LongFORM: Thế giới thương tiếc Giáo hoàng Phanxicô

VIỆT HOÀNG - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 24/4/2025, 10:59

(HTV) - Trong suốt 12 năm trên cương vị lãnh đạo, Giáo hoàng Phanxicô, vị Giáo hoàng được tín đồ Công giáo trên khắp thế giới tôn kính đã sống một cuộc đời giản dị, hết lòng bảo vệ người nghèo và đấu tranh vì hòa bình trước khi qua đời ở tuổi 88.

NGỌN HẢI ĐĂNG ĐẠO ĐỨC CỦA NHÂN LOẠI

Giáo hoàng Phanxicô xuất hiện trong Lễ Phục sinh 20/4/2025. Nguồn ảnh: CNN

Theo thông báo từ Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng Phanxicô qua đời do đột quỵ và trụy tim ở tuổi 88 hôm 21/4. Ông xuất hiện lần cuối trước công chúng chỉ một ngày trước đó, trong ngày lễ Phục sinh 20/4. Rất nhiều tín đồ trên toàn thế giới đã tập trung tại các địa điểm tôn giáo để thắp nến cầu nguyện và tưởng nhớ Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Từ quảng trường Thánh Phê-rô ở Vatican đến quê nhà ở Argentina, mọi người tập trung để bày tỏ lòng tôn kính với Đức Giáo Hoàng.

Nhà thánh Santa Maria Maggiore ở Roma, Italia, nơi Giáo hoàng sẽ được chôn cất. Nguồn ảnh: Reuters

Nhà thánh Santa Maria Maggiore ở Roma, Italia- nơi Giáo hoàng từng sinh sống đang trải qua thời khắc đặc biệt. Bởi theo di nguyện, Giáo hoàng đã chọn muốn được chôn cất tại đây, chứ không phải tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô ở Vatican như các vị Giáo hoàng tiền nhiệm. 

Thi hài của Giáo hoàng được đặt nằm trong quan tài gỗ, mặc lễ phục đỏ. Hồng y nhiếp chính Kevin Farrell chủ trì nghi lễ xác nhận Giáo hoàng Phanxicô qua đời.

Theo Tòa thánh Vatican, tang lễ của Giáo hoàng Phanxicô được tổ chức lúc 10 giờ sáng vào ngày 26/4. Theo kế hoạch, quan tài của Giáo hoàng được đưa đến Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Sau đó công chúng có thể bắt đầu vào viếng.

Tang lễ của Giáo hoàng Phanxicô diễn ra lúc 10 giờ sáng 26/4. Nguồn ảnh: Reuters

DẤU ẤN KHÓ PHAI ĐỐI VỚI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ CỘNG ĐỒNG TOÀN CẦU

Với thông điệp yêu thương, sự giản dị và tinh thần cải cách mạnh mẽ, Giáo hoàng Phanxicô đã để lại dấu ấn khó phai không chỉ với Giáo hội Công giáo và đối với cộng đồng toàn cầu.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres chia sẻ tin buồn với giáo dân toàn cầu trước sự ra đi của Giáo hoàng Phanxicô. Theo Tổng thư ký, Giáo hoàng đã góp tiếng nói to lớn cho hòa bình, nhân đạo và công bằng, và nhờ đó Ngài đã nhận được sự yêu mến, cũng như tiếc thương của tín hữu khi ra đi.

Tổng thống Trump yêu cầu tất cả các bang của Mỹ treo cờ rủ để tưởng nhớ Giáo hoàng quá cố. Nguồn ảnh: ABC News

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi Giáo hoàng Phanxicô là một người tốt bụng, chăm chỉ và yêu mến thế giới. Ông Trump đã yêu cầu tất cả các bang treo cờ rủ để tưởng nhớ Giáo hoàng quá cố.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ lòng thương tiếc Giáo hoàng, nói rằng lúc sinh thời, Ngài là người đã cống hiến hết mình vì sự phát triển của Giáo hội, cũng như có tác động tích cực với nước Nga.

Tổng thống Putin ca ngợi Đức Giáo hoàng đã cống hiến hết mình và tác động tích cực đến nước Nga. Nguồn ảnh: NBC News

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi Đức Giáo hoàng đã "truyền cảm hứng cho hàng triệu người... bằng sự khiêm nhường và tình yêu thương của ngài".

Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự tôn kính với Giáo hoàng và hy vọng rằng ngọn lửa hy vọng ấy sẽ tiếp tục được thắp sáng, vượt qua cả sự ra đi của Ngài.

Thủ tướng Anh Keir Starmer gọi Giáo hoàng Phanxicô là "vị giáo hoàng của người nghèo, người bị áp bức và người bị lãng quên". Ông ca ngợi ngài vì sự lãnh đạo đầy dũng cảm trong thời kỳ nhiều thử thách, luôn xuất phát từ lòng khiêm nhường sâu sắc. 

Còn Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc và nói rằng Giáo hoàng Phanxicô sẽ luôn được nhớ đến như một biểu tượng của lòng trắc ẩn, sự khiêm nhường và can đảm tinh thần".

VATICAN TRONG GIAI ĐOẠN CHUYỂN TIẾP THẬN TRỌNG

Sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời và cho đến khi người kế nhiệm được bầu ra, Hồng y đoàn sẽ tạm thời điều hành giáo hội. Vatican bước vào giai đoạn chuyển tiếp đầy thận trọng với trọng trách chọn người kế nhiệm được giao cho mật nghị Hồng y.

Mật nghị hồng y hay còn gọi Cơ mật viện bầu Giáo hoàng, là cuộc họp kín của hồng y đoàn thường diễn ra hai hoặc ba tuần sau khi Giáo hoàng đương nhiệm qua đời hoặc từ chức để bầu ra vị giám mục của Giáo phận Rôma. Quá trình bầu Giáo hoàng mới sẽ diễn ra kín tại Nhà nguyện Sistine, yêu cầu đạt đồng thuận 2/3.

Trong số 135 Hồng y đủ điều kiện, có tới 110 vị do chính Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm. Ngài đã mang tới những thay đổi lớn về cấu trúc, bao gồm việc phân cấp quyền lực của Vatican và bổ nhiệm nhiều hồng y không thuộc châu Âu hơn bất kỳ vị Giáo hoàng tiền nhiệm nào.

Trong số 135 hồng y có quyền bầu cử không bao gồm những người trên 80 tuổi, bao gồm 53 hồng y từ châu Âu, 23 hồng y từ châu Á, 20 hồng y từ Bắc Mỹ, 18 hồng y từ châu Phi, 17 hồng y từ Nam Mỹ và 4 hồng y từ châu Đại dương. Quốc gia có nhiều hồng y với quyền bầu cử nhất trong năm nay là Italia, với 17 hồng y.

Lịch sử cho thấy các hồng y có xu hướng chọn một người châu Âu, đặc biệt là người Italia. Trong số 266 Giáo hoàng đã được chọn cho đến nay thì đã có 217 người đến từ Italia.

Trong số 266 Giáo hoàng đã được chọn cho đến nay, đã có 217 người đến từ Italia. Nguồn ảnh: Reuters

Cuộc bầu chọn nhiều khả năng sẽ là cuộc đấu giữa 2 khuynh hướng: Phe cấp tiến - hoan nghênh lập trường tương đối cởi mở của cố giáo hoàng về người ly hôn, người đồng tính và hoàn cảnh khó khăn của người tị nạn; và phe bảo thủ - những người phản đối chương trình nghị sự của ông.

Cách đây hơn 10 năm, Giáo hoàng Phanxicô từng nói, ông “cho rằng việc miêu tả Giáo hoàng như một siêu nhân, một ngôi sao nổi tiếng là không phù hợp. Giáo hoàng cũng là một con người bình thường, biết cười, biết khóc, biết ngủ, và kết giao bạn bè như mọi người”. 

Trong những ngày sắp tới, với niềm tin và hy vọng mãnh liệt, cộng đồng Công giáo toàn cầu đang chờ đợi sự xuất hiện của một vị Giáo hoàng mới — người không chỉ mang trong mình đức tin sâu sắc mà còn kế thừa được sự khiêm nhường, lòng nhân ái và tinh thần phục vụ như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã từng thể hiện suốt nhiệm kỳ của ông.

Giáo hoàng Phanxicô trong một buổi lễ ở Vatican năm 2014. Nguồn ảnh: God Pictures

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: