TP.HCM bình tĩnh đối mặt với mức thuế mới của Mỹ

TRẦN HÙNG - NGUYỄN QUỐC - QUỐC KHANH - LINH BẰNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 10/4/2025, 10:33

(HTV) - Không quá bi quan, cũng không quá lạc quan trước mức áp thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Trước mắt, TP.HCM vẫn giữ nguyên kịch bản phát triển và tiếp tục theo dõi kết quả đàm phán giữa Việt Nam với phía Mỹ. Đây là khẳng định của Đồng chí Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM tại Hội thảo "Kịch bản tăng trưởng của Thành phố trước tác động của thuế quan mới của Hoa Kỳ" diễn ra sáng nay.

Toàn cảnh hội thảo

Trong nhiều năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của doanh nghiệp TP.HCM. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt mức cao nhất với 7,4 tỷ USD. Trong tổng số 24 mặt hàng xuất khẩu nhiều vào thị trường này, có 4 nhóm mặt hàng sẽ bị ảnh hưởng lớn khi Mỹ áp mức thuế 46%, gồm: Dệt may và giày dép, Đồ gỗ và nội thất, Thủy sản, Điện tử và linh kiện.

Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Secoin cho biết, 50% doanh số xuất khẩu đến từ thị trường Mỹ, do vậy cú sốc 46% thuế là cú sốc rất lớn đối với doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đã liên hệ với các nhà phân phối của chúng tôi ở Mỹ, có chung một quyết tâm là phải giữ vững thị trường, mỗi nơi giảm bớt lợi nhuận của mình.

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết, riêng trong ngành gỗ, chúng ta nhập gỗ Mỹ rất nhiều, khoảng 350 triệu USD, và là thị trường lớn thứ hai về nhập khẩu gỗ Mỹ, nếu gia tăng được nhập khẩu gỗ Mỹ cũng tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu ngược trở lại.

Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Trường hợp lạc quan nhất là Mỹ chỉ áp thuế từ 10%-15%, GRDP của Thành phố có thể tăng trưởng 7,37%-8,49%. Còn với trường hợp xấu nhất, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 4,63%-5,75%. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn còn sớm để đưa ra các dự báo.

Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Thành phố

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài - Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, với giả định rằng hệ số co giãn khi thuế tăng 1% thì tổng cầu sẽ giảm xuống 1% cho Việt Nam, và căn cứ vào dữ liệu của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, thì cả Việt Nam, tốc độ tăng trưởng giảm tối đa, giảm sâu chỉ là khoảng 1,3%, và giảm GRDP của TP.HCM là 1/4 của 1,3% về tốc độ tăng trưởng.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà - Trường đại học Mở TP.HCM, tại sao chúng ta không nghĩ là chúng ta mượn một nước khác để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Có vẻ doanh nghiệp Việt Nam đang khai thác thị trường Việt Nam rất nhiều nhưng ít khai thác thị trường nước ngoài cho hoạt động xuất khẩu. Chúng ta chỉ mới qua Lào, Campuchia, Myanmar rất nhỏ, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vươn ra bên ngoài thì chưa được đề cập.

Các doanh nghiệp tìm cách ứng phó với mức áp thuế mới của Mỹ

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh chúng ta không quá bi quan, cũng không quá lạc quan. Tỷ lệ xuất khẩu từ TP.HCM sang Mỹ vẫn còn nhỏ so với tổng kim ngạch xuất khẩu, và có nhiều mặt hàng vẫn rất cần thiết với người Mỹ. Đây là cơ hội để Thành phố tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là làm sao tăng tỷ lệ "made by Vietnam", tức sản phẩm do chính doanh nghiệp nội địa tạo ra để xuất khẩu.

Đồng chí Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đây là cơ hội để  đẩy mạnh sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi số theo Nghị quyết 57, và tiếp tục chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hỗ trợ lãi suất. Làm sao tái cơ cấu xúc tiến đầu tư, nhà nước chỉ dẫn dắt các doanh nghiệp đi đến đó, liên hệ với các tổ chức bên đó, người ta giới thiệu các công ty, doanh nghiệp, đối tác hoặc các doanh nghiệp trực tiếp đối tác với nhau, nhà nước đứng ra chứng kiến, có sự ủng hộ như vậy thì người ta mạnh dạn ký. Thành phố trước mắt vẫn giữ nguyên kịch bản phát triển và tiếp tục theo dõi kết quả đàm phán giữa Việt Nam với phía Mỹ, có lẽ từng ngành hàng sẽ có những tỷ lệ khác nhau, chứ nếu chung thì có lẽ là không có.

Đồng chí Nguyễn Văn Được 

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đề nghị tiếp tục theo dõi diễn biến kinh tế - xã hội, đặc biệt là sức khỏe sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố để sẵn sàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, bao gồm các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước thuộc các ngành nghề, đặc biệt là các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Cần có chiến lược mềm trong giao lưu quốc tế, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, nhân dân với nhân dân, chính quyền với chính quyền để các bên cùng thắng.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: