Đông Nam Bộ: Xu thế chuyển dịch từ nội vùng đến liên vùng

TRẦN HÙNG - MINH KHOA - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 1/11/2023, 13:32

(HTV) - Sau một thời gian phát triển nhanh, nội tại của vùng Đông Nam Bộ đang phát sinh những thay đổi. Lực hút và lực đẩy của vùng cũng đang định hình lại, đòi hỏi nguồn lực ở phạm vi rộng hơn và cần sự chuẩn bị trước những thách thức mới.

Với tứ giác động lực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng sự năng động kinh tế và vai trò ngày càng cao của Bình Phước, Tây Ninh, vùng Đông Nam Bộ đi đầu cả nước về đổi mới và phát triển. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 67%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt gần 80%, đứng thứ hai trong các vùng của cả nước.

Cần tăng tính liên kết vùng Đông Nam Bộ

Nội tại vùng Đông Nam Bộ đang thay đổi

Tại Hội thảo khoa học "Giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về Đông Nam Bộ" vừa được tổ chức tại TP.HCM, PGS. TS. Lê Thanh Sang – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ đã chia sẻ kết quả khảo sát mới nhất đối với 500 hộ gia đình di dân từ Tây Nam Bộ đến khu vực nông thôn 5 tỉnh Đông Nam Bộ (không bao gồm TP.HCM) cho thấy:

Động lực quan trọng của các hộ di dân là tìm kiếm các nguồn đất nông nghiệp tiềm năng với giá rẻ hơn.

Sở hữu nhà ở và đất sản xuất là yếu tố quan trọng nhất thể hiện tính ổn định và sự gắn bó lâu dài với nơi ở.

Đây cũng là nơi cư trú của nhiều lao động di cư chủ yếu làm việc ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lân cận.

Số hộ gia đình Tây Nam Bộ di cư đến khu vực nông thôn vùng Đông Nam Bộ gia tăng

“10 năm vừa rồi, xu hướng di cư đến TP.HCM có giảm hơn so với 10 năm trước. Trong khi đó, một số thành phố cấp 2 đang tiếp nhận một lượng di cư tăng lên. Như vậy xu thế là các thành phố cấp vùng đóng vai trò quan trọng hơn đối với vấn đề di cư thời gian tới, và nó giảm bớt áp lực di cư đến TP.HCM, nhưng đồng thời nó cũng chọn lọc hơn”, PGS. TS. Lê Thanh Sang cho biết.

PGS. TS. Lê Thanh Sang – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ

Không thu hút lao động đại trà, mà tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, được đánh giá là xu hướng tất yếu của TP.HCM, khi các ngành công nghiệp thâm dụng lao động ở Thành phố đang giảm nhanh và dịch chuyển sang các tỉnh xung quanh. Sự tái phân bổ cả về lĩnh vực ngành nghề cho đến thị trường lao động đòi hỏi sự đồng bộ trong thúc đẩy liên kết vùng để tăng tính lan tỏa từ thành thị đến nông thôn.

Cần liên kết vùng đồng bộ, bền vững

Các chuyên gia cũng nhận định, cần có những cơ chế chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam bộ để tạo cú hích trong phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước và thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho những công trình thiết yếu, trọng điểm. Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực, trong đó xác định lấy nội lực là căn bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: