tín dụng phần lớn ngoài dư địa chính sách tiền tệ gần cạn, thì chính chính sách tài khóa sẽ giúp tăng trưởng tín dụng. Và ngay trong chính sách tiền tệ cũng phải lồng ghép chính sách tài khóa, và ngay trong chính sách tài khóa là hỗ trợ sức mạnh cho doanh nghiệp để hấp thụ thêm từ cái giảm lãi suất ở chính sách tiền tệ thì chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu kép".

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

(HTV) - Những năm gần đây, ngành công nghiệp TP.HCM có những tín hiệu phát triển chậm lại, năng lực cạnh tranh giảm, do đó cần thiết phải thực hiện tái cơ cấu trong tổng thể tái cơ cấu ngành công nghiệp Quốc gia.
(HTV) - Phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ được hưởng ứng mạnh mẽ tại TP.HCM. Tuy nhiên, thành phố cần không chỉ là phong trào, mà là những sản phẩm, dịch vụ phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ý kiến của bạn: