Từ bài học Cách mạng Tháng Tám suy nghĩ về cơ hội mới của TP.HCM hiện nay

MINH NGỌC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 18/8/2023, 19:57

(HTV) - Cách đây 78 năm, Cách mạng Tháng Tám thành công, đánh dấu sự thành công của cách mạng Việt Nam, đưa đất nước thoát khỏi sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp, xóa bỏ hoàn toàn chế độ phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong Cách mạng Tháng Tám, khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã góp phần thắng lợi có ý nghĩa quyết định vào việc hoàn thành cuộc Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc. Lịch sử sẽ qua đi, nhưng ý nghĩa và những bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Tám vẫn đi cùng dân tộc, cùng TP.HCM trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Lịch sử đã chứng minh, thành công đó có được là nhờ một đảng tiên phong thật sự cách mạng, tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, được tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng đã nắm vững hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn lịch sử, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn; biết nắm bắt thời cơ, xây dựng và tổ chức lực lượng; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để dẫn dắt quần chúng đứng lên giành và giữ chính quyền.

Những ngày tháng Tám lịch sử

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã biết chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, làm cho lực lượng cách mạng đủ mạnh, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia; từ đó làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo ra những thời cơ chín muồi để đưa cách mạng đến thành công. Nói về thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không thể không nhắc đến bài học về vấn đề nắm bắt thời cơ, đề ra những quyết sách chính xác và kịp thời của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thời cơ của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 xuất hiện khi Chiến tranh thế giới thứ hai đi vào hồi kết thúc. Phát xít Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Sự kiện đó làm cho quân Nhật ở Đông Dương và Việt Nam suy sụp tinh thần, đứng trước khả năng tan rã. 

Đồng thời, thời cơ cách mạng xuất hiện cũng là lúc mọi chuẩn bị của Đảng ta về lực lượng, đường lối, phương châm tác chiến đã hoàn thiện, khi mà cao trào cứu nước của toàn dân đã dâng lên tới đỉnh cao nhất. Các cuộc khởi nghĩa từng phần đã nổ ra và thắng lợi ở nhiều vùng. Khu giải phóng và căn cứ địa được lập ra trong cả nước, quân đội cách mạng đã được thành lập, chiến tranh du kích phát triển và lan rộng; “đội quân chính trị” của quần chúng nhân dân bao gồm hàng chục triệu người được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh đã sẵn sàng chiến đấu. 

Tuy nhiên, thời cơ cách mạng này chỉ tồn tại từ khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh đến trước khi quân Đồng minh vào Việt Nam. 

Đón trước thời cơ có lợi, ngay từ ngày 13/8, Trung ương Đảng đã mở Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào, nhanh chóng thống nhất quyết định khởi nghĩa. Ngay đêm 13/8, Tổng Bí thư Trường Chinh đã ký Lệnh Tổng khởi nghĩa. Tiếp theo, ngày 16/8, Quốc dân Đại hội đã họp, thay mặt cho đồng bào cả nước quyết nghị: Thống nhất với chủ trương khởi nghĩa của Đảng và Mặt trận Việt Minh; Thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa; Thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; quyết định lấy Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh, Quốc ca là bài Tiến quân ca; cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong điều kiện thông tin liên lạc rất khó khăn, đường sá xa xôi, cách trở, nhưng Trung ương Đảng đã sớm thống nhất với Mặt trận Việt Minh để triệu tập Đại hội kịp thời, có được sự đồng thuận tuyệt đối của đại biểu nhân dân về quyết định Tổng khởi nghĩa. Đó là biểu hiện rõ nét sự nhanh nhạy, khả năng phân tích chính xác tình hình quốc tế và trong nước, dự báo đúng đắn về thời cơ của Đảng và Hồ Chí Minh. 

Nắm vững tinh thần các Nghị quyết Trung ương, đặc biệt là “Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Thường vụ Trung ương Đảng trước đó, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, kể cả một số địa phương chưa trực tiếp nhận được Lệnh khởi nghĩa. Hà Nội khởi nghĩa thành công ngày 19/8, Huế ngày 23/8.

Tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, chấp hành lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban kháng chiến toàn quốc, ngày 15/8/1945, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ đã nhanh chóng thành lập Ủy ban khởi nghĩa do Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. 

Nhà ông Chung Văn Năm - Ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh - nơi đồng chí Trần Văn Giàu cùng các đồng chí vượt ngục Tà Lài về bàn kế hoạch chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nguồn ảnh: Tư liệu

Nhà số 202 đường Chasseloup Laubat (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Nơi đây là phòng khám của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong, là nơi cờ búa liềm treo công khai ngày 25/8/1945. Nguồn ảnh: Tư liệu

Rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là Nhà hát Kịch TP.HCM, đường Trần Hưng Đạo, Quận 1) - nơi Mặt trận Việt Minh ra mắt công khai ngày 20/8/1945. Nguồn ảnh: Tư liệu

Thực hiện kế hoạch, ngay trong đêm 24/8, quần chúng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và các tỉnh lân cận mang theo giáo mác, tầm vông,... hừng hực khí thế cách mạng kéo về nội thành, nhanh chóng chiếm giữ các cơ quan quan trọng như: Sở Công an, Sở Cảnh sát, Nhà ga, Bưu điện, các quận, bót.

Sáng ngày 25/8/1945, hàng triệu quần chúng nhân dân ở nội, ngoại thành và các tỉnh lân cận đổ về trung tâm thành phố dự mít-tinh chào mừng Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ với các băng rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Tất cả về tay Việt Minh”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm”,…

Cờ đỏ sao vàng ngập tràn trên đường phố, bay hiên ngang trên các công sở đánh dấu thắng lợi cuộc khởi nghĩa tại Sài Gòn. 

Dinh Khâm Sai (nay là Bảo tàng TP.HCM, số 65 Lý Tự Trọng, Quận 1), là nơi cờ đỏ sao vàng được cắm lên vào đêm 24/8/1945. Nguồn ảnh: Tư liệu

Cách mạng Tháng Tám là dấu son lịch sử, khẳng định độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam trên bản đồ thế giới! Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã kiên quyết đứng lên thực hiện Lời thề bảo vệ Tổ quốc trong Tuyên ngôn Độc lập, kháng chiến hơn 30 năm ròng chống lại âm mưu và hành động xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Và Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM lại kiêu hãnh “đi trước về sau”, là nơi nổ phát súng đầu tiên chống Pháp ngày 23/9/1945 và cũng là nơi diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày 30/4/1975!

Cơ hội mới của TP.HCM hiện nay

Gần 50 năm sau Cách mạng Tháng Tám, sau những nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, cùng cả nước, TP.HCM đã và đang thực hiện mong ước của Bác Hồ: “Nước độc lập mà dân không được ấm no, hạnh phúc thì độc lập ấy cũng không có giá trị gì”; “Đến ngày thắng lợi, ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cộng sản, chúng ta có thể tự hào rằng chưa bao giờ đất nước ta có tiềm lực mọi mặt mạnh mẽ như hiện nay, chưa bao giờ vị thế của quốc gia, dân tộc được thế giới tôn vinh và thừa nhận như hiện nay.

TP.HCM từ sau ngày giải phóng, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân vượt qua những khó khăn chồng chất những năm đầu, đặc biệt là tình trạng thiếu đói triền miên, sản xuất ngưng trệ không có lối ra. Ổn định an ninh, trật tự, ổn định đời sống nhân dân, vạch lối, tìm đường cho sự phát triển của sản xuất, phân phối lưu thông, Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã trực tiếp đóng góp vào sự phát triển của cả nước cả về vật chất, tinh thần và kinh nghiệm thực tiễn trong sự nghiệp đổi mới. Mấy năm gần đây, sự phát triển của Thành phố có biểu hiện chững lại, một phần do yếu tố nội lực của lực lượng kinh tế - xã hội, một phần vì cơ chế, chính sách chưa theo kịp yêu cầu bức bách của sự phát triển ở một thành phố trung tâm, với tư cách là đầu tàu của khu vực và cả nước.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết 98 của Quốc hội mới được thông qua như là một thời cơ cho Thành phố bứt phá, vươn lên trong tình hình mới. Nghị quyết 98 là biểu hiện rõ nét ý chí và sự vào cuộc của nhân dân cả nước, thông qua các đại biểu nhân dân trong việc tháo gỡ những ách tắc để phát triển Thành phố. Nghị quyết 98 là thời cơ, nhưng không phải nó tự đến. Chính thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, cả những ưu điểm và hạn chế đã đặt ra đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới. Mặt khác, nếu trong Cách mạng Tháng Tám, chính Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã xây dựng, phát triển lực lượng, góp phần tạo thời cơ, chuẩn bị đón thời cơ và quyết tâm đứng lên giành chính quyền khi thời cơ đến, thì ngày nay, chính sự lãnh đạo của Thành ủy, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị đã tích cực nghiên cứu, tìm tòi, phát hiện những bất cập về cơ chế, chính sách, về tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội; đã huy động lực lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cả đội ngũ cán bộ khoa học có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, đề xuất những vấn đề cần sửa đổi; tích cực, kiên trì “đeo bám” các cơ quan Trung ương và Quốc hội để có được Nghị quyết 98 như hôm nay.

Nghị quyết đã có, vấn đề là tổ chức thực hiện. Cần tận dụng cơ hội - chớp thời cơ với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” trong việc cụ thể hóa những vấn đề mà Quốc hội đã cho phép triển khai. Với tinh thần làm thí điểm, nhưng cần cố gắng hết mức, để biến một mô hình thí điểm trở thành một mô hình ưu việt cho sự phát triển để cả nước học tập. Đó là tinh thần “Cả nước vì Thành phố, Thành phố vì cả nước! Đó cũng là ý nghĩa thật sự của việc vận dụng bài học kinh nghiệm lịch sử vào thực tiễn cuộc sống, để tinh thần và bài học của Cách mạng Tháng Tám mãi trường tồn!

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: