(HTV) - Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn biến động, ưu tiên giữ giá cả, kích cầu tiêu dùng nội địa là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh tăng trưởng từ nay đến cuối năm 2023.
Nhờ các biện pháp kích cầu tiêu dùng như khuyến mại tập trung, giảm 2% thuế giá trị gia tăng VAT, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại TP.HCM 9 tháng đầu năm tăng 8,6% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn biến động, ưu tiên giữ giá cả, kích cầu tiêu dùng nội địa là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh tăng trưởng từ nay đến cuối năm 2023.
Doanh nghiệp ổn định giá cả, kích cầu tiêu dùng
Tại Chợ Tân Định, Quận 1, TP.HCM từ đầu năm đến nay nỗ lực giữ giá bán đã giúp sức mua tại chợ trở về gần mức trước đại dịch.
Giữ giá bán đã giúp sức mua tại chợ trở về gần mức trước đại dịch
Giữ giá bán lấy sức mua là chiến lược chung của các nhà bán lẻ trong những tháng còn lại của năm.
Như tại siêu thị này, nếu như trước kia chỉ dùng 1 phần để làm khuyến mãi, thì từ giờ tới cuối năm, sẽ tăng gấp 3 kinh phí để thực hiện chương trình. Mục tiêu là cải thiện giá trị và số lượng hàng hoá trong giỏ hàng của người tiêu dùng. Giỏ hàng của mỗi người tiêu dùng tăng trên 20% trong những tháng cuối năm là kỳ vọng của nhà bán lẻ, khi duy trì hơn 1.000 sản phấm khuyến mãi. Doanh nghiệp cho biết, đã có kế hoạch dự trữ hàng hoá tăng 20% so với năm trước để phục vụ cao điểm mua sắm.
Giữ giá bán lấy sức mua là chiến lược chung của các nhà bán lẻ
Đại diện Sở công thương, Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, hiện Sở quan tâm chú trọng đến những mặt hàng thực phẩm tươi sống, gạo, rau củ quả,... Sẽ đi làm việc với các vùng nguyên liệu. Đặc biệt hiện giá thịt gia súc giảm, ảnh hưởng đến việc tái đàn của bà con nông dân. Nên Sở sẽ đi sâu sát hơn, điều chỉnh để tránh không bị thiếu hụt nguồn cung.
Hiện các địa phương trên cả nước đã sẵn sàng kế hoạch tổ chức khuyến mại tập trung cuối năm.
Tiêu dùng nội địa đã trở thành điểm sáng, bù lại cho tình hình xuất khẩu suy giảm trong thời gian qua tại TP.HCM. Từ nay đến tết nguyên đán được cho là thời điểm vàng để các nhà sản xuất, nhà bán lẻ vực dậy sức mua, kích thích tăng trưởng bằng việc chủ động ổn định giá cả và tăng cường khuyến mãi.
Các chợ truyền thống nỗ lực giữ khách bằng việc giữ giá. Mỗi ngày sạp thịt heo của chị Thu Hồng bán ra khoảng 4 tấn thịt. Khi giá heo hơi tăng từ 1.000đ 2.000đ/kg trong thời gian ngắn, chị không tăng giá thịt thành phẩm với bạn hàng lâu năm.
Nhiều giải pháp tập trung kích cầu tiêu dùng nội địa
Ổn định nguồn hàng, ổn định giá bán là chưa đủ. Từ nay tới cuối năm, các nhà bán lẻ sẽ tăng cường chương trình khuyến mại để kích thích sức mua. Điểm chung là chương trình năm nay sẽ kéo dài hơn thay vì chỉ 1 tháng, ưu tiên quảng bá hàng Việt Nam cũng như các sản phẩm OCOP.
Để kích cầu mua sắm, Sở Công thương TP.HCM đã bắt tay với Sở du lịch nhằm thúc đẩy tiêu dùng thông qua việc quảng bá, kết nối du khách đến các chợ truyền thống, trung tâm thương mại. Nhà lữ hành Chim Cánh Cụt tại TP.HCM cũng ghi nhận doanh thu qua 9 tháng tăng 40% so với cùng kỳ, nhờ biết cách kết hợp các chương trình du lịch trải nghiệm kết hợp mua sắm. Ông Trần Quang Duy - Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt chia sẻ luôn chủ động giới thiệu khách sử dụng các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí trong các trung tâm thương mại.
Thời điểm thích hợp để làm ấm thị trường đang đến, Sở Công thương TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp sản xuất đang tăng tốc để đủ nguồn hàng cung ứng, còn doanh nghiệp bán lẻ đang chuẩn bị cho chương trình khuyến mãi diễn ra vào tháng 11 sắp tới.
Tết năm nay, TP.HCM cũng bổ sung nhiều nhóm hàng mới vào chương trình bình ổn thị trường, lượng hàng tăng 3 - 5% so với năm ngoái. Hàng bình ổn dịp Tết sẽ chiếm 25 - 43% nhu cầu toàn thị trường. Chương trình khuyến mãi tập trung sẽ bắt đầu từ ngày 15/11 đến ngày 31/12, kéo dài 1 tháng rưỡi thay vì 1 tháng như năm trước.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9