(HTV) - Hôm nay là kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Là ngày lễ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho hòa bình, độc lập của dân tộc và tri ân cho người trở về sau đạn bom khói lửa, gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường để bảo vệ bình yên cho Tổ Quốc, cho Nhân dân.
Để ghi nhận công ơn của các thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước, ngày 16/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL, "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ". Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ.
Đến giữa tháng 6/1947, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, các khối và các tỉnh họp tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã bàn bạc, nhất trí lấy ngày 27/7 làm "Ngày Thương binh toàn quốc".
Đến năm 1955, ngày "Thương binh toàn quốc" được đổi tên thành ngày "Thương binh - Liệt sĩ".
Trong suốt 77 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, những người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không ngừng được nghiên cứu, được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần.
Cùng với cả nước, nhiều năm qua, TP.HCM đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa để bày tỏ sự tri ân, trân trọng đối với các lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng. Như: phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; chăm sóc bố mẹ liệt sĩ neo đơn, con liệt sĩ mồ côi; gây quỹ đền ơn đáp nghĩa; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; hỗ trợ phương tiện sinh kế, ....
Năm 2024, Thành phố tổ chức thăm hỏi, chăm lo cho hơn 73.600 đối tượng chính sách, có công trên địa bàn, với tổng kinh phí hơn 77,7 tỉ đồng, tăng 4,29% so với năm 2023.
Vì cả nước, cùng cả nước, TP.HCM mang tên Bác kính yêu - thành phố nghĩa tình, đã, đang và sẽ tiếp tục chăm lo, thực hiện việc hàn gắn những vết thương chiến tranh bằng trách nhiệm và đạo lý "đền ơn đáp nghĩa - Uống nước nhớ nguồn".
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9