Đổi mới sáng tạo hay là "chết"

Theo Thanh niên 6/11/2019, 14:59

Đó không phải sự chọn lựa mà là con đường duy nhất để các doanh nghiệp Việt lớn mạnh, thành công và trở nên vĩ đại.

Đặc biệt, sức ì, cung cách làm ăn manh mún, thiếu tầm nhìn sẽ không còn chỗ đứng trên sân chơi quốc tế khắt khe, chuyên nghiệp như EVFTA, CPTPP…

Bài học Nokia, Yahoo

Những năm đầu thập niên 1990, Nokia - thương hiệu điện thoại của Phần Lan, đã phủ sóng toàn cầu, tiên phong về di động, công nghệ. Tại VN khi đó, ai cầm trên tay một chiếc điện thoại dù to như cục gạch nhưng gắn mác Nokia đã được xem như VIP, sành điệu. 10 năm sau Nokia vẫn ngự trị trên đỉnh cao với doanh số lên tới hàng chục tỉ USD mỗi năm và trở thành niềm tự hào của người dân Phần Lan.

Theo Luật sư-TS Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC): "Nếu một mình không thể làm được thì các DN phải liên kết với nhau. Nhưng muốn liên kết thì bản thân DN cũng phải tự sửa mình. Liên kết mà vẫn muốn “chơi” theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, không có quản trị DN tốt, điều hành tốt, nhân lực tốt, thì ai chơi với anh?".

Song không ai có thể ngờ sự sụp đổ của Nokia lại diễn ra quá chóng vánh như vậy. Chậm chạp thay đổi, trong khi cơn bão công nghệ bùng nổ, ập đến từ lúc nào. Samsung với triết lý kinh doanh “sự thay đổi”, cùng với Apple “sự sáng tạo” đã chớp thời cơ vượt lên đẩy Nokia xuống hố và bị mua lại.

Tương tự, năm 2000, chỉ 5 năm sau khi thành lập, Yahoo trở thành biểu tượng của internet với giá trị được định giá 128 tỉ USD. Trong lúc Google mới chỉ là một công ty khởi nghiệp, Facebook còn chưa hình thành thì Yahoo giữ ngôi vương độc quyền. Nhưng chính vào giai đoạn hoàng kim cũng là lúc Yahoo bắt đầu yên vị và không có bất kỳ sáng tạo gì thêm giữa làn sóng các công ty công nghệ mới nổi say mê cải tiến.

Thành công nhanh chóng, 22 năm sau, cũng rất nhanh Yahoo bị thâu tóm. Bên cạnh sai lầm chủ quan “ngủ quên trên chiến thắng”, có không ít bài học khác đã cùng lúc đặt dấu chấm hết cho câu chuyện thành công của Yahoo.

Công nghệ, sự sáng tạo, đột phá đã thay đổi thế giới và mô hình kinh doanh truyền thống. Uber, công ty taxi công nghệ lớn nhất thế giới, không sở hữu chiếc xe nào. Facebook, mạng xã hội phổ biến nhất thế giới, không tạo ra nội dung nào. Điều đó cho thấy, chiến lược phát triển của doanh nghiệp (DN) cần thay đổi theo hướng đổi mới sáng tạo để có được lợi thế cạnh tranh, chỉ tập trung chủ yếu vào cắt giảm chi phí sẽ kém hiệu quả hơn chiến lược cung cấp sản phẩm và dịch vụ một cách sáng tạo.

Doanh nghiệp Việt phải đổi mới, sáng tạo mới có thể tồn tại, phát triển (Ảnh: Ngọc Thắng)

Ra biển lớn, đừng tư duy nhỏ

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư-TS Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC), cho biết 30 năm đổi mới đến giờ phút này VN phải thực sự lột xác, DN Việt phải thay đổi mạnh mẽ hơn bao giờ hết vì chúng ta đã hội nhập rất sâu rộng vào EVFTA, CPTPP và một loạt hiệp định thương mại tự do song phương được ký kết. Trước tiên, DN trong nước phải tự thay đổi mình, đổi mới quản trị, công nghệ, hiểu biết, tăng vốn để sản phẩm, dịch vụ có thể thực sự cạnh tranh cả trên sân nhà lẫn sân khách.

“Nếu một mình không thể làm được thì các DN phải liên kết với nhau. Nhưng muốn liên kết thì bản thân DN cũng phải tự sửa mình. Liên kết mà vẫn muốn “chơi” theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, không có quản trị DN tốt, điều hành tốt, nhân lực tốt, thì ai chơi với anh? Các hiệp định thế hệ mới với những chuẩn mực cao nhất hiện nay mà lại không xây dựng công ty theo những chuẩn mực, thông lệ tốt nhất thì làm sao mà tham gia vào chuỗi được”, TS Huỳnh trăn trở.

Để khai thác được các hiệp định nói trên, DN phải hiểu rõ bản chất của các cam kết, thách thức, thuận lợi, rủi ro và vấn đề cốt lõi của ngành hàng, dịch vụ là gì. Từ đó, cần ngồi lại với nhau, tính toán, so sánh trong tương quan với đối thủ cạnh tranh. DN phải hành động nhanh, mạnh để có sản phẩm, dịch vụ rẻ, tốt hơn thì mới có thể thắng được trong cuộc chơi này.

Vẫn theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, hội nhập còn mang lại cơ hội liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài. Thay vì phải nhập hàng thì hai bên có thể liên kết sản xuất tại VN để khai thác những lợi thế của VN mà cả hai bên đều được lợi. Đối với hàng hóa xuất khẩu, hiện không phải là lúc làm ăn nhỏ lẻ, manh mún nữa và muốn làm gì thì làm. Do đó, đòi hỏi DN sản xuất phải theo quy trình, trên quy mô lớn, bảo đảm chất lượng hàng hóa, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và được sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng, trong đó có chính quyền địa phương, các hiệp hội, cộng đồng dân cư.

Tầm nhìn, chiến lược dài hạn

Thực tế tại VN, DN nào đi theo con đường trên đều bắt đầu có trái ngọt. Đơn cử, như Vicostone của vị tỉ phú kín tiếng Hồ Xuân Năng, với sản phẩm đá thạch anh chiếm lĩnh thị trường Úc, Mỹ, châu Âu. FPT của Chủ tịch Trương Gia Bình đang hồi sinh mạnh mẽ bằng việc tái cơ cấu, chuyển đổi số, xuất khẩu phần mềm…

Một điểm chung của các DN này là đều đẩy mạnh nghiên cứu thị trường nói riêng và nghiên cứu phát triển nói chung; tìm tòi công nghệ mới để tạo ra sản phẩm, quá trình và dịch vụ mới, có tính cải tiến để đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc của thị trường tốt hơn. Hoạt động nghiên cứu và phát triển luôn được các công ty đa quốc gia (TNCs), các công ty tiên phong về công nghệ trên thế giới quan tâm triển khai thường xuyên và liên tục.

Khác biệt thứ hai là thực hiện chuyển đổi số trong DN một cách triệt để. Thông qua chuyển đổi số, DN có thể nắm được hành vi, kỳ vọng của khách hàng, của người tiêu dùng để hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ, cải tiến phương thức phân phối, bảo hành, bảo trì sản phẩm, dịch vụ. Cũng qua dữ liệu, thông tin được số hóa, DN có thể nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản, nguồn nhân lực, tăng năng suất, giám sát hiệu quả hơn quá trình sản xuất và bảo trì sản phẩm. Tăng hiệu suất sử dụng tài sản và năng suất về lâu dài vẫn là yếu tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của DN.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập toàn cầu thì nhu cầu thị trường, nhu cầu sản xuất, tiêu dùng đã thay đổi rất nhanh và mạnh mẽ. Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN Klaus Schwab cho rằng so với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, cách mạng 4.0 toàn diện hơn, với những công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối, điện toán đám mây, robot… sẽ định hình lại phương cách sản xuất, hình thức tiêu thụ, cách thức chúng ta giao tiếp, thậm chí là cách chúng ta sống, đồng thời sẽ ảnh hưởng tới không chỉ cách con người sinh hoạt, như thế nào. Ông cũng khuyên những ai muốn thành công trong tương lai cần tận dụng lợi thế đến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách chủ động. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi sâu sắc cơ cấu việc làm, nghề nghiệp, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới.

“Đổi” nhưng chưa “mới”

Đột phá, cải cách, đổi mới, kiến tạo… chủ trương đó đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng DN. Song rào cản từ thủ tục, điều kiện kinh doanh, cơ chế, chính sách vẫn dù đã thay đổi nhưng chưa thực sự mới, chưa chạm đến được nút thắt cuối cùng.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (Doing Business 2019), VN cùng với Indonesia là nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 16 năm qua, với 42 cải cách. Chỉ riêng 5 năm từ khi thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, VN đã có 18 cải cách được ghi nhận, đáng chú ý là chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng.

Môi trường kinh doanh của VN được cải thiện 13 bậc so với năm 2016, từ thứ 82 lên thứ 69 trong tổng số 190 nền kinh tế được khảo sát. Trong đó: chỉ số thành phần tiếp cận điện năng tăng 69 bậc (từ thứ 96 lên thứ 27), nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 36 bậc (từ thứ 167 lên thứ 131), khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc (từ thứ 121 lê thứ 104), chỉ số hiệu quả logistics tăng 25 bậc (từ thứ 64 lên thứ 39), chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc (từ thứ 59 lên thứ 45)...

Theo báo cáo của các bộ, ngành, năm 2018 hầu hết kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh đạt trên 50%, trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, đạt mục tiêu Nghị quyết 19/NQ-CP đề ra. Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ đã rà soát bãi bỏ, đơn giản hóa trên 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; chuyển 91% sản phẩm hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành sang hậu kiểm, giảm thời gian kiểm tra từ 23 ngày xuống còn 1 ngày, vượt yêu cầu ASEAN+4 (90 giờ).

Tuy nhiên,môi trường kinh doanh vẫn còn một số bất cập.Thủ tục hải quan và quản lý, kiểm tra chuyên ngành tuy đã có những bước cải thiện nhưng còn chậm, làm cho thứ bậc của VN bị giảm. Thực tế cho thấy, rào cản trong quản lý chuyên ngành, nhất là thủ tục kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kéo dài thời gian thông quan.

Chỉ số đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản trong nhiều năm không có bất kỳ cải cách gì và thứ hạng liên tiếp giảm bậc qua các năm. Chỉ đến năm 2018, chỉ số này được ghi nhận tăng bậc nhờ rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục chuyển nhượng (từ 57,5 ngày xuống còn 53,5 ngày). Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19, chỉ số này của nước ta giảm 27 bậc (từ vị trí 33 xuống vị trí 60).

Về xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, chỉ số năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) của VN giảm 3 bậc (từ 74 xuống vị trí 77). Đáng chú ý là 7/12 trụ cột giảm điểm, trong đó đánh giá về kỹ năng giảm 1,5 điểm (từ 55,8 xuống 54,3); yếu tố thể chế giảm 1,2 điểm (từ 50,7 xuống 49,5); yếu tố cơ sở hạ tầng, hiệu quả thị trường hàng hóa, hiệu quả thị trường tài chính giảm 0,6 điểm mỗi trụ cột. Năng lực đổi mới sáng tạo giảm 0,5 điểm và mức độ năng động trong kinh doanh giảm 0,3 điểm. Kết quả này cho thấy các động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo để theo kịp xu thế 4.0 của VN còn yếu và chưa hiệu quả. Trong đó, thủ tục hành chính vẫn là rào cản nặng nề, văn hóa doanh nhân giảm điểm, mức độ trao đổi và đa dạng hóa còn thấp, mức độ thương mại hóa hạn chế.

Ý kiến của bạn: