(HTV) - Trước đây, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung nước ngọt có gas vào đối tượng chịu Thuế Tiêu thụ đặc biệt nhằm giảm tình trạng thừa cân, béo phì ở Việt Nam.
Gần đây, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, với lộ trình thảo luận vào kỳ họp thứ 8 năm 2024 và thông qua vào kỳ họp thứ 9 năm 2025. Trong đó, đề xuất áp thuế TTĐB đối với nước ngọt có đường (NGK) đã thu hút sự chú ý từ nhiều bên liên quan.
Trước đây, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung NGK vào đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm giảm tình trạng thừa cân, béo phì (TCBP) ở Việt Nam. Đề xuất này đã bị gỡ bỏ sau khi nhận được nhiều phản hồi từ các doanh nghiệp và chuyên gia. Hiện tại, trong bộ tài liệu hồ sơ dự thảo Luật TTĐB đang lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất bổ sung NGK có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Mục tiêu là bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Dù có mục tiêu tốt đẹp, đề xuất này đang gặp phải nhiều băn khoăn. Các chuyên gia cho rằng chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh nước ngọt có đường là nguyên nhân chính gây ra TCBP. Theo TS. BS Nguyễn Thị Lâm, tỉ lệ TCBP ở Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, nhưng vẫn nằm trong vùng xanh theo đánh giá của WHO và thấp so với nhiều nước khác. Thực tế cho thấy, TCBP bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể chất, và yếu tố môi trường sống, chứ không chỉ từ việc tiêu thụ nước ngọt có đường.
TS. BS Nguyễn Thị Lâm
Các nghiên cứu quốc tế cho thấy việc áp thuế TTĐB đối với nước ngọt có đường không luôn đạt được hiệu quả mong muốn. Ví dụ, ở California (Mỹ) và một số quốc gia khác, mặc dù người tiêu dùng giảm tiêu thụ nước ngọt có đường, nhưng lại chuyển sang các loại nước giải khát khác, dẫn đến kết quả không như kỳ vọng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo từ CIEM, việc áp thuế TTĐB chỉ đối với nước giải khát có đường có thể không đảm bảo sự công bằng, khi các sản phẩm khác chứa lượng đường cao hơn lại không bị đánh thuế. Ông Đỗ Thái Vương từ VBA cũng cho rằng việc này có thể dẫn đến sự phân biệt không công bằng và khó đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo
Ngành sản xuất nước giải khát tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn và cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài. Áp thuế TTĐB có thể tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, tạo ra gánh nặng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời không giải quyết triệt để vấn đề TCBP.
Ông Đỗ Thái Vương - Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc VBA nhận định “Về góc độ các doanh nghiệp trong ngành NGK, tôi cho rằng các nước khác đã và đang áp dụng biện pháp có hiệu quả đó là biện pháp giáo dục và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân liên quan đến lượng đường và calo nạp vào. Như các chuyên gia y tế chia sẻ, lượng calo nạp vào có từ nhiều nguồn thực phẩm, đồ uống chứ không phải từ lượng đường. Hiện tại các doanh nghiệp trong ngành đã và đang có đang có những sản phẩm ít đường hoặc những sản phẩm không calo, và cũng có nghiên cứu các sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất. Bản thân ngành đã và đang triển khai các dòng sản phẩm mà tốt cho sức khỏe. Vấn đề mấu chốt ở đây chúng ta cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, để người dân có ý thức dung nạp kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể hợp lý so với calo tiêu hao”.
Ngoài ra, việc chỉ áp thuế đối với nước giải khát sản xuất công nghiệp có thể tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất phi chính thức, gây ra nguy cơ về an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9